Quân đội Nga gặp khó khi mất nhiều sĩ quan chỉ huy trên chiến trường

Việc Nga chịu nhiều tổn thất về máy bay, xe tăng, tàu chiến hay tên lửa không thực sự nghiêm trọng bằng việc mất nhiều sĩ quan chỉ huy trên chiến trường.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã khiến hàng trăm nghìn người thương vong, đây cũng là cuộc xung đột lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến 2 và cũng là cuộc xung đột gây tốn kém nhất đối với cả hai bên tham chiến kể từ Chiến tranh Iran - Iraq (1980-1988). Ảnh: Reuters.

Những lực lượng tinh nhuệ nhất của Quân đội Nga cũng gặp nhiều tổn thất, bao gồm đơn vị tác chiến đặc biệt, thủy quân lục chiến, lính dù và quan trọng nhất là số lượng sĩ quan chỉ huy cấp cơ sở. Hàng nghìn sĩ quan đã thiệt mạng trong suốt hai năm xung đột và điều này đã ảnh hưởng lớn đến khả năng tác chiếc của Quân đội Nga. Ảnh: Politico.

Mỹ và Anh ước tính tổng số thương vong của Nga lên tới 300.000 quân. Cuộc xung đột đã buộc Điện Kremlin phải chuyển quân từ các chiến trường quan trọng khác đến Ukraine, điều này cũng khiến Quân đội Nga phải chịu thêm áp lực trên các chiến trường căng thẳng như Syria. Ảnh: ABC News.

Tính đến đầu tháng 3/2024, Nga đã mất ít nhất khoảng 3.000 sĩ quan, điều này được xác nhận bởi blog "Killed in Ukraine", một nhóm có trụ sở tại Cộng hòa Séc chuyên theo dõi lễ tưởng niệm và tang lễ của các binh sĩ Nga và Ukraine. Ảnh: France 24.

Theo blog trên, tổn thất cụ thể của các sĩ quan Nga hiện tại gồm 7 tướng (1 tướng ba sao và 6 tướng hai sao), 90 đại tá, 220 trung tá, 420 thiếu tá, 627 đại úy, 1.010 thượng úy, 700 trung úy và 130 thiếu úy.

Khi so sánh những tổn thất của các sĩ quan Nga trên chiến trường trong cuộc xung đột đang diễn ra, các chuyên gia phân tích cho biết tuổi thọ trung bình của các chỉ huy cấp cơ sở, dã chiến và cấp cao của Quân đội Nga là khá thấp.

Việc tổn thất về sĩ quan sẽ gây ảnh hưởng lớn đến khả năng tấn công và phòng thủ của Quân đội Nga, đặc biệt là khi vai trò của lực lượng hạ sĩ quan trong Quân đội Nga là rất hạn chế.

Trong khi đó, vai trò của lực lượng hạ sĩ quan trong Quân đội Mỹ lại được phát huy rất hiệu quả, họ trực tiếp chỉ huy những người lính của mình và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước quyết định mà mình đưa ra. Nhờ vậy mà trong các tình huống khẩn cấp trên chiến trường họ không cần phải xin ý kiến cấp trên và giải quyết được tình huống rất kịp thời.

Yếu tố cốt lõi trong vai trò của hạ sĩ quan là họ được tự do thực hiện các hành động theo ý muốn. Đối với Quân đội Nga, khi không có sĩ quan chỉ huy trực tiếp, những tân binh Nga thường bị mất phương hướng, dẫn đến khả năng chiến đấu suy giảm.

Những tổn thất về lực lượng sĩ quan trong Quân đội Nga có thể dẫn đến những kết cục thảm khốc cho các đơn vị tinh nhuệ, bằng chứng là họ phải nhiều lần tái tổ chức Lữ đoàn hải quân đánh bộ cận vệ độc lập số 155, bởi đơn vị này chịu thiệt hại nặng sau các cuộc tấn công ở Kiev và Ugledar.

Việc bổ nhiệm những sĩ quan thiếu kinh nghiệm đảm nhận vai trò chỉ huy các đơn vị tinh nhuệ và sử dụng họ vào những vai trò xa lạ sẽ tiếp tục gây khó khăn cho Quân đội Nga. Theo Bộ Quốc phòng Anh, hiệu quả chiến đấu và khả năng triển khai lực lượng của Nga đã giảm xuống mức 10 năm trước.

Để khắc phục những hạn chế trên, Quân đội Nga cần phải bổ sung lại lực lượng sĩ quan chỉ huy cấp cơ sở và bố trí, sử dụng lực lượng hạ sĩ quan cho phù hợp, bởi tình hình thực tế trên chiến trường rất cần có sự chỉ huy kịp thời.

Lê Quang (Theo NetEase)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/quan-doi-nga-gap-kho-khi-mat-nhieu-si-quan-chi-huy-tren-chien-truong-1970304.html