Quái chiêu rửa tiền của 'bố già' Peru

Trong hơn một thập kỷ qua, Carlos Sein Atachahua, người Peru, bị cáo buộc cầm đầu một đế chế rửa tiền và buôn bán ma túy toàn cầu. Được coi như 'bố già' Peru, Atachahua đã rửa ít nhất 7 triệu USD với mạng lưới chân rết rộng khắp.

Carlos Sein Atachahua (trái) bị bắt tại Argentina.

Đế chế “rửa tiền” tại Argentina

Carlos Sein Atachahua, 52 tuổi, thỉnh thoảng sẽ xuất hiện trước đám đông trong bộ quần áo giống công nhân xây dựng. Đó không phải kiểu trang phục người ta thường mong đợi ở một kẻ bị buộc tội cầm đầu băng đảng rửa tiền, buôn ma túy xuyên quốc gia. Hắn ta trông giống một người dân thường đang làm một công việc lao động phổ thông.

Để qua mặt cơ quan điều tra, Atachahua tự nhận mình làm nghề đổi tiền hoặc bán xe cũ với tên “giang hồ” là Abraham Levy, sống tại thủ đô Buenos Aires, Argentina. Khi khác, hắn ta sử dụng chứng minh thử giả và “vào vai” kỹ sư chất lỏng, có bằng cấp tại một trường đại học ở thủ đô Lima, Peru. Trong ít nhất 14 năm, những lời nói dối này đều phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, theo tiết lộ của các công tố viên Argentina, đằng sau dáng vẻ thường nhật, người đàn ông Peru 52 tuổi này giàu nứt đố đổ vách. Sở hữu mái tóc đen muối tiêu, Atachahua là người cẩn trọng, tỉ mỉ. Những người làm chứng chống lại hắn ta cho biết Atachahua chủ yếu giao dịch bằng tiền mặt và giữ kín thông tin với đàn em. Chỉ một mình hắn nắm giữ mọi bí mật và thông tin của băng đảng.

Atachahua “rửa tiền” từ 2006 – 2020 bằng cách kết nối với những “chân rết” ở Mỹ Latinh, châu Âu và Bắc Mỹ. Do đó, hắn bị chính quyền Argentina buộc tội rửa tiền chứ không phải buôn bán ma túy. Dù họ cũng cáo buộc Atachahua đã tham gia vào việc vận chuyển cocaine nửa vòng Trái đất từ Nam Mỹ với logo là các biểu tượng cổ xưa của Peru.

Ngoài Peru, Atachahua hợp tác với những kẻ buôn lậu từ nước láng giềng Colombia hay bán ma túy cho tổ chức tội phạm nổi tiếng Italy Ndrangheta. Giới tư pháp cáo buộc Atachahua đã lợi dụng những nhà đổi tiền tham nhũng ở cả hai bờ Đại Tây Dương để rửa lợi nhuận kếch xù trên thị trường châu Âu.

Năm 2020, Atachahua bị bắt vì tội rửa tiền tại Argentina – hai năm sau khi kế toán viên lâu năm của hắn, Diego Xavier Guastini, phản bội và bắt đầu tiết lộ thông tin làm ăn của băng đảng cho nhà chức trách.

Tại thời điểm đó, hồ sơ phạm tội của Atachahua ghi nhận băng đảng của hắn ta đã sử dụng tiền bẩn để thành lập các công ty giả, mua hàng triệu USD bất động sản ở Argentina, bao gồm các bãi đậu xe... Giới truyền thông cũng phát hiện nhiều tài sản, đất đai liên quan đến Atachahua và gia đình anh ta ở Peru.

Trong lúc Atachahua đang chịu quản thúc tại nhà, Dự án báo cáo tội phạm có tổ chức và tham nhũng (OCCRP) và các đối tác đã cất công làm sáng tỏ mạng lưới của Atachahua.

Từ đó, hé lộ các công việc phi pháp mà hắn ta giấu kín suốt thời gian dài. Băng đảng của Atachahua bị cáo buộc rửa ít nhất 7 triệu USD nhưng giới chức Argentina nhấn mạnh trong một cuộc họp báo vào năm 2020 rằng số tiền thực sự còn cao hơn rất nhiều.

Mạng lưới rửa tiền của Atachahua mở rộng đến châu Âu.

Thủ đoạn tinh vi

Carlos Sein Atachahua sinh ra tại Húanuco, thành phố miền Trung Peru trong một gia đình đã tham gia buôn bán ma túy suốt hàng thập kỷ. Năm 1990, Atachahua lần đầu tiên bị bắt và kết án 9 năm tù tại Peru vì tội buôn bán ma túy và giả mạo tài liệu sau khi cảnh sát tìm thấy cocaine trong xe hơi của hắn ta. Hắn ta được trả tự do sớm. Năm 2000, Atachahua chuyển đến Argentina.

