Quân đội Nga có thể sẽ 'gọi tái ngũ' tên lửa Scud?

Tên lửa Scud dù đã rất cũ, nhưng sắp tới nhiều khả năng chúng sẽ xuất hiện trên chiến trường, từ các kho bảo quản của Nga.

Tên lửa Scud được xem là một phương án tăng cường hỏa lực không tồi đối với Quân đội Nga, đặc biệt khi Moskva đang đối diện tình trạng kho dự trữ thiếu hụt vũ khí tấn công tầm xa.

Trong bối cảnh cạn kiệt nguồn dự trữ tên lửa hiện đại, khi chỉ số định lượng đã giảm xuống dưới mức tiêu chuẩn, dẫn tới việc Quân đội Nga đang sử dụng tích cực UAV cảm tử Shahed-136 của Iran và có cả thông tin chưa được xác nhận liên quan đến tên lửa đạn đạo Fateh-110 và Zolfaghar.

Tuy nhiên sắp tới Liên bang Nga có một cơ hội khác để tung vào chiến trường thứ vũ khí mới mà cũ. Chúng ta đang nói về hệ thống tên lửa 9K72 Elbrus, thường được biết đến với tên định danh mà NATO đặt cho là Scud.

Các tổ hợp này với tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn R-17 được tạo ra vào khoảng thời gian cuối những năm 1950 cho tới đầu thập niên 1960, và chính thức được đưa vào trang bị trong Quân đội Liên Xô từ năm 1962.

Những băn khoăn về sự lỗi thời của vũ khí không phải là vấn đề lớn đối với Điện Kremlin, lời nhận định này đến từ việc Quân đội Nga còn đang phải sử dụng tên lửa hành trình chống hạm Kh-22 có độ chính xác rất thấp cho chức năng đánh đất.

Trong một thời gian dài, 9K72 Elbrus là hệ thống tên lửa đạo đạo chiến thuật chủ chốt của Liên Xô. Tính đến năm 1991, vẫn còn khoảng 550 quả đạn R-17 được thông báo là nằm trong các kho bảo quản trên đất Nga.

Nhưng thời điểm chính xác của việc đưa những tổ hợp tên lửa nói trên vào kho lưu trữ vẫn chưa được biết, giới truyền thông ước tính rằng việc này đã được thực hiện vào khoảng đầu những năm 2000.

Lần sử dụng trong chiến đấu cuối cùng được biết đến đối với tên lửa Scud của Quân đội Nga là trong Chiến tranh Chechnya lần thứ nhất, khi Sư đoàn Tên lửa độc lập số 630 bắn khoảng 250 quả đạn từ mùa thu năm 1999 đến mùa xuân năm 2001.

Những tổ hợp Scud mặc dù đã rất cao tuổi nhưng vẫn trong tình trạng hoạt động ở nhiều quốc gia khác. Đặc biệt trong Chiến tranh Nagorno-Karabakh lần thứ hai, Armenia đã cố gắng sử dụng nó và phóng đi - theo nhiều nguồn tin khác nhau, khoảng 10 - 15 tên lửa.

Điều quan trọng nữa là 60 tổ hợp 9K72 Elbrus vẫn đang được sử dụng tại Belarus - quốc gia đang tích cực chuyển giao thiết bị và vũ khí cho Liên bang Nga và nhìn chung đã thành lập một nhóm quân sự chung tại biên giới Ukraine.

Tổng hợp lại, điều này có nghĩa là xác suất Liên bang Nga đưa các tên lửa đạn đạo chiến thuật Scud khỏi kho bảo quản, hoặc nhận chúng từ Belarus để tung vào chiến trường là viễn cảnh không nên bỏ qua.

Về bản thân tên lửa R-17 (8K14), các đặc tính và khả năng của nó đã được biết rõ. Đây là tên lửa đạn đạo nhiên liệu lỏng một tầng có tầm bắn lên tới 300 km và độ sai lệch trong tầm 500 m.

Tên lửa Scud sử dụng các thành phần nhiên liệu tương đối đơn giản - chất oxy hóa AK-27Y "Melange" và nhiên liệu TM-185 (thực chất là nhiên liệu Tonka thời Thế chiến II của Đức). Trọng lượng của đầu đạn là 987 kg.

Độ chính xác của tên lửa Scud rất thấp do không được tích hợp công nghệ dẫn đường đủ tin cậy, điều này khiến nó được yêu cầu phóng đi với số lượng lớn để hủy diệt mục tiêu theo diện tích, tương tự chiến thuật sử dụng pháo phản lực phóng loạt.

Việt Dũng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/quan-doi-nga-co-the-se-goi-tai-ngu-ten-lua-scud-post520296.antd