Quận Long Biên - Điểm sáng triển khai tuyến phố an toàn thực phẩm

Từ năm 2018, quận Long Biên triển khai thí điểm mô hình 'Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát'. Nhận thấy mô hình này phù hợp và thiết thực trong việc nâng cao công tác quản lý an toàn thực phẩm cũng như xây dựng bộ mặt văn minh đô thị của các tuyến phố, Quận ủy đã đưa việc duy trì và nhân rộng mô hình này vào Chương trình số 02-CTr/QU nhiệm kỳ 2020-2025 và Kế hoạch thực hiện chủ đề công tác năm 2023 'Năm chỉnh trang đô thị, chăm lo đời sống người dân, kỷ niệm 20 năm thành lập quận'.

Lãnh đạo quận Long Biên khảo sát một cơ sở kinh doanh tại “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” Hồng Tiến (phường Bồ Đề).

Tạo hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm

Sau hơn 5 năm triển khai, tính đến tháng 7-2023, quận Long Biên đã có 9 tuyến phố được công nhận “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát”, gồm: Phố Hồng Tiến - phường Bồ Đề; phố Ẩm thực - tổ 27 phường Ngọc Lâm; phố Nguyễn Sơn - phường Bồ Đề; phố Nguyễn Sơn - Gia Thụy; phố Việt Hưng - phường Việt Hưng; phố Trường Lâm - phường Đức Giang; phố Nguyễn Lam, Huỳnh Văn Nghệ - phường Phúc Đồng; phố Ngọc Lâm (từ Dốc Cẩm đến số nhà 86) và phố Lưu Khánh Đàm, Bùi Thiện Ngộ - phường Giang Biên.

Nhìn chung, các “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” đều có sự thay đổi rõ rệt cả về cảnh quan lẫn ý thức chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm của người kinh doanh và người tiêu dùng. Cụ thể, tình trạng vi phạm về an toàn thực phẩm đã giảm đi nhiều. Cơ sở vật chất của các cửa hàng tham gia vào mô hình “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” đều khang trang, sạch sẽ hơn. Đến nay, 100% cơ sở tham gia vào mô hình này đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm. Nguyên liệu sử dụng tại các cơ sở này đều được kiểm soát, có nguồn gốc xuất xứ. Thời gian qua chưa xảy ra ngộ độc thực phẩm tại các cơ sở tham gia vào mô hình này.

Để có được kết quả này, thời gian qua, tất cả các hộ kinh doanh tham gia vào mô hình “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” trên địa bàn quận đều lấy tiêu chí bảo đảm an toàn thực phẩm cho cộng đồng như chính gia đình mình. Chị Đinh Thị Hằng, chủ nhà hàng bán cá hồi tại phường Giang Biên chia sẻ: “Hằng ngày, chúng tôi phải thực hiện ghi chép sổ giao, nhận thực phẩm, sổ kiểm thực 3 bước để tiện cho việc truy xuất nguồn gốc, công khai đến khách hàng địa chỉ, nguồn gốc nguyên liệu. Ngoài ra, nhân viên trực tiếp chế biến thực phẩm và nhân viên phục vụ phải được kiểm tra sức khỏe định kỳ và tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm theo quy định...".

Tại “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” trên phố Nguyễn Sơn (phường Bồ Đề), người dân nơi đây đều chung nhận xét, từ khi mô hình này được triển khai, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cho đến việc chấp hành các quy định an toàn thực phẩm của chủ cơ sở, nhân viên đã được cải thiện. Hơn nữa, các cửa hàng cung cấp thực phẩm đã công khai, minh bạch về nguồn gốc sản phẩm, giúp người tiêu dùng yên tâm hơn.

Anh Khổng Doãn Duy - người dân sinh sống tại đường Nguyễn Sơn cho biết: “Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm thời gian qua được quận Long Biên triển khai khá sát sao khiến các thực khách như chúng tôi rất vui mừng. Ra ngoài ăn uống, đặc biệt là trong những ngày nắng nóng như thế này nhưng tôi thấy các hộ kinh doanh chấp hành rất nghiêm chỉnh các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm”.

Phấn đấu xây dựng thêm tuyến phố đạt chuẩn

Ghi nhận sự quyết tâm, nỗ lực cùng những kết quả đạt được của chính quyền địa phương thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên, Phó Trưởng ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm quận Đinh Thị Thu Hương cho rằng, Quận ủy, UBND quận luôn xác định nhiệm vụ bảo đảm an toàn thực phẩm nói chung và duy trì “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” nói riêng là nhiệm vụ quan trọng trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. Vì vậy, thời gian tới, công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh trên tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát sẽ tiếp tục được tăng cường. Qua đó, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, thậm chí có thể thu hồi biển “Cơ sở an toàn thực phẩm có kiểm soát” đối với cơ sở có vi phạm, không bảo đảm tiêu chí của mô hình.

“Cùng với quyết tâm của thành phố nói không với thực phẩm “bẩn” và cơ sở kinh doanh không bảo đảm an toàn, mỗi năm, quận cố gắng tiếp tục xây dựng thêm tuyến phố đạt chuẩn “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát”. Khi Hà Nội có thêm nhiều tuyến phố như vậy sẽ không chỉ góp phần thay đổi thói quen kinh doanh, ăn uống, nâng cao ý thức trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm mà còn hình thành nét văn minh mới trong thương mại”, bà Đinh Thị Thu Hương nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND phường Giang Biên Vũ Phương Đông cũng cho rằng, việc đạt được tuyến phố an toàn thực phẩm đã khó thì công tác duy trì còn khó hơn. Do đó, trong năm 2023, phường sẽ tập trung chỉ đạo công tác kiểm tra và phối hợp với tổ công tác của quận tăng cường kiểm tra định kỳ và đột xuất các cơ sở kinh doanh trên tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát. Nếu phát hiện cơ sở có vi phạm sẽ xử phạt nghiêm theo quy định của pháp luật.

Chủ tịch UBND phường Bồ Đề Nguyễn Văn Luyện cam kết sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm duy trì hai tuyến phố đã được công nhận “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” trên địa bàn phường. Đồng thời, huy động sự vào cuộc của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, tổ dân phố và nhân dân trong tuyên truyền, vận động, giám sát người sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải tự giác thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong bảo đảm an toàn thực phẩm và các lĩnh vực liên quan như trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy...

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/quan-long-bien-diem-sang-trien-khai-tuyen-pho-an-toan-thuc-pham-636225.html