Quan hệ Australia - Việt Nam và ASEAN, triển vọng từ góc nhìn của Giáo sư Carl Thayer

Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales trả lời với PLO về quan hệ Australia - Việt Nam và ASEAN, nhân chuỗi hoạt động của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Úc.

Hội nghị Cấp cao Đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ đối thoại ASEAN - Australia, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã long trọng ra Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện giữa hai quốc gia.

Trả lời phỏng vấn PLO sáng nay, 8-3, Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales đã có một số bình luận về lịch sử cũng như những phát triển quan hệ Australia - Việt Nam cũng như với các quốc gia ASEAN.

Hội nghị Cấp cao Đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ đối thoại ASEAN - Australia vừa được tổ chức cùng với Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ Australia - Việt Nam là cơ hội để tái xác nhận lại cam kết của Australia với ASEAN cũng như Việt Nam, theo GS Carl Thayer. Ảnh:TTXVN

Khối thống nhất của nhiều quốc gia là một chiến lược tốt

. Thượng đỉnh ASEAN với các nước lớn hoặc nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản thì dễ hiểu. Nhưng với Australia thì lý do mà đôi bên tổ chức hoạt động này là gì?

+ GS Carl Thayer: Thứ nhất, Australia là đối tác đối thoại lớn và lâu nhất với ASEAN từ năm 1974. Thứ hai, Australia cùng với Mỹ là hai đối tác chiến lược toàn diện của ASEAN từ năm 2021.

Năm 2019 là năm đầu tiên hội nghị thượng đỉnh ASEAN – Australia được tổ chức tại Sydney. Đến năm 2020, Australia có Chính phủ mới thì cũng đã tiếp tục ủng hộ, củng cố mạnh mẽ quan hệ với ASEAN.

Tương lai của Australia là gắn liền với ASEAN. ASEAN đã có những phát triển thần kỳ trong thời gian qua. Giờ đây tổng GDP của ASEAN gần gấp đôi Australia.

Kim ngạch giữa Australia và ASEAN thậm chí còn cao hơn kim ngạch thương mại giữa Australia và Mỹ hay Nhật bản. Thương mại giữa Australia và ASEAN sẽ còn tăng trưởng mạnh hơn nữa và cả hai bên sẽ cùng phát triển thịnh vượng chung.

Vì vậy Hội nghị Cấp cao Đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ đối thoại ASEAN - Australia những ngày qua chính là tái xác nhận lại cam kết của Australia với ASEAN. Australia sẽ hỗ trợ cho ASEAN không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn rất nhiều lĩnh vực khác nữa.

. Australia và ASEAN cũng như các quốc gia khu vực Đông Nam Á có các yếu tố địa chính trị, lịch sử gì để gắn kết nhau như vậy?

+ Từ thập niên 1980, Australia đã bắt đầu xây dựng quan hệ thân thiện hơn với các nước Đông Nam Á. ASEAN đã phát triển mạnh từ thập niên 1990. Nếu nhìn từ góc độ chiến lược, sẽ tốt hơn nếu có một khối thống nhất của nhiều quốc gia hơn là nhóm của một số quốc gia đơn lẻ với nhau.

Australia có mối quan hệ tốt từ rất lâu với Malaysia, Singapore và một số nước trong Khối Thịnh vượng chung. Qua ASEAN, Australia đã giải quyết được những vấn đề tồn tại và trở thành đối tác thân thiết với Indonesia.

Australia đã thay đổi chính sách nhập cư thập niên 1990, người dân từ nhiều nước trên thế giới đã tìm đến Australia, trong đó có người Việt.

Với khoảng 350.000 người, cộng đồng người Việt Nam là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ năm tại Australia, nhưng là cộng đồng người Việt ở nước ngoài lớn thứ ba sau Hoa Kỳ và Nhật Bản. Tiếng Việt đã trở thành ngôn ngữ phổ biến thứ tư tại Australia và đã được đưa vào tất cả các trường trung học như một ngoại ngữ. Quan hệ giao lưu nhân dân giữa Australia - Việt Nam đã phát triển mạnh trong những năm gần đây.

Quan hệ Australia - Việt Nam được nâng cấp lần này đang mở thêm nhiều cơ hội hợp tác mới giữa hai nước Tây Thái Bình Dương. Ảnh: VGP

Tầm nhìn dài hạn của Australia với Việt Nam

. Một tháng sau khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, tháng 2-1973, Australia đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa... Lịch sử này tạo nên giá trị gì riêng có giữa hai quốc gia?

+ Chính phủ của Đảng Lao động Australia lên nắm quyền vào tháng 12-1972, và từ khi đó Australia đã thừa nhận Chính phủ thống nhất của Việt Nam. Australia cũng sớm cung cấp một số chương trình hỗ trợ và bắt đầu cấp học bổng cho sinh viên Việt nam sang học.

Quan hệ Australia - Việt Nam đã hình thành như thế và điều đó thể hiện cho tầm nhìn dài hạn của Chính phủ Australia.

Tất nhiên, mối quan hệ Australia đã có với Anh và Liên minh châu Âu hay các nước phương Tây là quan trọng. Nhưng với vị trí địa lý của mình, tương lai của Australia có liên quan trực tiếp với các nước trong khu vực này. Chính phủ Australia đồng thời cũng cảm thấy có những tương đồng về quan điểm nhất định với Chính phủ Việt Nam.

Từ những tương đồng đó dần dần phát triển thành mối quan hệ kinh tế, thương mại tăng trưởng qua các năm. Đặc biệt hoạt động kinh tế thương mại phát triển rất nhanh từ sau khi Mỹ gỡ bỏ các lệnh cấm vận với Việt Nam.