Định cư trong khu phố Caballito cao cấp, nằm ở thủ đô Buenos Aires, Atachahua bắt đầu buôn lậu ma túy và mở rộng thị trường cocaine, có nguồn ở Bolivia hoặc Peru, sang châu Âu thông qua những điểm xuất cảnh ở Uruguay và Brazil.

Atachahua còn kết nối với người Colombia, Uruguay, Chile hoặc Italy trong nỗ lực “nghiệp đoàn hóa” doanh nghiệp của mình để từ từ thoát ra các khu ổ chuột.

Dữ liệu về chuyến bay của Peru chứng minh Atachahua đã đến Brazil và Chile từ đầu tháng 12/2002. Theo thông tin từ Guastini, sau khi tiếp nhận cocaine, nó sẽ được chở xuyên Nam Mỹ trong các xe tư hoặc xe tải thương mại chuyên chở chuối và các sản phẩm vệ sinh. Các gói hàng được nhét vào các ngăn bí mật trong khung xe và được khóa cố định bằng lớp xốp giãn nở.

Để phân biệt, các gói hàng do băng đảng Atachahua vận chuyển thường được đánh dấu hình mặt trời Peru, gợi lên truyền thống của người dân nước này và nguồn gốc của Atachahua.

Hoạt động vận chuyển thường kéo dài, đôi khi lên đến 40 ngày, bởi băng đảng lựa chọn những cung đường an toàn, không rơi vào tầm ngắm của các nhà chức trách. Các lô hàng được gửi theo tuyến đường quanh co đến Brazil và các nước khác trước khi vận chuyển sang châu Âu.

Trong 23 năm kinh doanh, băng đảng của Atachahua chưa từng thua lỗ lần nào. Hắn ta thường trực tiếp theo dõi các chuyến hàng trên khắp thế giới, hẹn gặp người mua và liên lạc với các “chân rết” trong thế giới ngầm.

Atachahua sử dụng ít nhất 8 hộ chiếu và giấy tờ tùy thân ở các quốc gia khác nhau khi di chuyển bằng đường bộ và đường hàng không. Báo cáo từ Argentina cho thấy từ năm 2008 đến năm 2020, Atachahua đã đến và rời khỏi đất nước này hơn 200 lần.

Trong lĩnh vực buôn bán ma túy, Atachahua là người khá kiệm lời và có phần khiêm tốn. Hắn ta không mấy khi tham gia các buổi tiệc hay các cuộc gặp gỡ xa hoa giữa các tên trùm ma túy ở Colombia và Mexico.

Công tố viên Eduardo Castaneda, Văn phòng Công tố viên chuyên trách về chống tội phạm có tổ chức Peru, cho biết: “Hầu hết những kẻ buôn ma túy đều có chung điểm yếu là họ luôn tìm cách phô trương lợi nhuận, bản thân vì mục đích kinh doanh. Ngược lại, cách làm việc của Atachahua rất đặc biệt và thận trọng”.

Atachahua nói rằng, người ngoài chỉ nên biết tối đa 20% việc làm ăn của hắn, nếu biết thêm sẽ rất nguy hiểm. Ngay cả vợ của Atachahua cũng chỉ biết 20% các giao dịch làm ăn của chồng.

Sau một thời gian buôn bán cocaine sang châu Âu, từ năm 2016, Atachahua chuyển mục tiêu sang rửa tiền. Đôi khi hắn gửi tiền vào Peru và Argentina bằng cách dùng “con la”, nghĩa là những người dùng hành lý xách tay chuyển tiền trên các chuyến bay thương mại. Những lần khác, hắn sử dụng dịch vụ nhà đổi tiền ở Italy.

Để làm điều này, Atachahua sẽ đích thân nhận tiền mặt ở Tây Ban Nha sau đó lái xe đến miền Bắc nước Italy bằng xe đi thuê. Tại đây, hắn ta chuyển tiền cho Chavin Cash, một nhà đổi tiền nằm gần trạm tàu hỏa Milano Centrale do người Italy gốc Peru tên là Hector Chavez quản lý. Khi người Peru gửi tiền hợp pháp từ Milan về cho gia đình, Hector sẽ thêm tiền vào những khoản gửi đó.

Khi khác, các “con la” sẽ chở tiền đến Peru và lấy tiền bất chính tại các nhà đổi tiền trong nước. Tiền đến Argentina bị cáo buộc được rửa thông qua 4 công ty do tổ chức của Atachahua thiết lập, trong đó người nắm quyền điều hành là vợ của Atachahua, bà Maribel del Aguila Fonseca và con gái hắn ta. Số tiền này dùng để mua bất động sản.

