Quản lý Môi trường LÀNG NGHỀ: Cần hành động cấp bách

Làng nghề và làng có nghề ở Việt Nam xuất hiện từ rất lâu đời, có nơi lịch sử phát triển hàng trăm năm, thậm chí tới cả nghìn năm. Sự phát triển của các làng nghề, ngành nghề truyền thống đã có nhiều thay đổi qua các thời kỳ lịch sử của đất nước, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới.

Vấn đề bảo vệ môi trường làng nghề đã được đề cập tới không ít trong thời gian qua, tuy nhiên lời giải đáp thỏa đáng vẫn còn nhiều thách thức.

Môi trường làng nghề – khó kiểm soát

Theo TS. Tôn Gia Hóa – Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam nhận định: Tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề đang ảnh hưởng xấu đến hình ảnh thơ mộng vốn có của làng quê Việt Nam. Chính những người thợ thủ công trong cuộc sống mưu sinh đã vô tình góp phần hủy hoại môi trường sống của chính gia đình mình.

Những làng nghề nổi tiếng với sản lượng hàng hóa ngày càng tăng, doanh thu ngày càng lớn… lại đang lâm vào tình trạng ô nhiễm khó kiểm soát. Nếu không có những hành động cụ thể và thích hợp thì chính những hoạt động của làng nghề sẽ là nguyên nhân kìm hãm sự phát triển lành mạnh của nó.

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT tình đến 31/12/2016 cả nước có 1864/5411 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận. Có đến 60% các làng nghề tập trung khu vực phía Bắc như: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định… Miền trung chiếm khoảng 23,6% tập trung chủ yếu ở các tỉnh như Quảng Nam, Thừa Thiên Huế và miền Nam chiếm khoảng 16,6%, tập trung chủ yếu ở các thành phố Cần Thơ, tỉnh Đồng Nai, Bình Dương.

Kết quả một số cuộc khảo sát cho thấy có đến 46% số làng nghề trong diện điều tra có môi trường bị ô nhiễm (đối với không khí, nước, đất hoặc cả ba dạng trên) và có 27% ô nhiễm vừa. Đối với nước thải, ô nhiễm chất hữu cơ các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, chăm nuôi và giết mổ.

Hàm lượng các chất ô nhiễm vượt quá quy chuẩn Việt Nam hàng chục lần. Ô nhiễm chất vô cơ bắt nguồn từ các làng nghề dệt nhuộm, thủ công mỹ nghệ và mây tre đan, tái chế giấy, nước thải có hàm lượng cặn lớn và chứa nhiều chất ô nhiễm như dung môi, dư lượng các chất trong quá trình nhuộm, đánh bóng…

Môi trường không khí cũng bị ô nhiễm, chủ yếu từ sử dụng than làm nhiên liệu, sử dụng nguyên vật liệu và hóa chất trong dây chuyền công nghệ sản xuất do khí thải chứa các thành phần đặc trưng là bụi, Co2, Co, So2… chất hữu cơ bay hơi. Ngoài ra, quá trình tái chế và gia công cũng gây phát sinh các khí độc như hơi axít, kiềm, ô xít kim loại và ô nhiễm nhiệt. Hàm lượng bụi ở khu vực sản xuất vật liệu xây dựng tại một số địa phương vượt quá Quy chuẩn Việt Nam từ 3-8 lần, hàm lượng So2 có nơi vượt 6,5 lần.

Kết quả đo đạc chất lượng không khí tại làng nghề sơn mài cho thấy hàm lượng phun sơn gấp 16,7 lần tiêu chuẩn Việt Nam so sánh trung bình ngày đêm và cấp 5 lần nồng độ tối đa cho phép.

Cần hành động cấp bách

Hơn ai hết, người dân ở các làng nghề chính là nạn nhân của mình khi phải gánh chịu một môi trường ô nhiễm, độc hại do việc phát triển sản xuất bừa bãi gây ra. Do sự gia tăng ô nhiễm tại các làng nghề đã dẫn đến tỷ lệ người mắc bệnh tại khu vực này đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Các kết quả nghiên cứu trên thực tế cho thấy, tuổi thọ của người dân tại các làng nghề ngày càng giảm đi so với tuổi thọ trung bình của cả nước.