Australia từng hỗ trợ đào tạo 6.500 quân nhân Việt Nam, cả tại Australia và Việt Nam, từ cuối thập niên 1990. Quan hệ hai nước không chỉ dừng lại ở đó. Hiện đang có khoảng 30.000 du học sinh Việt Nam trong tổng số hàng trăm nghìn du học sinh ASEAN đến Australia du học.

Như vậy có thể nói trong tất cả các lĩnh vực đang chứng kiến sự hợp tác sâu rộng giữa Australia với ASEAN trong đó có Việt Nam.

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã long trọng ra Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện giữa hai quốc gia Tây Thái Bình Dương. Ảnh: TTXVN.

. Trong chuyến thăm theo lời mới của Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề xuất 6 phương hướng để đưa hợp tác hai nước đi vào chiều sâu, thiết thực hơn. Vậy nhìn vào Tuyên bố chung mà hai vị Thủ tướng đạt được và công bố, ông thấy hai nước có tiềm năng hợp tác tốt nhất trong những lĩnh vực gì, tại sao?

+ Quan hệ Australia - Việt Nam đã phát triển trên rất nhiều lĩnh vực, và còn nhiều lĩnh vực có tiềm năng, và thật khó để nói lĩnh vực nào có tiềm năng lớn nhất.

Nhưng thương mại hai chiều sẽ tăng trưởng mạnh hơn. Phía Australia đã có những điều chỉnh về chính sách và quy định để tiếp nhận thêm nông sản Việt Nam. Đồng thời phía Australia cũng tiếp nhận thêm lao động thời vụ từ Việt Nam sang làm việc vào những thời điểm phù hợp.

Còn về đầu tư, phía Australia có thể hỗ trợ Việt Nam nhiều về những công nghệ mà Việt Nam đang cần. Việt Nam đang phát triển mạnh về xe điện, Australia có những kinh nghiệm và hiểu biết trong lĩnh vực này để có thể hỗ trợ cho Việt Nam.

Australia và Việt Nam đã gia tăng hợp tác nhiều hơn trong cả lĩnh vực giáo dục. Phía Australia cấp thêm học bổng để sinh viên Việt Nam sang học. Đồng thời phía Australia cũng có chương trình riêng phục vụ cho những người Australia muốn học tiếng Việt. Cả hai nước thúc đẩy tăng cường hợp tác thông qua các trường đại học và các cơ sở nghiên cứu, thành lập trung tâm ASEAN tại Australia.

Ngoài ra là trung tâm hỗ trợ đầu tư với những người có nhiều hiểu biết về quy định pháp luật, môi trường đầu tư Việt Nam để hỗ trợ cho doanh nghiệp Australia đầu tư nhiều hơn nữa vào Việt Nam.

Chính phủ Australia hiện đang rất quan tâm đến mục tiêu giảm thiểu ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu hoặc thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng không theo lộ trình của Liên hợp quốc. Và trong lĩnh vực này, Australia muốn hợp tác sâu rộng với Việt Nam để cùng hiện thực hóa những mục tiêu của mình.

Như vậy, thương mại, đầu tư, nông nghiệp, khoa học, giáo dục… đều là những lĩnh vực mà Australia và Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng quan hệ rất tốt trong tương lai.

. Cám ơn ông!

Việt Nam đang đóng vai trò ngày một mạnh mẽ trong khu vực

Theo Giáo sư Carl Thayer, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với tầm nhìn đến 2030 và 2045 đã xác định những định hướng, nội hàm hết sức quan trọng về phát triển công nghiệp. Ngoài ra, Nghị quyết của Trung ương Đảng nêu rõ lấy mục tiêu xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

Tuy nhiên, từ thời điểm đại hội XIII vào năm 2021 đến nay đã có quá nhiền biến số xảy ra. Kinh tế toàn cầu tăng trưởng chững lại. Trung Quốc đóng cửa nền kinh tế và bản thân họ cũng chật vật trong việc phục hồi nền kinh tế nội địa nước này.

Trong bối cảnh này, thương mại toàn cầu đang vô cùng khó khăn. Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa gặp rào cản. Trong nội tại, Việt Nam cũng đương đầu với những khó khăn nhất định nhưng Việt Nam đã có nhiều thành tựu về đối ngoại. Việt Nam hiện đã là đối tác chiến lược toàn diện với một số nước, trong đó đặc biệt phải kể đến Hàn Quốc, Mỹ, Nhật và Australia, cùng với đó là Trung Quốc, Ấn Độ, Nga.

Đó là quan hệ vô cùng quan trọng khi mà các cường quốc có vị thế tương đương với nhau trong quan hệ với Việt Nam. Tất cả các nước này cùng hỗ trợ Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á nói chung.

Đông Nam Á được coi như động lực tăng trưởng của tương lai. Và tại Đông Nam Á, Việt Nam đang có vai trò ngày một mạnh mẽ hơn về mặt ngoại giao, thậm chí hơn cả những nước sáng lập ra Đông Nam Á.

Vì sao? Bởi Việt Nam có chính trị ổn định và liên tục đẩy mạnh quan hệ với rất nhiều nước ngoài khu vực. Trong khu vực này, với những tiêu chí nói đến ở trên, Singapore và Việt Nam là hai điển hình tiêu biểu.

Ngọc Diệp

Nguồn PLO: https://plo.vn/quan-he-australia-viet-nam-va-asean-trien-vong-tu-goc-nhin-cua-giao-su-carl-thayer-post779515.html