Phương tiện bay chạy điện – giải pháp cho tương lai của giao thông đô thị?

Trong số các màn trình diễn máy bay phản lực phòng không, máy bay chở khách và thiết bị hàng không công nghệ cao tại Triển lãm Hàng không quốc tế vừa diễn ra tại Singapore, các phương tiện vận tải hàng không chạy bằng điện đang được chú ý như là tương lai của giao thông đô thị. Một số hãng đang tìm cách thương mại hóa loại hình phương tiện mới mẻ này vào cuối thập kỷ.

Mô hình taxi bay eVTOL của Wisk Aero trưng bày tại Triển lãm Hàng không Singapore ngày 21.2.2024. Ảnh: Bloomberg

Giải pháp cho các vấn nạn giao thông

Các phương tiện cất cánh và hạ cánh thẳng đứng bằng điện, hay còn gọi là eVTOL (electric vertical take-off and landing) có thể được sử dụng làm taxi hàng không, phương tiện vận chuyển hàng hóa, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó y tế cũng như phương tiện cá nhân.

Trao đổi với CNBC tại cuộc triển lãm, ba trong số những tên tuổi lớn nhất đã tỏ ý ủng hộ eVTOL, trong đó có Supernal thuộc sở hữu của Tập đoàn Hyundai Group (Hàn Quốc), Wisk Aero do Boeing (Mỹ) hậu thuẫn và Eve Air Mobility thuộc sở hữu của Embraer (Brazil), đang tìm cách thương mại hóa loại hình phương tiện này vào cuối thập kỷ. Họ nhấn mạnh dịch vụ taxi hàng không cho phép di chuyển quãng đường ngắn qua các thành phố là một trong những ứng dụng tiềm năng đầu tiên của eVTOL.

“Đây sẽ là một cách khác để đi du lịch giữa các thành phố thay vì phải mắc kẹt trong ô tô suốt hai giờ trên quãng đường ra sân bay”, Johann Bordais, Giám đốc điều hành của Eve Air Mobility, nói với CNBC. Eve hiện đang thử nghiệm một nguyên mẫu “taxi bay” và đặt mục tiêu đưa mô hình này vào hoạt động vào năm 2026.

Trong khi đó, Supernal vào đầu năm nay đã trình làng nguyên mẫu eVTOL gọi là S-A2, được thiết kế để chở 4 hành khách cùng 1 phi công. Công ty có trụ sở tại Mỹ này hy vọng sẽ tung sản phẩm ra thị trường vào năm 2028.

Supernal trình làng nguyên mẫu eVTOL tại Triển lãm Điện tử Tiêu dùng ở Las Vegas, Nevada vào ngày 10.1.2024. Ảnh: AFP

Giám đốc điều hành của Supernal Jaiwon Shin nói với CNBC: “Chúng tôi có thể sử dụng cơ sở hạ tầng tương tự mà các nhà khai thác máy bay trực thăng hiện có”, đồng thời lưu ý rằng mặc dù các hoạt động có thể bắt đầu ở khu vực thành thị nhưng sẽ dần dần được mở rộng sang các tuyến đường phục vụ các thành phố vệ tinh.

Wisk Aero (trụ sở ở Mỹ, là công ty con của hãng Boeing) đang phát triển loại máy bay tự lái có các khả năng tương tự như S-A2 của Supernal.

Nhà phát triển eVTOL của Đức Lilium, do Tencent hậu thuẫn, đã thông báo tại Triển lãm hàng không Singapore rằng họ đã thành lập một tổ chức dịch vụ khách hàng cho ngành eVTOL với các dịch vụ như quản lý pin, bảo trì và hỗ trợ chuyến bay.

Thử nghiệm ở Mỹ, hướng tới châu Á

Các công ty cho biết họ sẽ tìm kiếm các chứng nhận quy định cũng như an toàn ở Hoa Kỳ để bắt đầu đưa các eVTOL vào lưu hành tại quốc gia này.

Catherine MacGowan, Phó chủ tịch khu vực Châu Á Thái Bình Dương và các hoạt động hàng không tại Wisk cho biết công ty đặt mục tiêu thâm nhập vào Hoa Kỳ vào cuối thập kỷ này, đồng thời lưu ý rằng Wisk cũng đang đàm phán với chính quyền ở Brisbane, Australia để thiết lập mạng lưới vận hành eVTOL.

“Chúng tôi đang tìm cách thiết lập và phát triển mạng lưới di chuyển ở Brisbane và các thành phố lân cận trước Thế vận hội Olympic. Điều đó thực sự thú vị”, bà MacGowan cho biết, Brisbane sẽ đăng cai Thế vận hội 2032.

Ngoài ra, theo bà MacGowan, công ty còn bắt tay với hãng hàng không Japan Airlines để phát triển hoạt động tại Nhật Bản và các nước khác ở châu Á - khu vực đang được ngành công nghiệp eVTOL xem là thị trường có tiềm năng cao.

Về phần mình, Supernal cho biết sẽ xem xét mở rộng sang Hàn Quốc, với sự hỗ trợ của gã khổng lồ ô tô Hyundai Motor Group. Hãng hàng không lớn nhất Hàn Quốc Korean Air đã ký thỏa thuận với Supernal vào tháng 10 để xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết cho việc đi lại bằng đường hàng không trong đô thị và thương mại hóa phương tiện eVTOL của Supernal tại Hàn Quốc.

Giám đốc Supernal, Jaiwon Shin lưu ý rằng Sân bay Quốc tế Incheon, sân bay quốc tế chính của Hàn Quốc, cũng bày tỏ sự quan tâm đến các dịch vụ của Supernal.

Thách thức về hạ tầng

Bất chấp những diễn biến tích cực trên, một số chuyên gia chỉ ra rằng ngành công nghiệp eVTOL vẫn đối mặt một số thách thức ở châu Á, như phát triển một hệ sinh thái để hỗ trợ eVTOL hoạt động rộng rãi.

Cabin của một phương tiện eVTOL do Eve Air phát triển được trưng bày tại Triển lãm hàng không quốc tế Paris vào ngày 20.6.2023. Ảnh: AFP

Alan Lim, Giám đốc của Công ty tư vấn hàng không Alton, cho biết: “Châu Á có nhiều cơ quan quản lý hỗ trợ - ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand nhưng châu Á cũng có những thách thức bao gồm phát triển hệ sinh thái để hỗ trợ các hoạt động eVTOL rộng rãi”.

Về phương diện này, Giám đốc Supernal cho biết, ông kỳ vọng thị trường eVTOL sẽ giống ngành công nghiệp ô tô hơn với sự chia sẻ thị phần của nhiều tập đoàn, chứ không giống “ngành hàng không thương mại, nơi Boeing và Airbus gần như thống trị thị trường toàn cầu”.

Alan Lim lưu ý rằng với nhiều loại hình thiết kế và mục đích sử dụng eVTOL, sẽ không một yếu tố hình thức đơn lẻ nào có thể thống trị thị trường, không giống như lĩnh vực hàng không thương mại. “Do đó, chúng tôi đồng ý rằng ngành này sẽ giống ngành công nghiệp ô tô hơn, nơi sẽ có một số nhà sản xuất eVTOL lớn và nhỏ cùng tồn tại, một số có khả năng tìm thấy các khu vực thích hợp và trường hợp sử dụng cho xe của họ”.

Quỳnh Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/phuong-tien-bay-chay-dien--giai-phap-cho-tuong-lai-cua-giao-thong-do-thi--i361181/