Phương Tây ồ ạt bơm vũ khí, Ukraine mò mẫm tìm cách sử dụng

Quá trình chuyển giao vũ khí tiên tiến của phương Tây tới Ukraine thậm chí còn diễn ra nhanh hơn việc lực lượng nước này học cách sử dụng chúng, khiến Kyiv rơi vào thế khó.

Kể từ khi Nga phát động “chiến dịch quân sự” tại Ukraine, NATO đã cung cấp cho Kyiv ngày càng nhiều vũ khí tiên tiến hơn. Họ cũng hứa hẹn sẽ viện trợ thêm nữa, chẳng hạn Mỹ hứa cung cấp hệ thống tên lửa phóng loạt, theo New York Times.

Tuy nhiên, việc huấn luyện quân đội sử dụng những vũ khí này đã trở thành một trở ngại lớn. Đó là điều mà trung sĩ Dmytro Pysanka và đồng đội của ông phải đối mặt hàng ngày ở miền Nam Ukraine.

"Không ai biết cách sử dụng"

Qua ống ngắm của khẩu pháo chống tăng cũ, trung sĩ Pysanka sẽ nhìn thấy nhiều con số và dòng chữ. Nếu hiểu chính xác những thông tin này, ông sẽ có những tính toán cần thiết để nhằm vào lực lượng Nga. Tuy nhiên, lỗi sẽ thường xuyên xuất hiện giữa những hỗn loạn của cuộc giao tranh.

Hơn một tháng trước, đơn vị của ông đã nhận được công cụ tiên tiến hơn nhiều: Máy đo khoảng cách bằng laser hiện đại do phương Tây cung cấp để giúp xác định mục tiêu. Tuy nhiên, một trở ngại đã xuất hiện: Không ai biết cách sử dụng nó.

“Nó giống như được tặng một chiếc iPhone 13 và chỉ có thể gọi điện thoại”, trung sĩ Pysanka bức xúc. Ông cho biết công cụ đo khoảng cách này, với tên gọi JIM LR, giống như một cặp ống nhòm công nghệ cao và có thể nằm trong lô thiết bị do Mỹ viện trợ.

Binh sĩ Ukraine họp tại một căn cứ gần pháo chống tăng. Ảnh: New York Times.

Đây dường như là một sự lựa chọn hoàn hảo để lực lượng Ukraine có thể sử dụng khẩu pháo chống tăng tốt hơn. Nó có thể xác định mục tiêu vào ban đêm và thông báo khoảng cách, hướng la bàn và tọa độ GPS của họ. Một số binh sĩ đã học được cách vận hành thiết bị này, nhưng sau đó đã luân chuyển đi nơi khác trong những ngày gần đây.

“Tôi đã cố gắng học cách sử dụng nó bằng cách đọc sách hướng dẫn bằng tiếng Anh và sử dụng Google Dịch”, trung sĩ Pysanka nói.

Các vũ khí mới tiên tiến nhất của Ukraine tập trung ở khu vực Donbas, nơi diễn ra các cuộc giao tranh dữ dội nhất với lực lượng Nga. Trong khi đó, lãnh đạo Ukraine thường xuyên yêu cầu các loại vũ khí và thiết bị tiên tiến của phương Tây.

Tuy nhiên, trước các yêu cầu về vũ khí, quân đội Ukraine cần biết cách sử dụng chúng. Nếu không được đào tạo thích hợp, vấn đề mà đơn vị của trung sĩ Pysanka phải đối mặt sẽ còn lan rộng trên quy mô lớn hơn nhiều.

“Ukraine rất háo hức sử dụng thiết bị phương Tây, nhưng chúng đòi hỏi phải được đào tạo để vận hành”, Michael Kofman, thuộc viện chính sách CNA (Mỹ), cho biết.

Mỹ và các nước NATO khác đã đào tạo kỹ lưỡng cho quân đội Ukraine trong nhiều năm trước xung đột, song không phải liên quan tới một số vũ khí tiên tiến mà họ đang gửi. Các quan chức quân sự Mỹ cho biết từ năm 2015 đến đầu năm nay, Mỹ đã huấn luyện hơn 27.000 binh sĩ Ukraine tại Trung tâm Huấn luyện Chiến đấu Yavoriv gần Lviv.

Kể từ khi xung đột bắt đầu, Mỹ cam kết viện trợ khoảng 54 tỷ USD cho Ukraine, cũng như cung cấp hàng loạt vũ khí và thiết bị tiên tiến. Điện Kremlin sau đó đã nhanh chóng lên án động thái này.

