Quan hệ Trung Quốc – Singapore – Đài Loan dậy sóng

Việc Trung Quốc tịch thu các phương tiện quân sự của Singapore tại Hong Kong sẽ chỉ tạo ra làn sóng phản đối mạnh mẽ chứ không thể ngăn cản Singapore tiếp tục quan hệ với Đài Loan.

Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin hôm 23/11, hải quan Hong Kong đã tịch thu 9 xe quân sự bọc thép của Singapore và một số thiết bị khác được đóng trong 12 container chuyển từ Đài Loan sang Singapore.

Tờ Thời báo Hoàn cầu còn chỉ trích Singapore "thiếu cẩn trọng" khi nhập lô hàng xe bọc thép từ Đài Loan, cũng như phản đối mối quan hệ quân sự giữa Singapore và Đài Loan.

Binh sĩ Singapore tập trận tại Trại Pendleton của Mỹ hồi năm 2014.

Trước đó, Bắc Kinh từng đề nghị Singapore tới đảo Hải Nam tập trận thay vì tới Đài Loan nhưng phía Singapore đã từ chối. Theo chuyên gia quân sự tại Macau, ông Antony Wong Dong, chính sức ép từ Mỹ đã khiến Singapore từ chối lời mời của Trung Quốc.

Liên quan tới vụ tịch thu 9 xe bọc thép, ông Dong cho rằng nhiều năm nay, Bắc Kinh đã cố gắng thuyết phục Singapore tìm chỗ thay thế các căn cứ huấn luyện quân sự tại Đài Loan nằm trong "Dự án Ánh sao" và đảo Hải Nam là một phương án nhưng Trung Quốc đã bị từ chối.

"Trung Quốc đại lục đã hứa giúp quân đội Singapore có một căn cứ rộng rãi hơn tại đảo Hải Nam để tập trận quân sự nhưng phía Singapore đã từ chối", ông Dong nói.

Cũng theo ông Dong, Singapore từ chối lời mời do sự phản đối mạnh mẽ từ Lầu Năm Góc trước quan ngại bí mật quân sự của Washington có thể bị rò rỉ khi Singapire sử dụng các hệ thống vũ khí của Mỹ trên đất Trung Quốc.

"Dự án Ánh sao" được thành lập năm 1974 khi cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu ký kết một thỏa thuận bí mật với người đồng cấp Đài Loan Tưởng Kinh Quốc.

Theo thỏa thuận bí mật, Singapore điều động gần 20.000 binh sĩ tới Đài Loan mỗi năm để tham gia các bài tập huấn luyện. Singapore và Đài Loan cũng tiến hành tập trận chung từ năm 1990. Điều đáng nói, Singapore là quốc gia duy nhất đưa quân tới Đài Loan để đào tạo.

Chương trình huấn luyện quân sự này được phơi bày lần đầu tiên vào đầu năm 2007, khi hai binh sĩ Singapore thiệt mạng và 9 người khác bị thương sau vụ rơi chiến đấu cơ trong cuộc tập trận thường niên Han Kuang tại Đài Loan.

Sau đó, Bắc Kinh đã đề nghị các tướng quân sự hàng đầu của Singapore ngừng tiến hành chương trình huấn luyện tại Đài Loan và đưa đảo Hải Nam làm phương án thay thế.

Singapore được cho từng cân nhắc phương án chuyển chương trình huấn luyện quân sự từ Đài Loan sang đảo Hải Nam. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận giữa Bắc Kinh và Singapore đã không có kết quả.

Song Singapore cũng đã giảm dần số lượng binh sĩ tới Đài Loan huấn luyện trong những năm gần đây, xuống còn 3.000 người và hiện chỉ còn 3 căn cứ quân sự ở Đài Loan được sử dụng trong "Dự án Ánh sao".

Cũng theo ông Wong, dù quân đội Trung Quốc và Singapore có tiến hành tập trận chung nhưng quy mô nhỏ hơn rất nhiều so với "Dự án Ánh sao" tại Đài Loan.

Nhà nghiên cứu cấp cao Oh Ei-sun tại Trường quốc tế S Rajaratnam School ở Singapore nhận định Bắc Kinh đang ngày càng mất kiên nhẫn trước mối quan hệ và hợp tác của Đài Loan với các nước khác đặc biệt là khi bà Thái Anh Văn lên nắm quyền Tổng thống và đảng Dân chủ tiến bộ trở thành đảng cầm quyền.

Ông Lee Chih-hong, nhà nghiên cứu tại Viện Phát triển và Chiến lược Longus ở Singapore nhấn mạnh căng thẳng giữa Bắc Kinh và Singapore sẽ còn leo thang khi hai bên không thể thống nhất quan điểm.

"Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan khẳng định Trung Quốc đã biết tới 'Dự án Ánh sao' từ lâu và Singapore không đồng tình với chính sách 'một Trung Quốc' của Bắc Kinh. Tuyên bố của ông Balakrishnan là nhằm bác bỏ những luận điệu của giới truyền thông Trung Quốc và khiến Bộ Ngoại giao Trung Quốc vô cùng tức giận", ông Lee nói

Minh Thu (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/quan-he-trung-quoc-singapore-dai-loan-day-song-post214939.info