Quá khứ tự hào, tương lai phát triển

Mùa Thu tháng Tám của 76 năm trước, hòa cùng khí thế dân tộc, nhân dân Phú Thọ dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đồng tâm, hiệp lực cùng nhân dân các địa phương trong cả nước làm nên Cách mạng tháng Tám lịch sử, cùng chung sức, đồng lòng bảo vệ và phát huy những thành quả cách mạng để có được công cuộc đổi mới hôm nay.

76 năm sau Cách mạng tháng Tám thành công, Phú Thọ trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện và năng động với nhiều chỉ số, lĩnh vực dẫn đầu khu vực Trung du, miền núi Bắc bộ.

Những năm tháng hào hùng
76 năm về trước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Việt Minh, nhờ địa thế núi rừng hiểm trở, cùng sự đồng lòng, đoàn kết, chở che của nhân dân, đã có 3 chiến khu cách mạng được thành lập trên quê hương Đất Tổ là Chiến khu Vần- xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa (14/5/1945); Chiến khu Phục Cổ- xã Minh Hòa, huyện Yên Lập (6/1945) và Chiến khu Vạn Thắng- xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê (23/6/1945). Đây chính là những căn cứ địa vững chắc tạo nên “thế chân kiềng”, gây dựng phong trào, củng cố cho lực lượng vũ trang nòng cốt tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn tỉnh.Để thuận lợi cho việc đấu tranh giành lại chính quyền nhất là lãnh đạo Chiến khu Vần - Hiền Lương. Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định thành lập Ban cán sự liên tỉnh Phú Thọ - Yên Bái gọi tắt là Phú - Yên. Ngày 30/6/1945, Xứ ủy Bắc Kỳ chỉ thị cho Tỉnh ủy Phú - Yên gấp rút chuẩn bị để giành chính quyền. Từ căn cứ Vần - Hiền Lương, quân dân Phú Thọ, Yên Bái đã cùng các vùng căn cứ địa cách mạng phối hợp với đồng bào đứng dậy Tổng khởi nghĩa. Trong những ngày tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và Mặt trận Việt Minh, hàng vạn quân và dân các dân tộc trong tỉnh đã vùng dậy đập tan bộ máy thống trị của chính quyền thực dân phong kiến. Đầu tiên là đánh chiếm huyện Phù Ninh, rồi khởi nghĩa thắng lợi ở Hạ Hòa, Thanh Sơn. Tiếp theo, từ ngày 15-22/8, 9 huyện, phủ, châu còn lại của tỉnh cũng đã khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi: Ngày 17/8, huyện Cẩm Khê, phủ Thanh Ba, châu Đoan Hùng khởi nghĩa; ngày 18/8, khởi nghĩa tại huyện Tam Nông và châu Yên Lập; ngày 20/8, khởi nghĩa diễn ra ở huyện Hạc Trì và phủ Lâm Thao; ngày 22/8, huyện Thanh Thủy tiến hành khởi nghĩa thành công. Sau khởi nghĩa giành chính quyền ở các huyện, ba mũi du kích của các chiến khu tập trung toàn lực tiến về khởi nghĩa giành chính quyền tỉnh Phú Thọ tại thị xã Phú Thọ.Mặc dù đã có lệnh đầu hàng Đồng Minh nhưng bọn Nhật ở đây vẫn rất ngoan cố, chúng dung dưỡng bọn tay sai tiếp tục chống phá cách mạng, gây cho ta không ít khó khăn. Nhưng với sự khéo léo, linh hoạt và sáng tạo, đội ngũ cán bộ của Đảng bộ và Mặt trận Việt Minh đã biết lợi dụng thời cơ, trong lúc kẻ thù đang hoang mang dao động, để vừa đàm phán vừa đe dọa, khiến cho chúng phải từng bước nhượng bộ. Lực lượng cách mạng có sự hậu thuẫn của nhân dân kéo về bao vây thị xã, buộc chính quyền tay sai Nhật phải trao lại chính quyền cho ta. Ngày 25/8/1945, thị xã Phú Thọ được giải phóng, chính quyền cách mạng lâm thời tỉnh Phú Thọ thành lập cũng là ngày thắng lợi của khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám trên phạm vi toàn tỉnh.

