PVD và loạt cổ phiếu quen mặt trên HoSE bị cắt cho vay ký quỹ

Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) vừa thông báo đưa nhiều mã cổ phiếu vào diện chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ, trong đó có nhiều cái tên quen thuộc như PVD, VDS, VIP…

Hàng loạt cổ phiếu bị cắt margin sau mùa soát xét bán niên. Ảnh minh họa

Ngày 31/8, HoSE thông báo bổ sung cổ phiếu PVD của Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling) vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin). Theo đó, 555 triệu cổ phiếu PVD chính thức bị cắt margin do lợi nhuận sau thuế soát xét bán niên 2022 của công ty mẹ PVD âm 116 tỷ đồng.

Ngày 5/9 tới, PVD sẽ thực hiện niêm yết bổ sung 50,5 triệu cổ phiếu. Đây là số cổ phiếu vừa được phát hành để trả cổ tức năm 2021 tỷ lệ 10% (chuyển giao ngày 30/9). Trước đó vào tháng 4, doanh nghiệp này cũng đã phát hành thêm 84,2 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho năm 2019 và 2020 với tỷ lệ 20%.

PV Drilling là một trong những doanh nghiệp lớn thuộc nhóm dầu khí trên thị trường chứng khoán. Ghi nhận tại báo cáo kết quả phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2021 ngày 16/8/2022, công ty có tổng cộng gần 47.000 cổ đông nắm giữ hơn 505 triệu cổ phiếu.

Kết phiên 31/8, cổ phiếu này giảm mạnh gần 4,2% về mức 20.700 đồng; thanh khoản đạt gần 14 triệu đơn vị. Với việc PVD bị cắt margin trên HoSE, PVD có thể xuất hiện nhịp điều chỉnh do các hoạt động bán giảm tỷ trọng của nhà đầu tư - đặc biệt là những nhà đầu tư đang sử dụng đòn bẩy margin tỷ lệ cao.

Diễn biến giá cổ phiếu PVD thời gian qua.

Trước đó, ngày 30/8, HoSE đã thông báo bổ sung 7 cổ phiếu vào danh sách không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ, gồm: ASP của Tập đoàn Dầu khí An Pha, BCE của Xây dựng và Giao thông Bình Dương, LEC của Bất động sản Điện lực Miền Trung, MHC của MHC, SBV của Siam Brothers Việt Nam, VDS của Chứng khoán Rồng Việt và VIP của Vận tải Xăng dầu Vipco.

Các cổ phiếu nêu trên bị cắt margin với cùng nguyên do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng năm 2022 là số âm.

Ngày 29/8, HoSE cũng thêm 2 mã ITA của Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo và AGM của Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) vào danh sách bị cắt margin. ITA đã vi phạm công bố thông tin từ 4 lần trở lên trong năm 2022 nên bị đưa vào diện cảnh báo. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 6 tháng của Angimex sau soát xét là số âm. Cụ thể, Angimex lỗ ròng 3 tỷ đồng giai đoạn này, riêng quý 2 âm 10 tỷ đồng chủ yếu do các khoản trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán 27,5 tỷ đồng.

Như vậy, tính đến ngày 31/8/2022, có tổng cộng 67 mã cổ phiếu bị HoSE thực hiện cắt margin, trong đó có thể kể đến một số gương mặt đáng chú ý như HAG, FLC, HVN, TGG, TDH, TTF, VIC, VOS, POM, OGC, CTI, DLG, AAM, ITA, VDS,...

Mới đây, Vingroup vừa công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên với doanh thu thuần 31.623 tỷ đồng, giảm 48%. Nguyên nhân chủ yếu do doanh thu chuyển nhượng bất động sản giảm 75,3% còn 9.058 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ Vingroup vẫn đạt 5.846 tỷ đồng, tăng 63,8% so với cùng kỳ. Như vậy, cổ phiếu VIC dự kiến chuẩn bị được cấp margin trở lại trong thời gian tới.

Một mã khác cũng sắp rời danh sách cắt margin là VNS của Ánh Dương Việt Nam (Vinasun). Sau 2 năm lỗ vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Vinasun đã có lãi trở lại trong nửa đầu năm 2022. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ hơn 68 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm hơn 95 tỷ đồng.

Margin hay đòn bẩy tài chính là việc vay tiền của công ty chứng khoán để đầu tư. Khi một cổ phiếu bị cắt margin, tức ngừng giao dịch ký quỹ, nhà đầu tư sẽ không thể vay tiền của công ty chứng khoán để mua cổ phiếu này.

Lợi ích khi dùng dịch vụ margin (đòn bẩy tài chính) là nhà đầu tư có thể mua được số lượng cổ phiếu nhiều hơn so với việc chỉ dùng vốn tự có. Tuy nhiên, nếu dự báo sai xu hướng giá cổ phiếu, việc sử dụng đòn bẩy sẽ tác dụng làm trầm trọng hơn khoản lỗ mà nhà đầu tư phải gánh chịu.

Thanh Ba

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/pvd-va-loat-co-phieu-quen-mat-tren-hose-bi-cat-cho-vay-ky-quy-post10705.html