Quân đội một số nước Bắc Phi - Trung Đông và những hạn chế trong 'Mùa xuân Arab'

Phân tích vai trò của quân đội một số nước Bắc Phi - Trung Đông trong 'Mùa xuân Arab', Đại tá Lê Thế Mẫu, nguyên Trưởng Phòng thông tin Khoa học Quân sự, Viện Chiến lược Quốc phòng cho rằng, tuy giữ vai trò trung tâm trong hệ thống quyền lực nhà nước, nhưng quân đội các nước lại thiếu kinh nghiệm trong ứng phó với loại hình chiến tranh mới – 'chiến tranh phi quy ước'.

Đại tá Lê Thế Mẫu.

Quân đội trở thành trung tâm quyền lực của nhà nước

Phân tích đặc điểm quân đội các nước Bắc Phi - Trung Đông, Đại tá Lê Thế Mẫu cho biết thêm, khác với các quốc gia Tây Âu theo đuổi các giá trị dân chủ tự do mà ở đó quân đội chịu sự kiểm soát của chính quyền dân sự và bộ trưởng quốc phòng không phải là quân nhân, quân đội của hầu hết các quốc gia Arab ở Bắc Phi-Trung Đông đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong bộ máy quyền lực của nhà nước cũng như quá trình cải cách kinh tế-xã hội. Nguyên nhân của sự khác biệt này là do đặc điểm về lịch sử và chế độ chính trị.

Tiến trình lịch sử ở các nước Bắc Phi-Trung Đông sau Chiến tranh thế giới lần thứ II đã định hình vai trò của quân đội trong các diễn biến chính trị của khu vực. Ảnh hưởng lớn của giới quân sự trong hệ thống chính trị xuất phát từ yêu cầu phải xây dựng thể chế nhà nước tập trung cao độ để giải quyết các nhiệm vụ kinh tế-xã hội phức tạp và đẩy nhanh quá trình khắc phục tình trạng lạc hậu toàn diện.

Sự tham gia của quân đội trong bộ máy quản lý nhà nước còn là do trong xã hội không có một lực lượng nào ngoài quân đội, có khả năng hóa giải các mâu thuẫn xã hội, trong khi các đảng phái chính trị vừa có hình thức tổ chức manh mún, vừa không thống nhất và uy tín thấp. Do đó, quân đội trở thành trung tâm quyền lực của nhà nước và cũng là lực lượng chức hàng loạt cuộc đảo chính vũ trang. Như trong bài 4 của vệt bài đã nêu: “…trong 22 năm, từ năm 1949 đến 1971, giới quân sự đã tiến hành 8 cuộc đảo chính ở Syria và 3 cuộc đảo chính ở Iraq”.

Trên thực tế, quyền lực thực sự của nhà nước thường tập trung trong tay các chỉ huy quân đội. Họ không chỉ quyết định những vấn đề quân sự mà cả các vấn đề quản lý nhà nước và xây dựng kinh tế. Ảnh hưởng của quân đội đã dẫn tới hình thành hệ thống quyền lực nhà nước mang tính chất chuyên chế và cản trở sự phát triển các thể chế dân chủ thực sự trong xã hội. Vì thế, cùng với những tiến bộ trong phát triển kinh tế-xã hội, chính quyền một số nước bắt đầu áp dụng một số cơ chế để kiểm soát ảnh hưởng của quân đội và tạo ra sự cân bằng quyền lực giữa giới quân sự và giới tinh hoa dân sự.

Tuy nhiên, quân đội vẫn tiếp tục giữ vai trò chủ đạo quyết định các quá trình chính trị-xã hội do quân đội và các cơ quan an ninh quốc gia là thiết chế duy nhất giúp nhà nước nắm quyền lực thực sự.

Quân đội thiếu kinh nghiệm ứng phó với loại hình “Chiến tranh phi quy ước”

Thời điểm năm 2010, tại khu vực Bắc Phi-Trung Đông, nhu cầu bức thiết phải tiến hành cải cách, đổi mới để khắc phục những bất cập trong phát triển kinh tế, xã hội và chính trị để hội nhập quốc tế. Lợi dụng nhu cầu đó, một số thế lực bên ngoài mượn cớ “chống nguyên thủ quốc gia tham quyền cố vị”, “chống tham nhũng”, “chống chế độ gia đình trị”…, để lôi kéo và kích động người dân tạo nên những cuộc biến động chính trị, xã hội tại nhiều nước. Chiến lược đó còn được biết đến với tên gọi khác là đề án “Đại Trung Đông”, do Mỹ khởi xướng. Mục đích nhằm lật đổ chính thể của một số nước và tạo ra sự “bất ổn có kiểm soát” tại vành đai địa chính trị kéo dài từ Bắc Phi–Trung Đông cho đến Iran, thậm chí có thể mở rộng đến Nam Á, Nga và Trung Quốc.