Đầm Vân Hội - nơi ghi dấu chiến công phá kho thóc Nhật, giải quyết nạn đói cho dân của Đội du kích Âu Cơ vào ngày 13/6/1945.
Viết tiếp bản anh hùng ca bất diệt
Kể từ cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay, Đảng bộ và nhân dân Phú Thọ luôn sát cánh cùng nhân dân cả nước chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, xây dựng CNXH; đóng góp vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hàng vạn con em của Phú Thọ đã tình nguyện lên đường tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, tham gia hàng triệu ngày công vận chuyển, sơ tán, cất giấu hàng hóa, sửa chữa cầu đường, san lấp hố bom, giữ vững mạch máu giao thông; xây dựng hàng vạn hầm hào phòng không nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân, các cơ quan, đơn vị của Trung ương và đồng bào các tỉnh về sơ tán. Cũng trong các cuộc chiến đấu đầy gian khổ và ác liệt ấy, biết bao người con của quê hương đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh anh dũng hoặc để lại một phần cơ thể nơi chiến trường, đó là những tấm gương sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.76 năm sau mùa Thu tháng Tám ấy, từ một tỉnh nghèo, thuần nông, cơ sở hạ tầng đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển chậm, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chiếm tỉ trọng lớn, đến nay Phú Thọ đã biến khó khăn, thách thức thành những lợi thế, hướng đi phù hợp để phát triển. Với nền tảng là thành phố công nghiệp nhẹ đầu tiên của miền Bắc, sản xuất công nghiệp của tỉnh đã vươn lên đứng đầu các tỉnh vùng Tây Bắc và đứng thứ ba vùng Trung du miền núi Bắc Bộ với bảy khu công nghiệp được vào danh mục quy hoạch các khu công nghiệp của cả nước, thu hút nhiều nhà đầu tư đến từ các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản…Dưới sự lãnh đạo, đoàn kết thống nhất cao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh qua các thời kỳ, đặc biệt là sự cố gắng nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của nhân dân các dân tộc, tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu và ghi dấu mốc quan trọng trên tất cả các lĩnh vực: Kinh tế luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn bình quân chung của cả nước, các ngành kinh tế có quy mô mở rộng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Nhiều dự án, công trình, hạ tầng kỹ thuật phục vụ quốc kế dân sinh được khởi công xây dựng, đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng và cải thiện đời sống nhân dân.

Song song với phát triển kinh tế, tỉnh triển khai nhiều chủ trương, chính sách nhằm đảm bảo an sinh xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế. Nhiều năm gần đây, Phú Thọ luôn là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thành tích trong giáo dục và đào tạo. Hệ thống cung cấp dịch vụ y tế, các cơ sở hành nghề y dược đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Các chỉ số về cải cách hành chính năm sau luôn cao hơn năm trước. Hiện tỉnh đang đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố về cải cách hành chính, đứng thứ 21/63 tỉnh, thành phố về chỉ số hài lòng về phục vụ hành chính.Đặc biệt, những năm gần đây, tuy dịch bệnh COVID-19 bùng phát và ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt kinh tế, xã hội của cả thế giới, quốc gia và của tỉnh, song dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, giám sát của HĐND tỉnh, sự quyết tâm nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, nhân dân trong tỉnh, Phú Thọ cơ bản hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2016-2021 đã đề ra.

Trong năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh giai đoạn 2021-2025, nhờ thực hiện những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn, sáu tháng đầu năm 2021 tỉnh đã đạt được những kết quả nổi bật như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 6,22% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, công nghiệp - xây dựng tăng 7,25% (riêng công nghiệp tăng 7,16%); dịch vụ tăng 6,28%; nông lâm nghiệp tăng 3,78%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 14.068 tỉ đồng, tăng 9,1%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn sáu tháng đầu năm đạt 3.405 tỉ đồng. Giá trị kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3,2 tỉ USD, tăng 73,5%. Tỉnh có thêm 8 trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia, thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số toàn tỉnh có bốn đơn vị cấp huyện, 100 xã, 1.249 khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới, 8 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.

76 năm sau Cách mạng tháng Tám, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ tiếp tục phát huy hơn nữa truyền thống cách mạng, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, khẳng định là tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Phương Thúy

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/202108/qua-khu-tu-hao-tuong-lai-phat-trien-178925