Quả ngọt trên mảnh đất cằn

Khe Mây, cái tên gắn liền với núi rừng, dòng suối đầu nguồn nhưng giờ đây đã trở thành thương hiệu đặc sản của loài cam ở miền sơn cước Hà Tĩnh. Với vị ngọt thanh, mùi thơm đặc trưng được kết tinh trên vùng đất đá cằn đã 'nhào nặn' nên thứ quả chỉ ăn một lần là nhớ mãi….

Vùng đất “vàng”

Cuối năm Quý Mão, khi sương trắng còn bảng lảng khắp núi đồi thì cũng là lúc người trồng cam ở rừng Khe Mây, xã Hương Đô, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) hối hả thu hoạch. Qua những con đường đèo quanh co, vài tia nắng thỉnh thoảng vén mây rọi chiếu lên rừng cam vàng rực như những đốm lửa sưởi ấm ngày rét chờ Xuân. Là huyện miền núi trồng nhiều cam nhất tỉnh, nhưng cam ở đất Khe Mây mang một hương vị đặc biệt. Cam bù mang vị ngọt thanh, cam chanh thơm, giòn mọng nước, "quyến rũ" bất cứ vị khách khó tính nào.

Người trồng cam nơi đây chia sẻ, trước khi sinh quả ngọt, vùng núi Khe Mây lúc đó đang hoang sơ với nhiều cây gỗ, cây mây, thú rừng và địa hình dốc đá, đất đai cằn cỗi. Là mảnh đất mùa mưa được xem là “rốn lũ”, mùa hè ví như “chảo lửa” nên cuộc sống của con người Hương Đô gặp muôn vàn khổ cực. Năm 1988, mất mùa, thiếu lương thực, nhiều người dân địa phương lũ lượt di chuyển vào rừng, dựng lán trại để chặt mây về bán kiếm sống qua ngày.

Người dân trồng cam Khe Mây phấn khởi bên gốc cam chín vàng.

Vài năm sau đó, nhiều hộ dân ở thôn 1, thôn 2, thôn 6 (xã Hương Đô) cũng vào khai hoang tại vùng núi Khe Mây theo chủ trương di dân lập nghiệp. Họ bắt đầu trồng khoai, trỉa lạc, gieo mạ nhưng những loại nông sản này cũng chỉ đủ ăn mà không có tiềm năng phát triển kinh tế. Năm 1992 là mốc lịch sử cho sự khai sinh vùng đất “vàng” vốn bao đời ngủ vùi nơi thâm sơn cùng cốc. Và điều bất ngờ là loài cam ở vùng này lại phát triển tốt, cho quả ngọt. Cũng từ đó, thương hiệu cam Khe Mây gắn với địa danh nơi đây.

Người dân bọc cam bằng các túi để bảo vệ phần vỏ tránh bị rám nắng.

“Vua cam”, cái tên người làng mệnh danh cho ông Đinh Văn Oánh (67 tuổi, trú ở xã Hương Đô) khi là một trong những người tiên phong, khai sáng vùng đất này. Ông Oánh cũng là người vẽ đường chỉ lối, cầm tay chỉ việc cho các gia đình tham gia trồng cam khi mới chân ướt chân ráo lên vùng đất này lập nghiệp. Sau hơn 30 năm gắn bó với cam, với rừng, hiện ông đã “giải nghệ”, chuyển nhượng lại hơn 10ha diện tích trồng cam mỗi năm doanh thu 3 tỷ cho những người con trai.

Chỉ tay vào ngôi nhà mới xây khang trang của gia đình được dựng dưới chân núi, ông Oánh tự hào vì có gần nửa cuộc đời gắn với vùng đất nơi đây. Thời đó có những lúc ông Oánh nghĩ mình không thể vượt qua được khi trồng cam, cam chết. Nhiều người bỏ cuộc rời rừng về làng, nhưng ông Oánh vẫn một mình sống giữa rừng như lão nông “gàn dở”, đào từng tức đất, tưới từng gáo nước và không ngừng nuôi hy vọng có quả ngọt. “Điều khiến tôi vui mừng nhất là có gần nửa cuộc đời gắn bó với vùng đất này. Cam Khe Mây gắn với địa danh, gắn với ký ức một thời ở đây, nên mỗi lần nhìn những chuyến hàng đưa cam ra Bắc vào Nam lòng tôi lại rạo rực”, ông Oánh tâm sự.

Nức tiếng cam Khe Mây

Với địa thế đất đai cằn cỗi, tọa lạc chót vót chạm mây trời, nhưng thứ đất kia đã nhào nặn nên hương vị đặc biệt. Cam chanh, cam bù được người dân chăm sóc theo cách riêng nhưng đều đảm bảo sạch, ngọt. Từ tháng 9 âm lịch đến hết tháng 12, dọc các sườn núi, đỉnh đồi, cam được khoác những “tấm áo” tránh những loài ong, bướm, sâu vào đục quả gây hư hỏng.

Từ lâu, cam Khe Mây đã trở thành đặc sản nức tiếng Hà Tĩnh. Nhìn vườn cam trên 1.000 gốc chín vàng rực, anh Lê Văn Phương (sinh năm 1983, trú tại thôn 2, xã Hương Đô) phấn khởi khi năm nay giá thành cao, khách khắp nơi gọi đặt hàng. “Hơn 10 năm trồng cam, năm nay cam được giá nên rất phấn khởi. Hiện cam được bán tại vườn từ 50-60 ngàn đồng/kg, cũng có những hộ tại vùng này bán giá 100 ngàn đồng/kg. Cam nơi đây chủ yếu bán cho khách biếu, đặc biệt khách dịp Tết năm nay cũng đặt hàng trước một tháng để giữ cam”, anh Phương nói.

Anh Lê Văn Phương phấn khởi thu hoạch cam.

Nói về cam Khe Mây, người đàn ông có thâm niên hơn 10 năm trồng cam chia sẻ: “Cam vùng này đều được trồng theo tự nhiên, không sử dụng hóa chất hay thuốc bảo vệ thực vật nên mẫu mã có thể không bằng các loại cam khác. Nhưng độ ngọt và hương vị đặc biệt không lẫn vào đâu được”.

Cam Khe Mây là loại cây thân gỗ, sống lâu năm, cây có thân nhẵn, màu nâu phân nhánh nhiều. Nhờ loài quả này mỗi hộ gia đình thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Hồng Sơn - Chủ tịch UBND xã Hương Đô (huyện Hương Khê), cho biết, địa phương là một trong những “thủ phủ” sản xuất cam lớn nhất Hà Tĩnh với đặc sản cam Khe Mây. Hiện, toàn xã có 350 ha cam, trong đó 220 ha đang cho thu hoạch. “Cam Khe Mây từ lâu nổi tiếng với vị ngọt, thơm mát. So với các giống cam ở miền Bắc thì cam khe mây có ngoại hình không mấy bắt mắt song có vị ngọt đặc trưng, thơm mát. Toàn xã có hơn 320 ha cam, loài quả này giúp người dân có thêm thu nhập đáng kể, ổn định cuộc sống”.

Ngành nông nghiệp huyện Hương Khê thống kê toàn huyện có hơn 2.000 ha cam, trong đó gần 1.700 ha đã cho thu hoạch với sản lượng gần 16.500 tấn. Hiện, cam Khe Mây được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và được dán tem truy xuất nguồn gốc, thương hiệu khi đưa ra thị trường.

Hoài Nam

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/qua-ngot-tren-manh-dat-can-post1611873.tpo