Quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ lên tầng nấc mới, tầm vóc quốc tế và những thông điệp ý nghĩa

Truyền thông quốc tế và các hãng thông tấn lớn trên thế giới dành nhiều thời lượng đăng tải thông tin, thông điệp về sự kiện Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thăm Việt Nam và hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden gửi lời cảm ơn tới Việt Nam trong dòng trạng thái trên mạng xã hội X sau khi kết thúc chuyến thăm cấp Nhà nước tới Hà Nội. (Ảnh chụp màn hình)

Những đánh giá, thông điệp tích cực

Theo chuyên gia, học giả quốc tế, sự quan tâm này xuất phát từ bối cảnh thế giới phức tạp, chia rẽ; căng thẳng giữa các cường quốc, đặc biệt là Mỹ, Nga, Trung Quốc; vị trí địa chiến lược của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và lịch sử quan hệ giữa hai nước từng là cựu thù trong thời gian dài.

Dễ thấy những cụm từ xuất hiện với tần suất dày đặc: sự kiện đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, đưa bang giao giữa hai nước vào “giai đoạn mới”, “mở ra một chương mới”, lên “một tầm cao mới”… Tạp chí The Diplomat đúc kết, sự kiện này là “thời khắc lịch sử trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ”.

Theo hãng thông tấn Al Jazeera, mối quan hệ giữa Việt Nam-Hoa Kỳ có sự “thay đổi đáng kinh ngạc”. Thực chất, đó là cách biểu cảm đối với ý nghĩa của sự kiện. Giáo sư Hoa Kỳ Jonathan D. London khẳng định sự kiện có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với hai nước mà còn đối với cả khu vực và thế giới.

Ngôn từ khác nhau, nhưng có chung nội hàm, đánh giá cao vai trò, ý nghĩa, tầm vóc quốc tế và những thông điệp quan trọng từ việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ.

Hai quốc gia, từ cựu thù trong cuộc chiến tranh kéo dài hơn 20 năm và chừng ấy năm bao vây, cấm vận, trở thành Đối tác chiến lược toàn diện. Điều này cho thấy, mọi mâu thuẫn, xung đột giữa các quốc gia trên thế giới đều có thể giải quyết thông qua đối thoại, đàm phán.

Điều kiện cần và đủ là tuân thủ nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thể chế chính trị của nhau; và phương châm “khép lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”.

Giáo sư Carl Thayer cho rằng “Việt Nam đóng vai trò hình mẫu về cách phát triển quan hệ hiệu quả với một cường quốc bất chấp sự cạnh tranh giữa các nước đó. Việt Nam chứng minh rằng có thể đối thoại cùng lúc với Trung Quốc, Nga và Hoa Kỳ”.

Có thể còn những thông điệp khác. Nhưng chỉ vậy cũng đã là những bài học, đóng góp quan trọng cho khu vực và thế giới, được dư luận quốc tế ghi nhận.

Những góc nhìn khác

Bên cạnh đó, cũng có những băn khoăn, mơ hồ, thông tin sai lệch theo kiểu “lập lờ đánh lận con đen”, suy diễn mang tính kích động, chia rẽ…

Một, thời điểm nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện muộn hay đúng thời cơ? Thực chất hay chỉ là tượng trưng, hình thức?

Lịch sử quan hệ Hoa Kỳ và Việt Nam trải qua các sự kiện thảm khốc, những thăng trầm, khác biệt không dễ vượt qua. Cần có quá trình đủ dài để thử thách, kiểm nghiệm.

Thực tế quan hệ những năm qua, hai bên đã từng bước thể hiện thiện chí, cả trong tuyên bố và hành động; tuân thủ các nguyên tắc, luật lệ. Hoa Kỳ nhiều lần công khai tuyên bố ủng hộ một nước Việt Nam mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng.

Việt Nam kiên trì thực hiện phương châm “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”. Với tinh thần nhân đạo, chúng ta chủ động phối hợp tìm kiếm hài cốt quân nhân Hoa Kỳ, mở những bước đi đầu tiên trong hành trình bình thường hóa quan hệ.

Học giả, chuyên gia quốc tế và hai nước ghi nhận, 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ đã đạt hiệu quả thực chất, từng bước tạo dựng sự hiểu biết, niềm tin và hàm chứa các yếu tố chiến lược.

Việt Nam nhất trí chủ trương nâng tầm quan hệ song phương khi có đủ điều kiện. Thời điểm hiện nay, các yếu tố chủ quan và khách quan đã chín muồi, để đưa quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Nội hàm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện thể hiện đầy đủ, sâu sắc, chặt chẽ, phù hợp với đường lối, chiến lược, chính sách của mỗi nước; và bối cảnh, xu thế của khu vực và thế giới. Được cụ thể hóa trong chương trình hợp tác toàn diện giữa hai nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp hai nước và những cam kết trên các lĩnh vực.

Nếu quan hệ đối tác chiến lược toàn diện chỉ mang tính hình thức, tượng trưng, thì đâu cần phải trải qua gần 30 năm thử thách như vậy (1995-2023). Các quan chức cấp cao hai nước không phải mất nhiều công sức gặp gỡ, chuẩn bị, rà soát từng chi tiết nội dung, câu chữ. Tổng thống Hoa Kỳ không phải tính toán chi li thời gian, lịch trình dự các sự kiện quốc tế để kịp đến Việt Nam đối thoại, ký kết văn kiện nâng quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Và truyền thông quốc tế, các hãng thông tấn cũng không dành nhiều sự quan tâm như vậy.