Ngoài ra, gia đình này đầu tư vào ngành công nghiệp khí đốt. Tại San Martin, Peru, nhà Atachahua thành lập một công ty bán nhiên liệu có tên Inversiones NCN SAC với nhiều chi nhánh nằm ở các tỉnh phía Bắc như Rioja, Moyobamba...

Kết cục của “bố già”

Nhà chức trách Argentina thu thập bằng chứng phạm tội tại nhà riêng của Atachahua.

Việc rửa tiền của Atachahua không phải là không có rủi ro. Năm 2007, hai “con la” bị bắt tại sân bay Barcelona, mang theo 400 nghìn euro không khai báo. Các nhà chức trách đã thu giữ phần lớn số tiền mặt.

Tháng 11/2012, cảnh sát Uruguay cũng mở một chiến dịch chống lại hoạt động bất hợp pháp của Atachahua. Họ được chỉ điểm theo dõi một ngôi nhà nghi là nơi diễn ra hoạt động buôn bán ma túy.

Trong cuộc truy vết, cảnh sát Uruguay đã bắt được Francesco Pisano, người Italy làm việc cho băng đảng Ndrangheta. 2 người Argentina và Uruguay cũng bị bắt, hơn 276 kg cocaine cùng hơn 47 kg ma túy bị thu giữ.

Atachahua và Guastini đã kịp thời bỏ trốn nhưng giao dịch giữa họ và những người bị bắt đã được ghi lại. Kể từ đó, Atachahua bắt đầu thận trọng hơn.

Năm 2013, con gái của Atachahua trở thành đối tượng bị điều tra do được tặng lại cổ phần từ nhiều công ty của bố, nơi các nhà chức trách nhắm tới. 3 năm sau, cô chuyển đến Canada sống và kết hôn với một công dân Canada.

Từ năm 2018, Guastini bắt tay với cơ quan điều tra Argentina và cung cấp thông tin về các hoạt động phi pháp của Atachahua. Kể từ đó, giới chức Argentina hiểu rõ hơn về hoạt động kinh doanh của Atachahua và đưa hắn ta vào tầm ngắm.

Atachahua lúc này cũng đã biết mình bị cảnh sát “sờ gáy” nên đã chuẩn bị nhiều phương án phòng vệ.

Tháng 10/2018, vài ngày sau buổi làm việc thứ ba với cơ quan điều tra Argentina, Guastini bị bắn chết. Theo các hãng tin nước này, một chiếc xe tải nhãn hiệu Toyota đã chặn đường chiếc Audi A4 của Guastini khi hắn ta lái xe qua vùng ngoại ô Buenos Aires. Sau đó, một tay súng đi xe máy lao qua và bắn nhân chứng 3 phát. Guastini qua đời tại một bệnh viện gần đó.

Atachahua không bị buộc tội trong cái chết của Guastini. Thông qua đội ngũ pháp lý của mình, hắn ta từ chối bình luận.

Theo các nhà điều tra, trong những tháng trước khi bị bắt vào năm 2020, Atachahua đã chuẩn bị một lô hàng ma túy lớn sang Tây Ban Nha. Dù biết bị theo dõi, hắn ta vẫn cố gắng đi trước cảnh sát một bước. Mỗi lần đến Argentina qua Sân bay Quốc tế Ministro Pistarini ở Buenos Aires, hắn ta đều đi đường vòng một tiếng để cắt đuôi cảnh sát.

Tuy nhiên, vận may của Atachahua cuối cùng cũng chấm dứt. Tháng 10/2020, hắn ta bị bắt trong một cuộc đột kích với sự tham gia của hơn 200 cảnh sát Argentina.

Họ đã thiết lập mạng lưới theo dõi trong 25 ngôi nhà riêng và các cơ sở kinh doanh có liên kết với mạng lưới tội phạm của Atachahua. Cảnh sát đã tịch thu hàng triệu USD tiền mặt với ít nhất 10 loại tiền tệ khác nhau và 49 chiếc điện thoại. Một tháng sau, tòa án Argentina ra lệnh tịch thu hơn 30 tỷ peso Argentina, tương đương 383 triệu USD.

Trước khi Atachahua bị bắt, Maribel đã rời khỏi đất nước và chịu lệnh truy nã quốc tế. Tháng 10/2021, bà ta bị bắt ở Argentina sau khi thừa nhận trở lại thăm bố mẹ bị bệnh.

Con gái của Atachahua cũng bị thẩm vấn khi đến Argentina vào năm 2020 và bị cấm xuất cảnh. Tại tòa, vợ của Atachahua cho biết, đây là lần đầu tiên cô dính líu tới một vụ kiện.

“Tôi không phải thành viên một băng đảng hay tổ chức bất hợp pháp nào. Chúng tôi là một gia đình”, bà Maribel khẳng định.

Anh Khoa (TH)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/quai-chieu-rua-tien-cua-bo-gia-peru-post605922.html