Để thực hiện ý đồ đó, phương Tây đã áp dụng triệt để một loại hình chiến tranh mới - “chiến tranh phi quy ước” ở Trung Đông-Bắc Phi. Theo Đại tá Lê Thế Mẫu, loại hình chiến tranh này bao gồm hai yếu tố là: “Nội kích” và “ngoại kích”. “Nội kích” là dùng người dân của nước sở tại tạo thành lực lượng nổi dậy, biểu tình để lật đổ chính thể của chính nước đó. Như tại một số nước khu vực Bắc Phi-Trung Đông, các thế lực đã lợi dụng mạng xã hội, mạng internet để kích động làn sóng bạo loạn và xuyên tạc tình hình thực tế. Khi yếu tố “nội kích” không thực hiện được mục đích chính trị thì các thế lực sẽ tiến hành “ngoại kích”, tức là can thiệp quân sự, hay phát động chiến tranh xâm lược như đã thực hiện với Libya và Syria.

Tại Libya, khi không thể lật đổ được tổng thống Gaddafi, dưới danh nghĩa “Thực hiện nghị quyết HĐBA LHQ về thiết lập vùng cấm bay”, Mỹ và đồng minh đã tiến hành chiến dịch “Bình minh Odyssey” can thiệp quân sự vào nước này. Tổng thống Nga Vladimir Putin (khi đó là Thủ tướng Nga) đã gọi đây là: “Biểu hiện của một cuộc Thập tự chinh trong thế kỷ 21”.

Hay như tại Syria-tâm điểm khốc liệt nhất của “Mùa Xuân Arab”, dưới chiêu bài chống khủng bố, liên minh hàng chục nước do Mỹ cầm đầu đã tấn công quân sự Syria. Tổng thống Syria Bashar al-Assad từng tuyên bố rằng: “Ở Syria ko có nội chiến, bởi quân đội và nhân dân Syria đang phải đối phó với một cuộc chiến tranh thế giới thu nhỏ”.

Đứng trước một loại hình chiến tranh hoàn toàn mới này, quân đội nhiều nước Bắc Phi-Trung Đông hoàn toàn chưa có kinh nghiệm. Thực tế vai trò của quân đội cũng được thể hiện theo những cách thức khác nhau trong từng quốc gia do tác động của nhiều yếu tố. Một là, tính chất quan hệ giữa quân đội với chính quyền quốc gia sở tại. Hai là, tính chất quan hệ của các thành phần lực lượng khác nhau trong quân đội. Ba là, đặc điểm quan hệ giữa giới dân sự và giới quân sự. Bốn là, mục đích các toan tính chính trị của giới quân sự trong các biến động “Mùa xuân Arab”. Năm là, cơ cấu tổ chức và mối quan hệ giữa các nhóm lợi ích trong quân đội, trước hết là trong bộ máy chỉ huy quyền lực. Mặc dù có sự khác nhau nhưng đặc điểm chung của tất cả các nước là, quân đội là một trong những yếu tố quyết định thành bại của chiến tranh bạo loạn.

Chia sẻ thêm về bài học trong việc xây dựng quân đội, bảo đảm đủ khả năng đối phó thành công với các loại hình chiến tranh mới, Đại tá Lê Thế Mẫu cho rằng, ngoài những vấn đề đã được nêu trong vệt bài như: Cần phải xây dựng quân đội vững về chính trị; hiện đại hóa, nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội gắn với xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân gắn với xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc, thì một điều quan trọng nữa là phải nghiên cứu, nhận thức một cách thấu đáo các biến thể hết sức phức tạp của loại hình “chiến tranh phi quy ước”, với những đặc điểm, điều kiện kinh tế, xã hội, chính trị của đất nước.

Xem clip tại đây:

VĂN DUYÊN - VIỆT CƯỜNG (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/quan-doi-mot-so-nuoc-bac-phi-trung-dong-va-nhung-han-che-trong-mua-xuan-arab-647318