Phương Tây hẹp cửa phản ứng sau tuyên bố mới của Nga

Diễn biến chiến sự tại Ukraine và tuyên bố từ Moscow trong tuần qua đã làm dấy lên những tranh cãi về nguy cơ xảy ra xung đột hạt nhân giữa Nga và phương Tây.

Câu hỏi được đặt ra trong tuần qua là các nhà lãnh đạo phương Tây sẽ phản ứng như thế nào khi Nga có những động thái mới, đặc biệt sau cảnh báo về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân từ Moscow, theo AP.

Trước mắt, việc tăng cường các lệnh trừng phạt kinh tế và nỗ lực cô lập Nga sẽ được phương Tây tính đến, cũng như tiếp tục viện trợ thêm vũ khí cho Ukraine.

Tuy vậy, việc thực hiện trên thực tế sẽ không dễ dàng. Việc khiến các đồng minh đồng thuận về một lệnh trừng phạt vốn đã khó khăn. Ngoài ra, tình hình tài chính toàn cầu cũng như gián đoạn nguồn cung năng lượng cũng đã là bài toán đau đầu với nhiều quốc gia châu Âu.

Sau tuyên bố từ Moscow, các quan chức tại Mỹ đã cảnh báo sẽ có những phản ứng cứng rắn, dù vậy vẫn chưa có tuyên bố nào đi sâu vào chi tiết.

“Những gì họ làm sẽ quyết định phản ứng nào sẽ xảy ra”, Tổng thống Mỹ Biden nói, nhấn mạnh phản ứng của Washington sẽ để lại hậu quả với Moscow.

Căng thẳng từ những tuyên bố trong tuần qua xuất hiện sau khi Ukraine tuyên bố có những đợt phản công ở Ukraine. Phía Nga cho rằng những đợt phản công của Kyiv không ảnh hưởng đến cục diện trong "chiến dịch quân sự" của Moscow. Ngoài ra, đây cũng là thời điểm 4 vùng ly khai ở Ukraine tổ chức trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào Nga.

Thế giằng co

Đài RT (Nga) dẫn tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói rằng Nga không đe dọa bất cứ quốc gia nào bằng vũ khí hạt nhân, song kêu gọi Mỹ không can thiệp vấn đề Ukraine.

Ông Ryabkov cho biết Nga đang cảnh báo phương Tây rằng có những "nguy cơ" đối với sự can thiệp của họ vào Ukraine và hối thúc Mỹ "tránh tình huống có thể dẫn đến đụng độ quân sự trực tiếp với Nga".

Hôm 21/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết sẽ dùng “mọi phương tiện sẵn có” để ngăn chặn những thách thức với Moscow.

Tổng thống Vladimir Putin họp trực tuyến với Hội đồng An ninh Nga hôm 23/9. Ảnh: Sputnik.

"Khi sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước bị đe dọa, tất nhiên chúng tôi sẽ sử dụng tất cả phương tiện để bảo vệ đất nước và nhân dân Nga. Tôi không nói suông đâu", nhà lãnh đạo Nga tuyên bố.

Bà Rose Gottemoeller, cựu Phó tổng thư ký NATO, nhận định Washington nhiều khả năng sẽ không có động thái leo thang nếu Moscow chỉ phát động một vụ tấn công hạt nhân giới hạn, quy mô nhỏ. "Chắc chắn, họ (Mỹ) sẽ không phản ứng lại điều đó bằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân", bà nói.

Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cho biết đang thảo luận các lệnh trừng phạt mới để đối phó với động thái từ Moscow. Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại EU Josep Borrell tuyên bố Nga sẽ phải chịu trách nhiệm cho các hành động tại Ukraine.

Dù vậy, những tuyên bố chính trị đôi khi là phần dễ. Hiện chưa biết rõ phương Tây sẽ sử dụng biện pháp gì. Các đòn trừng phạt kinh tế cũng gây tổn thất cho kinh tế châu Âu khi lạm phát và giá năng lượng tăng.

Chờ động thái của phương Tây

Đợt trừng phạt gần nhất của EU nhằm vào Nga được thông báo từ ngày 4/5, nhưng phải mất 4 tuần để toàn bộ thành viên đồng thuận, khi có những tranh cãi về nguồn cung dầu đã chia rẽ các nước.

Đến tháng 7, một thông báo về các biện pháp điều chỉnh được đưa ra, phần lớn nhằm khỏa lấp những hạn chế của biện pháp trừng phạt trước đó, thay vì một đợt trừng phạt mới.

Ông Josep Borrell nói rằng lệnh trừng phạt kế tiếp sẽ nhắm vào các lĩnh vực mới trong nền kinh tế của Nga, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ.

Ngoài ra, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng có những tuyên bố cứng rắn. Bà cho hay EU sẵn sàng áp thêm lệnh trừng phạt kinh tế vào Nga, các cá nhân và thực thể ủng hộ Moscow về kinh tế và xã hội. "Chúng tôi cũng sẽ đề xuất kiểm soát xuất khẩu công nghệ dân sự từ Moscow”, bà von der Leyen nói với CNN.

Ngoài kinh tế, EU cũng đã trừng phạt và đóng băng tài sản của nhiều công dân Nga, bao gồm nhiều nhân vật quan trọng tại Điện Kremlin hay lãnh đạo các tập đoàn nhà nước.

Về quân sự, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong tháng này nói rằng NATO đang làm việc với các doanh nghiệp quốc phòng để tăng cường sản xuất vũ khí đáp ứng nhu cầu cho Ukraine cũng như đảm bảo kho vũ khí cho các đồng minh đã viện trợ Kyiv.

Tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia của Mỹ. Ảnh: Hải quân Mỹ.

“Chúng ta đã thấy trong khủng hoảng Covid-19, các công ty đã tăng cường sản xuất vaccine. Bây giờ chúng ta cần một cách tiếp cận tương tự với việc nhanh chóng sản xuất vũ khí và đạn dược”, ông nói.

Trong khi đó, Mỹ vẫn duy trì sự mơ hồ nhất định về cách họ sẽ phản ứng như thế nào nếu có bên sử dụng vũ khí hạt nhân trong xung đột. Dù vậy, việc sử dụng vũ khí hạt nhân có thể đưa thế giới trở về giai đoạn sau Thế chiến II.

Nhưng các bình luận công khai từ các quan chức Mỹ phù hợp với dự đoán của các chuyên gia quân sự rằng phản ứng từ Washington sẽ dựa trên hành động cụ thể của Moscow. Việc sử dụng vũ khí hạt nhân hạn chế có thể khiến Nga bị cô lập, nhưng chưa đủ để phương Tây phải dùng năng lực hạt nhân đáp trả.

Hôm 18/9, đài RT dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng học thuyết hạt nhân của Nga là hoàn toàn rõ ràng và xung đột tại Ukraine không đủ điều kiện để Nga sử dụng vũ khí hạt nhân. Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu hồi tháng 8 cũng bác bỏ những tuyên bố rằng Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân tại Ukraine - ông cho rằng không có mục tiêu phù hợp để làm vậy.

Bà Rose Gottemoeller nói rằng Moscow sẽ rất khó phát động một cuộc tấn công hạt nhân vào Mỹ hay đồng minh NATO.

Bà cho hay một kịch bản có thể được Nga sử dụng là tấn công phá hủy vào khu vực biển Đen hoặc nhắm vào mục tiêu quân sự của Ukraine, với kỳ vọng đồng minh phương Tây của Kyiv sẽ phải nhượng bộ.

Trần Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phuong-tay-hep-cua-phan-ung-sau-tuyen-bo-moi-cua-nga-post1358945.html