Quân đội Myanmar - lực lượng không dễ bị sai khiến

Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) cầm quyền tại Myanmar ngày 31-3 đã đệ trình Quốc hội nước này một dự luật bổ nhiệm bà Aung San Suu Kyi làm "cố vấn Nhà nước," theo đó cho phép bà giữ vị trí quyền lực tối cao ở quốc gia Đông Nam Á này. Tuy nhiên, sự chuyển đổi mô hình dân chủ của Myanmar hiện vẫn đang ở thời kỳ đầu và chưa hoàn thiện. Rất nhiều việc vẫn chưa có tiền lệ, cục diện chính trị phức tạp, cuộc đọ sức giữa nhiều bên vẫn có thể làm cho tình hình chính trị có biến động lớn.

Bà Suukyi còn trên cả Tổng thống

Dự luật bổ nhiệm bà Suu Kyi làm Tổng thống là dự luật đầu tiên mà chính phủ vừa tuyên thệ nhậm chức của Myanmar đệ trình sau khi chính thức lên cầm quyền và trở thành chính phủ dân sự đầu tiên sau 50 năm ở nước này. Dự luật cũng sẽ xua tan những thắc mắc về vai trò thực sự của bà Suu Kyi trong chính phủ mới sau khi bà không thể trở thành tổng thống do vướng quy định của hiến pháp được quân đội soạn thảo trước đó.

Theo Thượng nghị sĩ Khin Maung Myint của NLD, vị trí được đề xuất của bà Suu Kyi là "cấp trên của Tổng thống," đúng với tuyên bố trước đó của nữ chính khách này rằng bà sẽ cầm quyền từ vị trí "ở trên Tổng thống." Ông Maung Myint nhấn mạnh, Tổng thống Htin Kyaw có quyền đề xuất dự luật bổ nhiệm cố vấn Nhà nước, người sẽ chỉ đạo Tổng thống và toàn bộ các thành viên nội các, đồng thời khẳng định dự luật trên chắc chắn sẽ được thông qua tại Quốc hội lưỡng viện do NLD kiểm soát. Ngoài vị trí được đề xuất nêu trên, hiện bà Suu Kyi đã được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống, Bộ trưởng Giáo dục và Bộ trưởng Điện lực & năng lượng.

Trước đó, ngày 15-3, thông qua biểu quyết bỏ phiếu của toàn bộ nghị sĩ trong Viện Nhân dân Quốc hội liên bang (Thượng viện) và Viện Dân tộc (Hạ viện) Myanmar, nước này đã bầu ứng cử viên Htin Kyaw do NLD đề cử làm Tổng thống, ứng cử viên do phe quân đội đề cử U Myint Swe làm Phó Tổng thống thứ nhất, ứng cử viên do NLD đề cử U Henry Van Htee Yu được bầu làm Phó Tổng thống thứ hai. Những diễn biến mới nhất này cho thấy NLD sắp chính thức bước vào trung tâm của vũ đài chính trị. Nói cách khác, Myanmar sắp xuất hiện cùng một lúc hai trung tâm quyền lực là NLD và phe quân đội. Trong tương lai, quan hệ giữa hai bên là hợp tác hay bùng nổ xung đột hiện vẫn chưa thể khẳng định được.

Tổng Tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing và bà Suu Kyi

Dàn lãnh đạo mới

Tổng thống, phó Tổng thống đều được lựa chọn kỹ càng. Do người chồng đã mất và hai con trai của bà San Suu Kyi đều mang quốc tịch nước ngoài, cụ thể là quốc tịch Anh, nên theo quy định của Hiến pháp Myanmar, bà không thể làm Tổng thống. Sau hàng tháng trời không thể thuyết phục phe quân đội sửa lại hiến pháp, bà đã đề xuất ông Htin Kyaw làm Tổng thống và việc này đã được Quốc hội chấp thuận. Mặc dù sự trung thành của Htin Kyaw đối với bà là nhân tố then chốt, nhưng không thể phủ nhận hình tượng của ông rất tốt, không có bê bối chính trị, từng du học ở Anh và Mỹ, tầm nhìn quốc tế rộng mở, cộng thêm lý lịch của ông đã từng trải qua các chức vụ ở các bộ công nghiệp, kinh tế..., nên thành thạo vận hành hệ thống quan chức.

