Quan chức Taliban bất ngờ 'dán nhãn' phụ nữ hư hỏng

Chuyên gia nhận định liên tiếp các động thái của Taliban khiến nữ giới ngày càng nhận ra rõ hơn những lời nói dối cũng chẳng khác gì thời kỳ họ nắm quyền lần trước.

Quan chức cấp cao của Taliban nhắc lại những cam kết vẫn chưa được thực hiện là cho phép các nữ sinh trở lại trường học. Ông khẳng định sẽ “sớm có tin tốt” về vấn đề này nhưng cho rằng những phụ nữ chống lại các biện pháp hạn chế của chính phủ về nữ quyền nên ở nhà.

Sirajuddin Haqqani - đồng phó thủ lĩnh Taliban từ năm 2016 - quyền Bộ trưởng Nội vụ Afghanistan - đã đưa ra bình luận trong cuộc phỏng vấn độc quyền với nhà báo Christiane Amanpour của CNN ở Kabul.

Lần đầu tiên trong nhiều năm, Sirajuddin Haqqani lộ diện trong một cuộc phỏng vấn có ghi hình với phương tiện truyền thông phương Tây. Ảnh: CNN.

Sau nhiều hứa hẹn sẽ cho các bé gái học lên trung học, Taliban bất ngờ đảo ngược quyết định, hoãn vô thời hạn việc trở lại trường học của các nữ sinh.

Khi được hỏi về việc nhiều phụ nữ Afghanistan nói rằng họ không dám ra khỏi nhà và có những báo cáo về nỗi sợ hãi đối với sự cai trị của Taliban, ông Haqqani cười và nói thêm: "Chúng tôi giữ những phụ nữ hư hỏng ở nhà".

“Rất sớm thôi, bạn sẽ thấy tin tốt về vấn đề này”

Nhà báo Amanpour đã thúc ép vị quan chức làm rõ bình luận nói trên. Ông giải thích: "Khi tôi nói ‘phụ nữ hư hỏng’, đó là một câu đùa ám chỉ những phụ nữ bị một số phe khác kiểm soát nhằm thách thức chính phủ hiện tại”.

Ông Haqqani cũng đưa ra một số thông số về tương lai của phụ nữ và công việc, bị giới hạn trong khuôn khổ giải thích luật Hồi giáo của Taliban và "các nguyên tắc quốc gia, văn hóa, truyền thống".

“Họ được phép làm việc trong khuôn khổ riêng”, ông khẳng định.

Phát biểu trên của quyền Bộ trưởng Nội vụ của Taliban được đưa ra trong cuộc phỏng vấn được ghi hình lần đầu tiên trong nhiều năm với một phương tiện truyền thông phương Tây, chỉ vài tháng sau khi ông lộ diện lần đầu tiên trước công chúng.

Sirajuddin Haqqani vốn bị FBI truy nã và bị Bộ Ngoại giao Mỹ liệt vào diện "nhân vật khủng bố toàn cầu trong danh sách đặc biệt". Cái đầu của nhân vật này được treo thưởng 10 triệu USD.

Những bình luận của Haqqani về giáo dục cho trẻ em gái và nữ quyền nhất quán với một loạt tuyên bố của nhóm chiến bình này rằng "không có ai phản đối giáo dục (cho trẻ em gái) trong chính phủ Afghanistan”.

“Các nữ sinh đã được phép đi học đến lớp 6 và về việc đi học sau lớp 6, chúng tôi vẫn đang làm việc để xác định một cơ chế”, ông Haqqani nói.

“Rất sớm thôi, bạn sẽ thấy tin tốt về vấn đề này”, vị quan chức nói thêm, song không đề cập tới thời gian cụ thể.

Lần đầu tiên trong nhiều năm, Sirajuddin Haqqani xuất hiện trong một cuộc phỏng vấn có ghi hình với phương tiện truyền thông phương Tây. Ảnh: CNN.

Sau đó, các trợ lý của ông Haqqani cho biết cuộc phỏng vấn là một nỗ lực nhằm mở ra chương mới trong quan hệ với Mỹ và thế giới.

Tuy nhiên, dù Taliban đã nhiều lần đảm bảo với cộng đồng quốc tế rằng họ sẽ bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em gái kể từ khi nắm quyền ở Afghanistan vào tháng 8/2021, thực tế cho thấy nữ giới nước này đang ngày càng bị tước bỏ nhiều quyền tự do và sự bảo vệ.

