Quà quê giữa phố

Giữa đất Sài Gòn, bên cạnh nhiều người tự hào là công dân của thành phố lớn nhất nước thì vẫn nhiều người khác chẳng bao giờ chịu nhận mình là 'người Sài Gòn'. Bởi chính họ còn mang trong lòng một hình ảnh xưa cũ về những vùng quê, đậm dấu chất phác, bình dị, hoang sơ của thuở nào. Bởi chính họ cũng choáng ngợp với những gì đang diễn ra ở thành phố và trong những phút lắng lòng, họ quan sát, lắng nghe, ghi chép về những sự vật xung quanh mang đầy dấu tích của những làng quê mộc mạc, dù chúng đang xảy ra tại Sài thành...

Quà quê mẹ gửi cho con.

Trên những con đường Sài Gòn, chắc không ít lần ta bắt gặp những thứ hàng hóa của quê, của những vùng nông thôn, xuất hiện tại thành phố. Ta có thể gọi là những “quà quê”. Đó là những chiếc giỏ, chiếc thúng bằng tre, bằng mây được bày bán trên lề đường hoặc trên những chiếc xe đẩy. Đó là những xe chở chiếu cói, chiếu bàng hoặc màn sáo bằng tre trúc cùng tiếng rao lanh lảnh len vào các con hẻm. Đó là những chiếc xe đạp chở chổi lông gà, chổi dừa, chổi rán, chổi bông cỏ, chổi rơm... cọc cạch rong ruổi qua nhiều con phố. Đó là những đôi quang gánh mang mớ rế lót nồi đan bằng tre, chùm xơ mướp để chùi xoong... thầm lặng qua những vỉa hè nhộn nhịp. Đó là những thúng, những mẹt, những rổ quà quê với ổi sẻ, bình bát, cốm dẹp, ô môi, rau càng cua... từng đi vào ký ức tuổi thơ của một bộ phận người thành phố. Đó là những gánh tàu hũ, bánh lọt, chè thưng... nước dừa với tiếng rao ngọt tựa nước đường vẫn làm say sưa lũ trẻ nhà quê nay lại làm mê lòng đám nhỏ ở xóm lao động nghèo thành thị. Đó là những cửa hàng ở mặt tiền phố nhộn nhịp bán những món đồ thủ công nhà quê với hình ảnh của cái rổ, cái nơm, cái lợp... cách điệu dành cho ai trang trí trong nhà hoặc gắn cách điệu với bóng đèn hoặc làm quà lưu niệm cho những người muốn... hoài niệm...

Góc quê trong nhà phố.

Đôi khi các em nhỏ cũng “gác” lại những chiếc xe hơi điều khiển từ xa hay những con rô-bốt để say mê những chiếc máy bay, con cào cào, con tôm... đan bằng lá dừa qua những đôi tay tỉ mỉ, khéo léo. Trước cổng trường, nhiều em nhỏ trước khi lên xe cha mẹ về nhà hẳn dõi mắt nhìn theo đôi tay nắn bột thoăn thoắt của người thợ làm tò he với những món đồ sinh động, sặc sỡ hoặc chiếc xe kẹo bông gòn chạy rào rào để cho ra chiếc kẹo bông màu hồng, màu trắng như mây... như muốn đòi được mua tặng một cái. Ở chợ, không hiếm lần ta cũng thấy những rổ rau nhút, rau dừa, rau lang, so đũa, bông súng hay điên điển, làm cho bữa ăn thêm ngon miệng, không chỉ vì là món “lạ”, món ăn nên thuốc mà còn vì sự đậm đà của quê nhà... Hình ảnh những phụ nữ lam lũ với nón lá, áo nâu, khẩu trang che kín mặt hay những người đàn ông với dép lào, dép nhựa, quần xắn ống thấp ống cao, nón cối lộc cộc xe đạp cũ kỹ hay đôi quang gánh kẽo kẹt từ lâu là một phần quen thuộc của thành phố.