U Henry Van Htee Yu là đảng viên của NLD, lại là người dân tộc Chin (bang Chin là bang nghèo nhất Myanmar), đã thể hiện NLD coi trọng bảo vệ lợi ích của người dân tộc thiểu số. Phó Tổng thống khác, ông U Myint Swe là trung tướng lục quân đã giải ngũ, từng làm Chủ tịch tỉnh Yangon, được phe quân đội rất tín nhiệm và có nhiều kinh nghiệm chính trị.

Theo thông tin từ NLD, chính phủ mới bao gồm những sĩ quan quân đội tại ngũ hoặc giải ngũ, chuyên gia, nhân sĩ người dân tộc thiểu số... Đây là một chính phủ liên minh rất cởi mở, quan chức đứng đầu một số bang địa phương cũng có thể do các nhân sĩ người dân tộc thiểu số đảm nhận. Chính phủ mới và cũ đã tiến hành nghi thức chuyển giao quyền lực, đánh dấu chính phủ mới của NLD chính thức cầm quyền, đồng thời đánh dấu lịch sử 54 năm quân đội trực tiếp cầm quyền hoặc hỗ trợ chính đảng cầm quyền từ tháng 3-1962 đến nay đã chấm dứt và chính đảng không phải là quân đội sẽ kiểm soát rất nhiều chức vụ trong Quốc hội và chính phủ mới, đánh dấu sự chuyển đổi mô hình dân chủ của Myanmar giành được thành quả rõ rệt mang tính giai đoạn với sự nỗ lực chung của nhiều bên.

Binh sĩ Myanmar.

Cân bằng lực lượng trong ngắn hạn

Mặc dù vậy, sự chuyển đổi mô hình dân chủ của Myanmar hiện vẫn ở thời kỳ đầu, vẫn ở giai đoạn chưa hoàn thiện và còn rất nhiều việc chưa có tiền lệ. Trong nội bộ NLD, bà Suu Kyi chắc chắn sẽ chỉ đạo Tổng thống thực thi nhiệm vụ, quan hệ giữa đảng và chính quyền vẫn cần phối hợp, điều thuận lợi là mối quan hệ này vẫn là “việc trong nhà,” rất dễ làm. Mối quan hệ thực sự liên quan đến xu thế chính trị Myanmar là quan hệ giữa quân đội và chính quyền. Quân đội hoặc chính đảng do quân đội ủng hộ đã nắm quyền được 54 năm từ tháng 3/1962. Như vậy, một thời gian dài Myanmar chỉ có một hạt nhân quyền lực hợp pháp là quân đội. Tuy nhiên, hiện nay quân đội không còn tiếp tục kiểm soát quyền lực, quân đội và chính quyền cơ bản đã tách rời nhau. Thế chủ đạo về chính trị của NLD và quân đội phải điều chỉnh, sự thích nghi về tâm lý và điều chỉnh lợi ích cần một khoảng thời gian nhất định. Hai bên đều có ưu thế quyền lực, không bên nào có đủ sức mạnh chính trị mang tính áp đảo và hai trung tâm quyền lực lớn cùng tồn tại đã hình thành cục diện quyền lực mới.