Theo báo cáo môi trường quốc gia, tại các làng nghề sản xuất kim loại, tỷ lệ cao người dân mắc các bệnh liên quan đến thần kinh, hô hấp, điếc, ung thư… Trong khi đó, đối với các làng nghề tái chế giấy có số lượng cao người dân mắc các bệnh phổi, thần kinh do chịu sức ép từ khói bụi, tiếng ồn, ô nhiễm không khí, hóa chất và các khí độc… Tại các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, tỷ lệ cao người mắc các bệnh về đường ruột, hô hấp.

Đặc biệt, các ô nhiễm về không khí do bụi và tiếng ồn thường khó xác định hơn cả và mang đầy cảm tính bởi lẽ những người dân bản địa quen với tiếng ồn thì mức độ cao đủ gây hại đối với họ lại thành bình thường. Chính nguyên nhân này khiến người dân các làng nghề bị ô nhiễm, “ru ngủ” lâu dài và vẫn bình tĩnh trước những nguy hại cận kề.

Rõ ràng môi trường làng nghề tại Việt Nam đáng báo động và đòi hỏi những hành động thiết thực để hạn chế những tác động xấu đến môi trường của các loại hoạt động sản xuất làng nghề.

Vẫn biết, trong những năm gần đây, các cấp chính quyền từ TW đến địa phương đã thực hành nhiều chính sách nhằm cải thiện điều kiện môi trường sống nói chung và môi trường tại các làng nghề. Luật môi trường được ban hành và đã có một số chuyển biến, đặc biệt tại những khu vực nông thôn thực hiện tốt phong trào xây dựng nông thôn mới. Nhiều làng nghề đã từng bước cải tiến công nghệ, đường làng ngõ xóm sạch, đẹp, ý thức cộng đồng ngày càng được nâng cao… tuy nhiên tình trạng ô nhiễm vẫn tồn tại và chưa được cải thiện triệt để.

TS. Tôn Gia Hóa cho rằng: Để các làng nghề phát triển một cách bền vững thì điều cốt lõi là cần kiểm soát được tốc độ phát triển phù hợp với khả năng xử lý các tác động của sản xuất. Đặc điểm của sản xuất tại các làng nghề là nhỏ lẻ và thủ công truyền thống. Việc phát triển ồ ạt sẽ tạo nên sự mất cân đối trong chuỗi cung ứng nguyên nhiên vật liệu, sản phẩm, lao động và xử lý môi trường…

Chính vì yếu tố này mà trong thời gian từ 2001 đến nay cả nước đã hình thành có lẽ tới hàng trăm “cụm công nghiệp làng nghề”, không tính trong số đó với những quy ch ế không hợp lý đã góp phần phá vỡ không gian làng nghề, biến làng nghề thành những công trường thủ công để lại những hậu quả khó khắc phục về môi trường cũng như không gian làng quê bị xâm phạm.

Ý thức của cộng đồng cũng là điểm đột phá đầu tiên nên làm trên con đường khắc phục những hậu quả xấu về môi trường do hoạt động sản xuất. Phong trào “Xây dựng nông thôn mới” hiện nay là cơ hội để các làng nghề tìm cách giải quyết có hiệu quả các vấn đề môi trường, trên cơ sở nâng cao ý thức của người dân cùng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước.

Ngoài ra cần thiết áp dụng các công nghệ mới, sử dụng năng lượng sạch, quy hoạch bố trí lại sản xuất… là những yếu tố kỹ thuật và quản lý cũng rất cần quan tâm để bớt nguồn chất thải, sử dụng tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu...

Phát triển làng nghề theo hướng du lịch chắc chắn sẽ đưa đến nhiều cơ hội nhất là đối với những làng nghề truyền thống. Cảnh quan thiên nhiên, cuộc sống của cư dân và hoạt động nghề thủ công… chính là những “tài nguyên” cần khai thác triệt để nhằm quảng bá du lịch trong nước và quốc tế. Những hoạt động giao lưu học hỏi thông qua hoạt động của các Hiệp hội nghề nghiệp sẽ giúp ích cho nhiều làng nghề tìm được hướng đi đúng đắn khi học tập ở những mô hình tiêu biểu giải quyết tốt vấn đề môi trường, đảm bảo phát triển bền vững.

Bên cạnh những chính sách, pháp luật của Nhà nước về vấn đề môi trường thì ý thức của cộng đồng trong các làng nghề là hết sức quan trọng. Chỉ có sự đồng thuận của người dân trong làng xã mới có khả năng thay đổi được tình trạng ô nhiễm hiện tại ở các làng nghề.

Theo

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/quan-ly-moi-truong-lang-nghe-can-hanh-dong-cap-bach-3691126-b.html