Nhiều trẻ em gái và phụ nữ trong độ tuổi đi học đã cạn kiệt hy vọng. Maryam, 19 tuổi, nói với CNN hôm 17/5: “Toàn bộ quan chức chính phủ chống lại việc giáo dục cho trẻ em gái. Tôi không tin rằng Taliban thực hiện lời hứa của họ... Họ không hiểu cảm giác của chúng tôi".

“Họ đang từng bước tước bỏ mọi quyền tự do của chúng tôi”, Fatima, 17 tuổi, nói với CNN. “Taliban bây giờ và Taliban của những năm 1990 đều giống nhau - tôi không thấy bất kỳ sự thay đổi nào về chính sách và quy tắc của họ”.

"Hy vọng duy nhất của chúng tôi là cộng đồng quốc tế gây áp lực đỉnh điểm lên Taliban để cho phép trẻ em gái đi học".

Maryam và Fatima - giống như những phụ nữ Afghanistan khác mà CNN đã tiếp cận, không cung cấp họ do lo ngại về sự an toàn của bản thân.

Chưa đủ thuyết phục

Những bình luận của ông Haqqani dường như cũng chưa đủ thuyết phục các nhà quan sát tin rằng Taliban nghiêm túc với các cam kết của nhóm chiến binh này.

Heather Barr, Phó giám đốc Bộ phận Quyền của Phụ nữ tại cơ quan giám sát quốc tế Human Rights Watch, nói với CNN: “Tất cả quan chức trong ban lãnh đạo Taliban đều không cho thấy sự đáng tin cậy về vấn đề này”.

“Họ đã tuyên bố tôn trọng phụ nữ và trẻ em gái” kể từ khi nắm quyền, bà Barr nói thêm. "Mỗi ngày sau đó, lại có thêm những áp chế mới đối với phụ nữ, và điều đó ngày càng gia tăng”.

Hình ảnh phụ nữ bên ngoài các cửa tiệm tại Kabul bị sơn lên trong những ngày đầu sau khi Taliban lên nắm quyền. Ảnh: Washington Post.

Các ngoại trưởng G7 và Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) tuần trước đã bày tỏ "sự phản đối mạnh mẽ nhất" trước những hạn chế ngày càng tăng do Taliban áp đặt đối với quyền của phụ nữ và trẻ em gái. Ông Haqqani nói với CNN rằng "các đánh giá, nghiên cứu và ra quyết định của cộng đồng quốc tế đều là từ một phía".

"Chúng tôi vẫn đang ở giai đoạn sơ khởi. Chỉ mới có 8 tháng kể từ khi chúng tôi nắm chính quyền... chúng tôi vẫn chưa đưa tình hình trở lại bình thường", ông Haqqani cho hay.

Sau khi nắm quyền, Taliban đã cảnh báo phụ nữ nên ở nhà và các chiến binh của lực lượng này thậm chí dùng roi và gậy đối với người biểu tình phản đối điều này. Trong những tháng sau đó, Taliban ra lệnh cấm nữ giới cấm xuất hiện trên truyền hình hoặc hoặc đi xa mà không có nam giới đi cùng. Một sắc lệnh mới hồi đầu tháng yêu cầu phụ nữ phải che kín mặt ở nơi công cộng.

Khi nhà báo Amanpour đặt câu hỏi, đề nghị ông Haqqani làm rõ liệu có phải tất cả phụ nữ phải che mặt theo sắc lệnh mới hay không, vị quan chức này trả lời: "Chúng tôi không bắt buộc phụ nữ phải đeo hijab, nhưng chúng tôi khuyên họ và đã nói với họ nhiều lần rằng hijab không phải là bắt buộc nhưng nó là một trật tự Hồi giáo mọi người nên thực hiện".

Các kiểu khăn trùm đầu của phụ nữ Hồi giáo. Đồ họa: BBC.

Trên các đường phố của Kabul, việc cô lập phụ nữ với xã hội ngày càng tăng đã khiến nhiều người lâm vào tình trạng nguy hiểm về kinh tế. "Tôi phải làm việc", một phụ nữ tên Khotima nói với CNN. "Họ nên để chúng tôi làm việc vì chúng tôi đang trở thành trụ cột của gia đình, lao động để kiếm bánh mì cho lũ trẻ".

"Khi không có tiền, không có việc làm, bạn không có thu nhập, liệu bạn có thể có đồ ăn khi không có việc làm không?", một phụ nữ khác có tên Farishta trải lòng.

