Quà xứ Nẫu

(CAO) Cách đây mấy ngày, cô bạn thân của tôi ở Mỹ gọi điện về. Đang hỏi han, tâm sự linh tinh, bỗng nhiên nó chậc lưỡi: "Sao tao nhớ bún cá Quy Nhơn quá mày ơi! Ở bên này đang lạnh, giá mà có tô bún thật nóng, thật cay, húp nước đến đâu biết cay đến đó thì đã thiệt".

Bún cá Qui Nhơn Bún cá Quy Nhơn thì hẳn có tiếng rồi. Chẳng thế mà, ở tận trong thành phố Hồ Chí Minh, cũng có nhiều quán ăn trưng bảng Bún cá hay Bánh Canh - Chả cá Quy Nhơn. Tất cả mọi thứ từ nồi nước dùng, đến chả cá, bún Diêu Trì, Đập Đá đều phải lấy ở Quy Nhơn theo xe Sài Gòn đi vào từ chiều hôm trước để đến sáng hôm sau kịp có mặt tại chốn phồn hoa đô hội, phục vụ những người đến ăn sớm nhất- như lời một đồng nghiệp kể. Còn tôi, ít khi có dịp đi đâu ngoài xứ Bình Định, loanh quanh ở Quy Nhơn, chỉ biết mỗi lần người Bình Định vào trong đó thăm người thân, đều cố gắng đặt làm vài cân chả cá thật ngon, vài ràng bánh tráng nhúng và cả tương ớt nữa. Thứ tương ớt đỏ au, thêm ít muối, bột ngọt và đường cho hơi có vị ngọt (chứ không ngọt lừ) được sên trên lửa liu riu cho đến khi hơi keo lại, để lâu cả tháng trời vẫn không hư. Bánh tráng phải là thứ bánh tráng nhúng vừa ăn, không dày, không mỏng và hơi dai. Chả cá xắt mỏng, cuốn bánh tráng với rau sống, chấm ớt tương thì tuyệt cú mèo. Nhưng muốn cho đã thèm thì chỉ chấm chả cá với ớt tương, ăn đến đâu xuýt xoa đến đó! Bạn của mẹ tôi trước ở Sài Gòn, nay lại ra tận đảo Phú Quốc ở. Lâu lâu về thăm nhà ở Quy Nhơn, lần nào cô cũng nằng nặc đòi đi ăn bánh xèo vỏ chấm với nước mắm đục (mắm nêm) Bình Định. Bánh xèo vỏ là món ăn dân dã, dành cho người lao động bình dân. Bột gạo xay ra, để trắng chứ không pha màu như bánh xèo thịt. Lửa to, bắc khuôn bánh lên cho nóng già, rồi đổ dầu phụng chờ khói bốc lên mặt khuôn rồi đổ bột vào, nghe kêu xèo… xèo. Bánh xèo vỏ ngon phải mỏng đều, mặt rỗ, ăn có vị dai….chấm với thứ nước mắm nêm đã thêm chút thơm xắt nhỏ, ớt tỏi đâm nhuyễn trộn chung, thêm chút rau sống, giá trụng sơ. Đơn giản vậy thôi nhưng ăn hoài không ngán. "Ở Phú Quốc, cô chỉ mong về Quy Nhơn để ăn món này"- cô tôi vừa ăn vừa nói. Cô là dân xứ Nẫu chính gốc, đi xa nhớ món quê nhà là chuyện dễ hiểu. Còn bà ngoại tôi, người Bắc chính hiệu, vào Quy Nhơn ở trên 20 năm về lại quê, vậy mà lần nào mẹ tôi về thăm bà cũng nhắc: Tao thèm ăn đầu cá ngừ tươi, thèm ăn canh khổ qua thật đắng và nhất là canh lá giang nấu cá cơm, cá nục cho ớt thật cay- những món ở quê ngoại không hề có. Mẹ tôi có lần đã cất công đi mua một con cá ngừ thật to tươi rói, về kho nước cho thật kỹ rồi đem lên tàu vượt cả ngàn cây số đem về cho bà. Ngoại đã ở tuổi gần 90, răng rụng hết cả vậy mà cũng nhẩn nha mút từng cái xương đầu con cá. "Không ngon như hồi ở trong đó, vậy cũng đã thèm rồi"- ngoại gật gù. Hôm rồi đang làm việc, tôi nghĩ đến chè….và tự dưng thấy thèm. Mặc kệ công việc đang làm dở, tôi phóc ra quán chè Cô Bảy- ngay ngã tư đường Tăng Bạt Hổ - Lê Hồng Phong (Quy Nhơn). Gánh chè nhỏ, cả người ăn, người bán đều ngồi ké trên vỉa hè của một cơ quan nọ. Vậy mà người trong, người ngoài, có cả những bà đi xe máy đeo khẩu trang như ninja kiên nhẫn đứng chờ dưới trời nắng. Chè đậu xanh bông cau vàng ươm, hột đậu mềm nhưng không nát. Chè đậu trắng, đậu đỏ, đậu ván, đậu đen, rồi chè ỉ…. Loại nào cô nấu cũng ngon. Ăn miếng chè ngọt thanh chứ không gắt như những quán khác. "Tôi mua thứ bột ngon, sên đường, lọc hết mọi bụi bẩn. Bán làm sao cho người ta ăn thấy ngon, mình cũng mát dạ. Mình lấy công làm lời là chính mà" - cô Bảy vẫn thường nói thế. Người mua hối, bán không kịp, thế là Cô Bảy đổ quạu, la luôn cả người mua (có người gọi luôn đây là gánh chè chửi). Vậy mà chẳng ai mích lòng bởi chè của cô nấu ngon quá. Hỡi những thực khách chưa từng nếm chè Cô Bảy, cứ biết rằng chỉ nghe tiếng nước sôi là cô đã biết đậu nhừ đến mức nào là đủ thấy trình độ nấu chè của cô đã ở "cảnh giới" nào rồi. Làm sao có thể hoài nghi chất lượng chè Cô Bảy. Tình cờ, tôi cũng gặp cô gái da trắng, tóc vàng, dặn cô Bảy múc cho 20 bì chè. Hỏi ra, cô tên Nguyễn Phạm Bích Huyền, Việt kiều Mỹ nhà ở 282 Bạch Đằng sống ở Mỹ 5 năm mới về lại quê. Cô bảo, quán chè này là quán ruột của cô thời đi học phổ thông. Bên đó, người Việt cũng bán chè nhưng không ngon như ở mình. Mấy ngày về quê, ngày nào cô cũng ra quán Cô Bảy, rồi lang thang đi ăn bún cá, gỏi, bánh bèo như thể thời còn cắp sách đến trường… Tuần sau tôi bay rồi, chẳng biết khi nào mới được thưởng thức lại món ngon quê nhà nữa đây- cô thầm thì như tự hỏi.

Nguồn CA TP.HCM: http://www.congan.com.vn/?catid=442&id=162757&mod=detnews&p=