Phường Xoan vào hội

PTĐT - Những ngày cuối năm, đình làng An Thái, xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì đông vui và tấp nập hơn ngày thường. Ngay từ sáng sớm, các bà, các chị trong phường Xoan đã đến quét dọn sân đình, chuẩn bị trang phục, đạo cụ dùng cho Hát Xoan, tập luyện nhuần nhuyễn các tiết mục được lựa chọn trình diễn tại hội đình sắp tới.

Bà Hà Thị Lịch – Nghệ nhân Nhân dân, trùm phường Xoan An Thái vui vẻ trao đổi với chúng tôi: Phường Xoan An Thái là một trong 4 phường Xoan gốc của tỉnh. Phường hiện có 107 thành viên gồm 5 thế hệ tiếp nối, trong đó thành viên nhỏ tuổi nhất là 6 tuổi và lớn tuổi nhất là 94 tuổi. Với mục đích bảo tồn, gìn giữ và tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về di sản văn hóa Hát Xoan, phường Xoan duy trì lịch sinh hoạt định kỳ vào thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, chia ca tập luyện với các đào Xoan, kép Xoan theo từng lứa tuổi. Bên cạnh đó, phường thường xuyên tổ chức các đoàn đi giao lưu, biểu diễn Hát Xoan tại các di tích lịch sử văn hóa, các sự kiện văn hóa trong và ngoài tỉnh… Tuy nhiên, chuẩn bị cho hội làng được tổ chức vào dịp đầu tháng Giêng âm lịch cũng như Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng, vào dịp cuối năm, phường Xoan tổ chức tập luyện thường xuyên hơn để các tiết mục được biểu diễn không chỉ đúng, đủ mà còn đẹp mắt và hấp dẫn…

Được biết, hội đình làng An Thái bắt nguồn từ truyền thuyết: Trong một chuyến du xuân, Vua Hùng cùng vợ đi qua làng An Thai (nay là làng An Thái, xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì) thì đau bụng dữ dội do đến ngày sinh nở. Tuy nhiên, bà đau mãi mà không sinh được. Lúc ấy trong làng có nàng Quế Hoa xinh đẹp, hát hay, múa giỏi nên được mời đến hát cho vợ vua nghe. Nghe nàng Quế Hoa hát, vợ Vua Hùng quên cả cơn đau và đi đến xã Cao Mại, huyện Lâm Thao thì sinh hạ được ba người con trai khôi ngô tuấn tú. Vì vậy, nhà vua đã mời nàng Quế Hoa ở lại trong cung truyền cho các mỵ nương học các điệu múa hát ấy để hát mừng trong dịp lễ hội mùa xuân... Từ đó đến nay, hằng năm, vào tối 30 tháng Chạp, dân làng An Thái mang lễ vật về miếu Cấm để xin phép sáng mùng Một được đón Vua về đình làng và xin được múa hát mừng năm mới. Từ sáng ngày mùng 1 Tết, dân làng An Thái chính thức vào hội và phường Xoan tổ chức trình diễn ở đình làng. Một cuộc trình diễn có 3 chặng. Chặng một là Hát nghi lễ với các bài ca ngợi công đức của các Vua Hùng, các vị thành hoàng làng, cầu mong Vua phù hộ cho dân làng một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Chặng hai là Hát quả cách với các bài ngợi ca thiên nhiên, con người, lao động sản xuất (phường nghề, phường củi, phường buôn, phường dệt vải). Chặng cuối cùng là Hát hội hay còn gọi là giao duyên, đối đáp giữa các cô đào của phường Xoan với các trai làng để bày tỏ tình yêu nam nữ. Trong không gian văn hóa đình làng, phường Xoan giao lưu với cộng đồng thưởng thức Xoan. Vào các kỳ tiệc lệ ngày mùng 7 tháng Giêng tưởng nhớ vị Đại vương và bà Quế Hoa – cụ tổ Hát Xoan, mùng 10-3 (lễ hội Đền Hùng) mùng 9 tháng 9 (âm lịch) – ngày hội làng, dân làng An Thái lại tiếp tục trình diễn Hát Xoan.

Với ý nghĩa về lịch sử, văn hóa nên người dân làng An Thái, xã Phượng Lâu đặc biệt coi trọng hội đình làng. Vì vậy, không chỉ tập luyện đầy đủ các bài Hát Xoan cổ, các đào Xoan, kép Xoan phải tập luyện nhuần nhuyễn cách sử dụng các đạo cụ cũng như thực hành các động tác trong bài Hát Xoan… Dù có những yêu cầu khá khắt khe để có được một tiết mục Hát Xoan hoàn hảo, hấp dẫn nhưng với niềm đam mê, tâm huyết của cả phường Xoan, hội đình làng An Thái năm nay hứa hẹn sẽ thu hút đông đảo bà con, du khách đến tham dự, trở thành địa điểm hấp dẫn, linh thiêng và là một điểm nhấn trong các chương trình văn hóa về với cội nguồn Đất Tổ…

Vĩnh HàTrình bày: Đinh Tú

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-hoc-nghe-thuat/202001/phuong-xoan-vao-hoi-168764