Chắc không ai không nhận ra rằng, chính những xe, những thúng, những giỏ, những mẹt... ấy là nguồn sống của không ít gia đình, là niềm hy vọng của nhiều đứa trẻ với mơ ước vươn lên. Cuộc sống hiện đại của đô thị có thể không cần những thứ quà quê ấy (vì đã có nhiều thứ khác thay thế), chúng trở thành thứ có - cũng - như - không. Nhưng nếu thiếu nó, hẳn thành thị sẽ thiếu đi những điểm nhấn nhiều màu sắc. Hơn thế, thành phố dường như sẽ mất đi yếu tố “nguồn gốc” của một thành phố trẻ - phần lớn cư dân đều là người “nhập cư” chỉ mới một hai thế hệ. Có thể ai đó không “tự hào” về nguồn gốc nông thôn của mình nhưng chắc không ai phủ nhận được nguồn gốc đó. Bởi vậy, những thứ “quà quê” là một cách gợi nhớ quê hương, gợi nhớ nguồn cội, gợi nhớ hồn dân tộc.

Giàn rau trên sân thượng.

Bởi vậy, mỗi dịp Tết Nguyên đán, trên đường hoa Nguyễn Huệ, điểm mà người ta hay dừng lại là những dấu ấn của một thuở đồng quê: thằng bù nhìn rơm đứng chơ vơ giữa ruộng lúa; cái lu sành đựng nước nằm ẩn mình sau hè; cái vó bắt tôm cá trơ trơ cùng dòng kênh trước ngõ; chiếc xuồng nằm nghiêng nghiêng trong ụ với mái dầm đóng phèn vàng cháy; bụi tre ngà lao xao với khóm chuối xanh rì bên cạnh cầu ao; bụi chuối nằm cạnh cầu ao soi bóng cho bầy vịt nằm rỉa lông... Đó lại là những món quà nhà quê khác - quà tinh thần - để không chỉ người đứng tuổi nhớ về quê xưa mà còn để lớp trẻ phần nào hình dung được nhà quê là như thế nào. Trên nữa, đó là cách giữ gìn bản sắc của dân tộc. Và, đó cũng là cách giới thiệu những món quà độc đáo này của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, chứ nếu đem cái hiện đại ra trưng bày thì hẳn đâu thể nào sánh được với các nước!

*

Thật tự nhiên, mỗi khi thấy những chiếc rổ bằng tre sơn véc ni đỏ thắm để làm đồ trang trí hơn là vật dụng thì trước mắt tôi hiện lên hình ảnh ông ngoại tôi ngồi cặm cụi chẻ tre, chuốt nan đan rổ. Hay khi thấy những người đàn ông cặm cụi đẩy xe hàng cao ngất nghểu thì tôi nhớ ngay đến ba tôi hồi nửa thế kỷ trước từng có những ngày “lang thang” với gánh hàng rong khắp các chợ miền Tây cùng tiếng rao khàn đục. Hay gặp những người phụ nữ kĩu kịt gánh hàng trên vai là tôi chẳng thể nào quên mẹ tôi cũng từng có những ngày thúng gánh với chục ký khoai lang, khoai mì, vài ký cá khô mặn... Thì ra, không chỉ quà quê mà ngay cả quang gánh hay thúng mẹt hay những chiếc xe đạp cà tàng thì cũng đủ gợi lên hình ảnh quê hương, gia đình thân thuộc. Dù bây giờ những từ “người Sài Gòn”, “người thành thị” đã từng được ta vỗ ngực tự hào!

Hãy dành những góc lặng giữa phố thị ồn ào cho những thứ hàng quê. Hãy ghi vào ký ức hay cả bằng phim ảnh những hình ảnh ấy để e rằng nay mai không còn nữa, không chỉ vì những lệnh cấm bán hàng rong có thể được ban ra mà còn là sự đào thải tự nhiên của xã hội... Hãy dành một khoảng sâu thẳm trong tâm hồn để lắng đọng những tình cảm êm đềm của một thời xưa cũ khi bắt gặp những thứ hàng quê ấy. Hãy dừng lại hỏi thăm, mua ủng hộ vài món để thắp sáng những hy vọng về sự đổi đời của một ngày mai tươi sáng hơn cho một thế hệ mới! Và, xin ai đó đừng khinh khi, rẻ rúng những chiếc giỏ đệm, những cái lồng tre đựng những thứ quà nhà quê ngon lành mà lại giàu ý nghĩa.

TRÚC GIANG

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/qua-que-giua-pho-post290484.html