Quản lý chặt chẽ sách tham khảo, sách cho trẻ em

Sách tham khảo, sách cho trẻ em là xuất bản phẩm; việc tổ chức, xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm theo các quy định của Luật Xuất bản.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chia sẻ như trên tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2023, diễn ra chiều 4/11.

Trước câu hỏi của phóng viên về việc quản lý sách tham khảo, sách cho trẻ em được triển khai như thế nào để không bị lọt các nội dung không phù hợp; Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho hay, sách tham khảo, sách cho trẻ em là xuất bản phẩm.

Việc tổ chức, xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xuất bản phải tuân thủ theo các quy định của Luật Xuất bản hiện hành. Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản.

Theo Thứ trưởng, cần có những quy định trong việc sử dụng sách phát hành trong cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông. Qua đó, nhằm tăng cường trách nhiệm của nhà nước, hạn chế những nội dung không phù hợp trong sách tham khảo sách, sách dành cho trẻ em trong các hoạt động giáo dục nhà trường.

Nhằm tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước theo thẩm quyền, hạn chế tối đa các nội dung không phù hợp đối với sách tham khảo, sách cho trẻ em, năm 2014, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT ngày 7/7/2014 quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Trong đó, quy định xuất bản phẩm tham khảo được lựa chọn sử dụng trong các cơ sở giáo dục phải đảm bảo các yêu cầu như: Phù hợp với mục tiêu, nội dung chương trình giáo dục do Bộ GD&ĐT ban hành đối với từng cấp học, lớp học.

Đảm bảo tính khoa học, tính chính xác, tính sư phạm và tính thẩm mĩ; phù hợp với tâm sinh lí lứa tuổi của đối tượng sử dụng; không trái với văn hóa, lịch sử, địa lí, đạo lí và thuần phong mĩ tục Việt Nam; phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế.

Có tác dụng giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; đảm bảo giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội và giữ vững chủ quyền quốc gia. Không vi phạm các quy định của pháp luật.

Thông tư 21 cũng quy định trách nhiệm của giáo viên, nhà trường, phòng GD&ĐT, sở GD&ĐT về lựa chọn, mua sắm, quản lí, sử dụng xuất bản phẩm tham khảo và chịu trách nhiệm về nội dung, danh mục xuất bản phẩm tham khảo lưu hành trong cơ sở giáo dục. Nếu phụ huynh muốn dùng thì sẽ được nhà trường tư vấn.

Vừa qua, chúng ta thấy có một số hình ảnh, nội dung lan truyền trên mạng xã hội không phù hợp. Đây không phải lần đầu, cũng có thể cố ý hoặc vô tình khiến người dân hiểu nhầm sang là nội dung của sách giáo khoa.

Thứ trưởng cho rằng, việc này rất nguy hiểm, tác động xấu đối với toàn bộ hệ thống giáo dục nên phóng viên cần lưu ý khi đưa tin, viết bài. Theo đó, cần kiểm chứng rõ nguồn gốc, xác định rõ trách nhiệm của cá nhân liên quan.

Trong năm 2023, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các Sở GD&ĐT tổ chức rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Thông tư 21 tại địa phương. Kết quả tổng hợp rà soát, đánh giá của các địa phương cho thấy, Thông tư 21 vẫn đảm bảo chặt chẽ về pháp lý, còn phù hợp ở hiện tại, phục vụ tốt cho quá trình quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Minh Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/quan-ly-chat-che-sach-tham-khao-sach-cho-tre-em-post659944.html