Hiện không coi Mỹ là “kẻ thù”

Cuộc phỏng vấn diễn ra chỉ 2 tháng sau khi Taliban công bố những hình ảnh hiếm thấy về Haqqani tại một buổi lễ dành cho các sĩ quan cảnh sát. Trước đó, ông hiếm khi xuất hiện trước công chúng. Hình ảnh hiếm hoi của nhân vật này là trên thông báo truy nã của FBI, với một phần khuôn mặt sần sùi.

FBI truy nã Haqqani để thẩm vấn liên quan đến vụ tấn công một khách sạn ở Kabul năm 2008 khiến 6 người thiệt mạng, trong đó có một công dân Mỹ. Chính phủ Mỹ cho biết Haqqani thừa nhận đã lên kế hoạch cho cuộc tấn công trong một cuộc phỏng vấn trước đó trên phương tiện truyền thông.

Lệnh truy nã của FBI đối với Sirajuddin Haqqani. Ảnh: FBI.

Nhân vật này là một phần của gia đình hình thành mạng lưới Haqqani, tổ chức chiến binh Hồi giáo do người cha là Jalaluddin Haqqani thành lập. Mỹ đã liệt tổ chức này vào danh sách nhóm khủng bố vào năm 2012.

Ông Haqqani nói với CNN rằng "trong tương lai, chúng tôi muốn có quan hệ tốt với Mỹ và cộng đồng quốc tế". “Hiện tại, chúng tôi không coi họ là kẻ thù".

Trong cuộc phỏng vấn, ông lặp đi lặp lại những đảm bảo về quyền của phụ nữ cũng như giáo dục cho trẻ em gái, trái ngược với quan sát của các cơ quan giám sát toàn cầu và chính phủ.

Ông nói: "Cộng đồng quốc tế đang đặt ra rất nhiều vấn đề về quyền của phụ nữ. Ở Afghanistan, có những nguyên tắc Hồi giáo, dân tộc, văn hóa và truyền thống. Trong giới hạn của những nguyên tắc đó, chúng tôi đang nỗ lực để mang lại cho nữ giới cơ hội làm việc và đó là mục tiêu của chúng tôi".

Taliban đã đưa ra cái gọi là "sắc lệnh về quyền của phụ nữ" vào tháng 12/2021, trong đó không đề cập đến việc tiếp cận giáo dục hoặc làm việc. Sắc lệnh này ngay lập tức bị phụ nữ Afghanistan và các chuyên gia chỉ trích. Họ cho rằng đó là bằng chứng cho thấy nhóm chiến binh không quan tâm đến việc duy trì các quyền tự do cơ bản cho hàng triệu phụ nữ.

Các nữ sinh trên lớp 6 ở Afghanistan lẽ ra bắt đầu đi học trở lại lần đầu tiên (kể từ khi Taliban nắm quyền) vào tháng 3 nhưng lịch trình bị đình chỉ đột ngột. Tất cả bị yêu cầu ở nhà cho đến khi Taliban thiết kế xong đồng phục học sinh phù hợp theo phong tục tập quán và văn hóa Afghanistan, theo hãng thông tấn Bakhtar do Taliban điều hành.

Ông Haqqani nói với CNN rằng sự trì hoãn là cần thiết trong khi các nhà lãnh đạo thiết kế "cơ chế" để nữ sinh có thể quay trở lại trường học.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng động cơ của Taliban cũng không khác với thời kỳ 1996-2001, khi Taliban cấm nữ giới đi học.

Bà Barr nhận xét: “Họ luôn nói rằng các điều kiện hiện tại không phù hợp, nhưng họ sẽ xử lý được. Trong suốt 5 năm ấy, khoảnh khắc đó chưa bao giờ đến. Vì vậy, rất rõ ràng đối với phụ nữ và trẻ em gái, đó luôn là lời dối trá, và lần này vẫn là cảm giác như vậy”.

Tay súng Taliban choáng ngợp khi vào dinh thự của cựu phó tổng thống Một đại đội 150 binh lính Taliban được bố trí ở trong dinh thự của cựu Phó tổng thống Afghanistan Abdul Rashid Dostum, người đã rời khỏi đất nước vào thời điểm Kabul thất thủ.

Sơn Trần - Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/quan-chuc-taliban-bat-ngo-dan-nhan-phu-nu-hu-hong-post1318643.html