Lợi thế chính trị của NLD chủ yếu đến từ sự ủng hộ của người dân và sự thừa nhận mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, lãnh đạo quốc hội và chính phủ. Vì vậy hiện này quân đội không dám lật đổ địa vị cầm quyền của NLD. Dù vậy, quyền lực chính trị của quân đội chủ yếu đến từ hiến pháp mà họ hoạch định năm 2008, trong thời gian ngắn, NLD không thể thông qua sửa đổi hiến pháp, không thể làm suy yếu hay thậm chí xóa bỏ quyền lợi chính trị của quân đội. Tình hình từ tháng 11-2015 đến nay cho thấy, quân đội và NLD tôn trọng lẫn nhau, cơ bản duy trì hợp tác trong việc chuyển giao quyền lực, song không thể biết được hai bên đạt được bao nhiêu thỏa thuận hậu trường. Những người như Tổng tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing, nhà lãnh đạo chính quyền thuộc phe quân đội trước đây Than Shwe... đều hợp tác với bà Suu Kyi và NLD về mặt chuyển giao quyền lực. Trong tương lai ngắn hạn, vì lợi ích quốc gia, quân đội và NLD hoàn toàn có khả năng duy trì cân bằng về lực lượng, hợp tác về tổng thể.

Tuy nhiên, chính quyền dân sự và quân đội luôn tồn tại sự khác biệt lớn về quan điểm và lợi ích chính trị. Trong tương lai, cùng với sự ổn định vững chắc địa vị cầm quyền của NLD, sự thúc đẩy dân chủ hóa, tính chủ động của NLD về chính trị ngày càng tăng, còn xu hướng phòng thủ của phe quân đội sẽ ngày càng rõ ràng hơn. Xu thế một bên mạnh lên còn bên kia yếu đi cùng với biến động lớn của cục diện lợi ích, dễ dẫn tới việc đụng chạm đến giới hạn đỏ về lợi ích của phe quân đội và hai bên chắc chắn sẽ không ngừng đọ sức. Cuộc đọ sức này có thể tiến hành một cách ôn hòa hay không, là điều còn phải chờ xem. Nếu lợi ích bị tổn hại nghiêm trọng, khả năng chống trả của phe quân đội vẫn tồn tại.

Đối với quan hệ Trung Quốc-Myanmar, cần phải duy trì sự lạc quan. Gần đây, các lãnh đạo cao cấp của NLD như Suu Kyi, U Tin Oo đã nhiều lần bày tỏ coi trọng phát triển quan hệ với Trung Quốc, nhấn mạnh láng giềng là không thể lựa chọn. Hơn nữa, Tổng thống mới của Myanmar Htin Kyaw cũng rất hiểu Trung Quốc. Điều quan trọng hơn là sự phát triển của hai nước láng giềng hiện nay đều cần thiết hơn so với trước đây. Hiện nay, giữa Trung Quốc và Myanmar vẫn có nhiều vấn đề cần xem xét: Làm thế nào để xử lý ổn thỏa việc tạm dừng xây dựng thủy điện Myitsone? Làm thế nào để chuyển dự án của doanh nghiệp Trung Quốc tại Myanmar sang dự án phục vụ người dân, chứ không chỉ quan tâm đến năng lượng? Làm thế nào để thay đổi hình tượng doanh nghiệp Trung Quốc tại Myanmar? Làm thế nào để ứng phó với xung đột ở phía Bắc Myanmar, ổn định biên giới Trung Quốc-Myanmar, ngăn ngừa quan hệ song phương tạo nguy cơ tiềm ẩn về an ninh đối với dự án hợp tác xuyên quốc gia quy mô lớn? Những vấn đề này đều rất cấp bách.

Có thể thấy chính phủ mới của NLD sẽ ngày càng chi tiết hóa, khoa học hóa, minh bạch hóa về mặt thu hút đầu tư nước ngoài, quan tâm đời sống nhân dân, cũng thấu hiểu hơn nhu cầu của dân chúng. Tuy nhiên, NLD là chính đảng chưa từng có kinh nghiệm cầm quyền, chắc chắn mong muốn có thành tích chính trị. Vì vậy, họ phải cần đến các mối quan hệ trong và ngoài nước, thể hiện trí tuệ chính trị và kỹ năng hợp tác là điều tất yếu. Rút cuộc, sau khi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử vừa qua, NLD sẽ chấp nhận thử thách trong cuộc bầu cử năm 2020.

Minh Tâm

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/quoc-te/quan-doi-myanmar-luc-luong-khong-de-bi-sai-khien-108545