Áp lực đối với Ukraine

Tuy nhiên, để tránh một cuộc đối đầu trực tiếp với Nga, chính quyền Tổng thống Joe Biden cho đến nay vẫn từ chối cử các cố vấn quân sự trở lại Ukraine để huấn luyện lực lượng sử dụng các hệ thống vũ khí mới. Thay vào đó, họ hỗ trợ đào tạo dựa trên các chương trình ở bên ngoài nước này.

Điều này đã gây áp lực rất lớn lên những người lính Ukraine như trung sĩ Andriy Mykyta, một thành viên của lực lượng bảo vệ biên giới của đất nước. Trước khi chiến sự bắt đầu, ông đã được đào tạo ngắn hạn bởi các cố vấn NATO về vũ khí chống tăng tiên tiến của Anh, được gọi là NLAWs.

Hiện tại, ông đang gấp rút huấn luyện cho đồng đội của mình cách sử dụng chúng ở nơi tiền tuyến. Trong nhiều trường hợp, binh lính Ukraine đã học cách sử dụng một số vũ khí, bao gồm NLAW, qua các video trực tuyến và thực hành.

“Song có những loại vũ khí mà bạn không thể học được từ trực giác: Tên lửa đất đối không, pháo và một số thiết bị. Vì vậy, chúng tôi cần các khóa học chính thức”, trung sĩ Mykyta nói.

Một binh sĩ Ukraine đang ngụy trang cho pháo chống tăng. Ảnh: New York Times.

Đơn vị của trung sĩ Pysanka chỉ có một người hướng dẫn cách sử dụng công cụ đo khoảng cách. Tuy nhiên, họ vẫn phải thử nghiệm qua những sai lầm để tìm ra tổ hợp các nút bấm có chức năng gì, đồng thời tìm ra các giải pháp để giải quyết việc thiếu tripod và màn hình video, vốn đều được đề cập trong sách hướng dẫn.

Với trọng lượng gần 3 kg, nó nhỏ hơn nhiều so với lựu pháo M777 155 mm nặng 4 tấn rưỡi do Mỹ cung cấp gần đây. Song cả hai thiết bị đều có nhiều phức tạp.

Các sĩ quan Ukraine cho biết M777 rất cơ động và có tầm bắn xa, nhưng việc huấn luyện đã trở thành điểm nghẽn trong việc sử dụng lựu pháo này.

Bên cạnh đó, việc bảo dưỡng vũ khí tại các chiến tuyến khó tiếp cận tại Ukraine cũng rất khó khăn. Việc sử dụng cờ lê hệ mét của Ukraine đối với lựu pháo này sẽ rất khó và có nguy cơ làm hỏng thiết bị.

JIM LR, có khả năng hiển thị dữ liệu giúp nhắm mục tiêu chính xác, cung cấp thông tin ở định dạng được NATO sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, trung sĩ Pysanka cần phải chuyển đổi sang hệ tọa độ thời Liên Xô, vốn được sử dụng trên bản đồ của Ukraine. Khả năng xảy ra lỗi sẽ tăng lên, đặc biệt là khi chịu sức ép của một loạt pháo binh Nga.

Hiện tại, trung sĩ Pysanka tập trung vào việc học cách sử dụng công cụ đo khoảng cách. Tại khu vực của ông, vũ khí và thiết bị do phương Tây cung cấp chỉ giới hạn ở một số lượng nhỏ tên lửa chống tăng và bộ dụng cụ sơ cứu.

“Những gì Ukraine nhận được, chúng tôi chỉ có thể nhìn thấy trên tivi. Nhưng chúng tôi tin rằng không sớm thì muộn, nó sẽ xuất hiện ở đây”, thiếu tá Roman Kovalyov, phó chỉ huy đơn vị của trung sĩ Pysanka, cho biết.

Video Su-34 Nga bắn tên lửa vào cơ sở hạ tầng quân sự Ukraine Bộ Quốc phòng Nga ngày 6/6 tung video máy bay Su-34 của quân đội nước này xuất kích bắn tên lửa để phá hủy cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine trong “chiến dịch đặc biệt”.

Vân Đinh

Theo New York Times

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phuong-tay-o-at-bom-vu-khi-ukraine-mo-mam-tim-cach-su-dung-post1324244.html