Quan hệ đối tác ASEAN-EU: Khẳng định sức sống của chủ nghĩa đa phương

ASEAN-EU đều nhất quán rằng tầm quan trọng của việc củng cố trật tự đa phương dựa trên luật lệ là chìa khóa để thúc đẩy hòa bình và ổn định ở mỗi khu vực và trên thế giới.

AEMM lần thứ 24 là cơ hội để thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-EU và hai bên trao đổi các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. (Nguồn: Reuters)

AEMM lần thứ 24 là cơ hội để thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-EU và hai bên trao đổi các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. (Nguồn: Reuters)

Trong một bài phân tích trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-EU (AEMM) lần thứ 24 tại Brussels (Bỉ), trang mạng Fulcrum.sg (trang nghiên cứu về Đông Nam Á của Singapore) nhấn mạnh quan hệ đối tác ASEAN-EU vẫn rất quan trọng để duy trì chủ nghĩa đa phương trong trật tự toàn cầu đang không ngừng biến đổi. TG&VN lược dịch bài phân tích.

"Bắt tay" giải quyết khủng hoảng khu vực và toàn cầu

Các Bộ trưởng ASEAN và EU nhóm họp tại Brussels vào ngày 2/2 trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao ASEAN-EU lần thứ 24. Đây là Hội nghị có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh có những thách thức địa chiến lược và xung đột vô cùng phức tạp.

Giới phân tích kỳ vọng hai tổ chức khu vực nổi bật ASEAN và EU có thể "bắt tay" để góp phần giải quyết các cuộc khủng hoảng khu vực và toàn cầu, đồng thời duy trì chủ nghĩa đa phương.

Hội nghị do Đại diện cấp cao EU Josep Borrell và Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Enrique Manalo (Philippines đóng vai trò điều phối quan hệ ASEAN-EU) đồng chủ trì, là cơ hội để hai bên thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-EU và trao đổi các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN-EU tháng 12/2022, ASEAN và EU đều nhất quán khẳng định tầm quan trọng của việc củng cố trật tự đa phương dựa trên luật lệ, đây chính là chìa khóa để thúc đẩy hòa bình và ổn định sau Thế chiến thứ hai.

Bên cạnh đó, các giá trị và nguyên tắc chung như trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, chủ nghĩa đa phương hiệu quả, bền vững cũng như thương mại tự do và công bằng cũng là nền tảng then chốt của mối quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-EU.

Tuy nhiên, nhiều diễn biến hiện nay trong quan hệ quốc tế cho thấy chủ nghĩa đa phương đang bị xói mòn khi chủ nghĩa dân tộc, bảo hộ gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng xảy ra, minh chứng qua "phép thử" Covid-19, khủng hoảng năng lượng, di cư…

Ngay trong chính EU cũng chưa có sự đồng nhất về quan điểm trước các cuộc xung đột như tại Dải Gaza. Bên cạnh đó là sự nổi lên của các liên minh nhỏ như Nhóm Bộ tứ (Quad) hay quan hệ đối tác an ninh ba bên giữa Australia, Anh và Mỹ (AUKUS).

Hình thành tầm nhìn chung

Trong bối cảnh đó, ASEAN và EU sẽ cần tăng cường nỗ lực duy trì trật tự đa phương vốn đang gặp nhiều khó khăn. Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) và Chiến lược hợp tác của EU ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ định hướng những nỗ lực này và thúc đẩy sự liên kết chiến lược. Sự bổ sung giữa cả hai tài liệu giúp ASEAN và EU có thể hợp tác chặt chẽ với nhau trong việc giải quyết các thách thức chung, xây dựng niềm tin, thiết lập các tiêu chuẩn và thúc đẩy các thông lệ tốt ở Đông Nam Á.

Diễn đàn Bộ trưởng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPMF) lần thứ ba của EU cũng sẽ diễn ra tại Brussels và có sự tham gia của hầu hết các ngoại trưởng ASEAN. Đây là một cơ hội để ASEAN và EU hình thành tầm nhìn chung cho cả hai khu vực.

Cuộc họp cấp Bộ trưởng ASEAN-EU hướng đến nhấn mạnh tầm quan trọng của một hệ thống thương mại đa phương không phân biệt đối xử, cởi mở, minh bạch, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải cải cách trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); phát triển năng lượng tái tạo nhằm thúc đẩy các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) và hợp tác về biến đổi khí hậu thông qua Đối thoại Bộ trưởng ASEAN-EU về Môi trường và Biến đổi khí hậu.

Thời gian tới, ASEAN và EU nên thảo luận các nguyên tắc đa phương về hợp tác công nghệ, đặc biệt là trong việc quản lý trí tuệ nhân tạo (AI). Sự phát triển nhanh chóng của AI và những rủi ro tiềm ẩn của nó đồng nghĩa với việc cần phải ưu tiên quản trị AI.

Đạo luật AI của EU sắp được thông qua có thể là tài liệu tham khảo hữu ích để ASEAN điều chỉnh chiến lược của mình phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và các nguyên tắc quản lý AI.

Bên cạnh đó, EU có thể đóng vai trò chiến lược hơn ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn ngày càng gia tăng. EU là đối tác trong ưu tiên chiến lược và đáng tin cậy của nhiều nước trong khu vực.

Trong cùng một cuộc khảo sát gần đây, EU là lựa chọn thứ hai của khu vực (sau Mỹ) để duy trì trật tự dựa trên luật lệ và tuân thủ luật pháp quốc tế.

Rõ ràng, thúc đẩy hợp tác với EU cũng sẽ giúp ASEAN cân bằng hơn trong quan hệ với nước lớn. ASEAN cũng cần ghi nhận những đóng góp của EU đối với hòa bình, ổn định tại khu vực, thúc đẩy sự tham gia của EU trong các cơ chế ASEAN dẫn dắt, qua đó tăng cường vai trò của chủ nghĩa đa phương.

(theo Fulcrum)

Vy Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/quan-he-doi-tac-asean-eu-khang-dinh-suc-song-cua-chu-nghia-da-phuong-259584.html