Đó là kết quả của một quá trình thử thách, kế thừa và phát triển; là minh chứng cho ý nghĩa, giá trị thực chất của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ.

Hai, ai cần hơn? Ai được hơn?

Ngạn ngữ có câu “hai tay mới vỗ thành tiếng”. Cả Hoa Kỳ và Việt Nam đều cần, đều mong muốn nâng tầm quan hệ. Bởi quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững, mang lại lợi ích chung cho hai quốc gia, dân tộc, cho nhân dân hai nước, góp phần thúc đẩy xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới.

Việt Nam có cơ hội thu hút nguồn đầu tư tài chính, nâng tầm thương mại, mở rộng thị trường, tiếp cận khoa học công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao… Đó là những nhân tố quan trọng, thiết yếu để trở thành cứ điểm trong chuỗi sản xuất công nghệ cao, cung ứng toàn cầu; chuyển nền kinh tế sang sản xuất và xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ giá trị cao, phù hợp với xu thế phát triển mới.

Nâng cao khả năng tự chủ kinh tế, đáp ứng tốt hơn mục tiêu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, là nền tảng bảo đảm độc lập, tự chủ về chính trị, chính sách đối nội và đối ngoại của Việt Nam. Đúng như đánh giá của Giáo sư Carl Thayer, việc nâng tầm quan hệ mang lại cho Việt Nam “uy tín to lớn trong khu vực và trong ASEAN”.

Nâng quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, Hoa Kỳ có lợi ích về kinh tế, thương mại. Đó là khai thác tiềm năng của một nền kinh tế top 20 châu Á, có khả năng trở thành cứ điểm sản xuất công nghệ cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu; thị trường 100 triệu dân…

Thông qua Việt Nam, đối tác có vai trò quan trọng ở khu vực, Mỹ muốn chứng tỏ sự quan tâm và củng cố quan hệ với ASEAN. Đồng thời, Hoa Kỳ thêm thuận lợi để củng cố, mở rộng mạng lưới đối tác quan trọng ở địa bàn chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Điều đó phù hợp với khẳng định của Giáo sư Carl Thayer, đây là “một thành công của ngoại giao Mỹ”.

Cả Việt Nam và Hoa Kỳ đều tìm thấy những lợi ích chung, cơ hội, thuận lợi lớn. Bên cạnh đó, cần nhìn nhận đúng các khó khăn, thách thức cần vượt qua.

Quyết định nâng quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ thể hiện bản lĩnh chính tri, vị thế, sự thận trọng, linh hoạt của Việt Nam. (Nguồn: Báo TG&VN)

Ba, liệu có nhằm vào bên thứ ba nào không?

Cố vấn An ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan nhìn nhận Washington mong muốn nâng tầm quan hệ “phản ánh vai trò dẫn đầu của Việt Nam trong các đối tác của Hoa Kỳ tại khu vực”.

Ngược lại, có ý kiến cho rằng Việt Nam có một “bước đi quyết định vào quỹ đạo của Mỹ”, thậm chí nêu là Việt Nam muốn dựa vào Mỹ để tạo đối trọng với các nước lớn khác.

Thực tế là Tuyên bố chung và các cuộc họp báo không hề đề cập việc ngăn chặn, kiềm chế nước nào; khẳng định thiết lập quan hệ mới không nhằm vào bên thứ ba.

Những ý kiến "trái chiều" thể hiện sự không hiểu hoặc cố tình không hiểu đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Việt Nam luôn kiên định chính sách quốc phòng “bốn không”, trong đó có không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống lại nước kia.

Nâng quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ là bước đi hài hòa quan hệ với các nước lớn; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, phù hợp với nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế. Đồng thời tính đến lợi ích chính đáng của các nước khác có liên quan và đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.

Quyết định nâng quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ thể hiện bản lĩnh chính tri, vị thế, sự thận trọng, linh hoạt của Việt Nam. Việt Nam có truyền thống hòa hiếu, vị tha, chân thành luôn nhất quán giữa tuyên bố và hành động. Thế giới, khu vực hiểu rõ bản chất, tin tưởng, ủng hộ quyết định của Việt Nam.

Bước khởi đầu

Tuyên bố chung, Chương trình hợp tác và các cam kết của Việt Nam và Hoa Kỳ mở ra cơ hội, tạo thuận lợi lớn. Nhưng hiện thực hóa không dễ dàng. Thời cơ không tự dưng đến và cũng trôi qua nếu không nắm bắt kịp thời. Bên cạnh những lợi ích chung, thì mục tiêu và tính toán chiến lược của mỗi bên cũng có điểm khác nhau. Quá trình sẽ nảy sinh những khó khăn, vấn đề mới, cả khách quan và chủ quan.

Quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ nằm trong tổng thể quan hệ với các đối tác, đối tác toàn diện, đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện, theo đường lối đối ngoại của Đảng. Như phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ký kết Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ mới là bước khởi đầu. Tận dụng cơ hội, phát huy hiệu quả đến đâu, tùy thuộc vào đường lối, chính sách, quyết tâm, khả năng và giải pháp tổ chức thực hiện của chúng ta.

TS. Vũ Đăng Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/quan-he-viet-nam-hoa-ky-len-tang-nac-moi-tam-voc-quoc-te-va-nhung-thong-diep-y-nghia-241943.html