Quản Bạ chủ động kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

BHG - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Huyện Quản Bạ đã chủ động tìm kiếm các tổ chức, doanh nghiệp để kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương do bà con các dân tộc làm ra. Qua đó, góp phần thúc đẩy sản xuất hàng hóa trên địa bàn.

Du khách tham quan HTX lanh Hợp Tiến, xã Lùng Tám (Quản Bạ).

Hiện nay, toàn huyện Quản Bạ có 28 sản phẩm đã đạt sao OCOP cấp tỉnh. Trong đó có 5 sản phẩm đạt 4 sao, 23 sản phẩm đạt 3 sao, chủ yếu thuộc nhóm thực phẩm, dược liệu, sản phẩm lưu niệm và dịch vụ du lịch. Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đều mở rộng được thị trường, hệ thống mạng lưới tiêu thụ sản phẩm ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước, một số sản phẩm xuất khẩu, ngày càng được đông đảo người tiêu dùng tin dùng. Hiện nay, HTX Kim Thăng đã bán 53 sản phẩm trên sàn thương mại Shopee gồm xà bông, dưỡng da... với doanh số bán hàng hơn 100 sản phẩm/tháng; HTX Nặm Đăm bán 22 sản phẩm gồm các loại thảo dược, đồ uống với doanh số bán hàng 50 sản phẩm/tháng. Chương trình OCOP đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của địa phương về sản phẩm đặc sản, làng nghề gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm. Sản phẩm OCOP đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường.

Tuy nhiên, các sản phẩm OCOP của huyện chủ yếu là của các HTX có quy mô sản xuất nhỏ và gắn với thị trường du lịch, vì vậy trong những năm qua việc mở rộng quy mô sản xuất và tìm kiếm thị trường gặp rất nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, lượng khách du lịch và nhu cầu tiêu dùng sụt giảm. Đến nay, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, ngành Du lịch phát triển trở lại, nhưng do năng lực tài chính của các HTX hạn chế, nên việc duy trì, cũng như mở rộng sản xuất của các HTX gặp rất nhiều khó khăn. Tìm giải pháp cho vấn đề này, UBND huyện Quản Bạ đã phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh và Hội Nữ doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội tổ chức hội nghị kết nối tiêu thụ nông sản sạch từ huyện vào thị trường Hà Nội. Thông qua Hội nghị đã có 7 HTX, hộ kinh doanh ký kết được biên bản ghi nhớ hợp tác với 7 doanh nghiệp Hà Nội. Gồm: Ký kết thu mua rau sạch của thôn Vĩnh Tiến, xã Quyết Tiến; hàng thủ công, may mặc của HTX lanh Cán Tỷ; dược liệu HTX cộng đồng Nặm Đăm; sản phẩm chè của HTX Kim Thăng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ, Phạm Ngọc Pha cho biết: Trên cơ sở Nghị quyết số 17-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh và Chương trình số 22-CTr/HU của BTV Huyện ủy về thực hiện Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh trên địa bàn huyện, giai đoạn 2021-2025; UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 76/KH-UBND về thực hiện phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị trên địa bàn huyện, giai đoạn 2021-2025. Đến nay, đang duy trì, thúc đẩy phát triển một số chuỗi giá trị như: Chuỗi sản phẩm Hồng không hạt, mật ong Bạc hà, dược liệu. Đồng thời tiếp tục củng cố và hoàn thiện các HTX, Tổ hợp tác (THT), hỗ trợ nhân dân mở rộng diện tích, phát triển vùng nguyên liệu như: Mở rộng diện tích trồng cây Hồng không hạt, cây dược liệu, phát triển đàn ong mật... Trong nửa nhiệm kỳ qua, ngành chuyên môn đã hướng dẫn thành lập được 1 HTX, kiện toàn được 2 HTX và 1 THT nông nghiệp, tổng số HTX nông nghiệp trên địa bàn hiện có 35 HTX và 105 THT hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp để tổ chức sản xuất cho nông dân. UBND huyện đã chỉ đạo ngành chuyên môn tổ chức tốt việc tư vấn, hướng dẫn, đôn đốc các chủ thể sản xuất hoàn thiện hồ sơ các sản phẩm để dự thi OCOP cấp tỉnh. Bên cạnh đó, hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp để thu mua sản phẩm cho bà con.

Là một trong những HTX được nhiều doanh nghiệp lựa chọn ký kết văn bản tiêu thụ sản phẩm, Giám đốc HTX lanh Cán tỷ, Sùng Thị Máy cho biết: “Thực hiện chủ trương của huyện về phát triển sản phẩm lanh thổ cẩm để phục vụ du lịch, thời gian qua, HTX đã không ngừng nỗ lực cải tiến các sản phẩm thủ công của HTX như túi xách, túi ví kính, khăn, vỏ gối... để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Thông qua sự kết nối của UBND huyện, HTX chúng tôi đã có các doanh nghiệp tìm đến ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, góp phần ổn định đầu ra cho HTX”.

Thông qua sự kết nối tiêu thụ sản phẩm của chính quyền địa phương, đã tạo cơ hội cho các HTX, hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện được tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương và tìm đầu ra cho sản phẩm. Trên cơ sở đó hình thành các mối liên kết trong sản xuất, góp phần thúc đẩy xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người nông dân và nâng cao giá trị sản xuất/diện tích đất canh tác.

Bài, ảnh: LÊ HẢI

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202308/quan-ba-chu-dong-ket-noi-tieu-thu-san-pham-nong-nghiep-a5032d8/