Phương Tây chống Nga trong tư cách kẻ yếu?

Chuyên gia Nga cho rằng, nỗ lực bêu riếu Nga trên truyền thông là hành động phản tác dụng của phương Tây, thể hiện tư thế của “kẻ yếu”.

Ngăn cấm truyền thông Nga là hành động của kẻ yếu ớt

Ủy ban Ngoại giao Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua dự thảo Nghị quyết "Chiến lược truyền thông EU như những biện pháp đối phó tuyên truyền từ bên thứ ba". Và như thường lệ, 2 hãng thông tấn nổi tiếng của Nga là Rossiya Segodnya và Sputnik trở thành đối tượng phân biệt đối xử ở Liên minh châu Âu.

Tài liệu được công bố trên trang web của EP chỉ ra rằng, Nga đang tiến hành cuộc chiến thông tin nhằm vào EU với “sự khai thác trên diện rộng các công cụ và phương tiện truyền thông". Theo họ, mục đích của cuộc chiến tranh thông tin của Nga là nhằm chia rẽ châu Âu.

Trong đó, các nghị sĩ Liên minh châu Âu đã đề cập đến các vũ khí truyền thông của Nga như Quĩ Thế giới Nga, các phương tiện truyền thông đa ngôn ngữ, đa phương tiện (ví dụ như Russia Today hay Sputnik hoặc Rossiya Segodnya) và thậm chí là cả… Giáo hội Chính Thống Nga.

Một trong những công cụ đối phó với "hoạt động tuyên truyền từ Nga" được EU đề xuất là thành lập một đơn vị chuyên trách chống cuộc “chiến tranh thông tin của Nga”, nằm trong cấu trúc của cơ quan đối ngoại châu Âu với "đội ngũ nhân viên và các nguồn ngân sách phù hợp".

Bình luận về vấn đề này, thành viên Hội đồng quản trị Hiệp hội Các chuyên gia chính trị và tư vấn, Giáo sư Lý luận chính trị MGIMO Kirill Koktysh chỉ ra rằng, tài liệu mới soạn thảo của EP có nhiệm vụ gây mất uy tín cho các phương tiện truyền thông Nga.

Vị chuyên gia Nga cho rằng, những động thái đả kích như vậy, trước hết đã cho thấy hoạt động tuyên truyền của phương Tây là kém thuyết phục. Hơn nữa, sự chống đối kịch liệt này là hành động thường thấy của những kẻ yếu hơn đang trong cơn giãy giụa.

Nga cho rằng, “cơn cuồng chống Nga” là hành động của kẻ yếu

Ông nhấn mạnh, phương Tây đã tự cho thấy sự yếu ớt của các phương tiện truyền thông của mình, mặc dù đã được đầu tư rất nhiều tiền của, trong khi đó, nguồn tài trợ của truyền thông Nga không thể so bì với truyền thông phương Tây, nhưng những chiến dịch được họ tung ra mạnh mẽ hơn nhiều.

Vị giáo sư Nga cho rằng, Nghị quyết của Nghị viện châu Âu mang bản chất tuyên truyền, với mục đích khoét sâu hơn sự phân cực giữa châu Âu và Nga. Thế nhưng, chiến dịch do phương Tây tiến hành chỉ càng làm tăng thêm lòng tin của dư luận vào các phương tiện truyền thông Nga.

"Khi dư luận vỡ lẽ rằng, các phương tiện truyền thông Nga có tiếng nói mạnh mẽ như vậy, dĩ nhiên mối quan tâm từ họ sẽ càng được nâng lên. Mặt khác, những công thức và định kiến mà tuyên truyền phương Tây tìm cách gieo vào nhận thức của người châu Âu ngày càng được tiếp nhận như thông tin đáng ngờ và thiếu chính xác - ông Koktysh nói.

Do đó, EP đã buộc phải tìm cách bù đắp sự mất mát lòng tin vào phương tiện truyền thông phương Tây bằng nỗ lực hằn sâu hơn sự phân cực giữa họ với Nga. Nhưng nỗ lực như vậy chỉ làm cho niềm tin vào các cấu trúc của Liên minh châu Âu ngày càng thêm lung lay.

Chính khách phương Tây “ghi điểm” bằng cách chĩa mũi nhọn vào Nga

Vừa qua, tài liệu do trang web Wikileaks công bố cho thấy, các cố vấn của ứng viên tổng thống Mỹ thuộc đảng Dân chủ là bà Hillary Clinton đã khuyến khích vị cựu ngoại trưởng Mỹ nên gia tăng chỉ trích hành động của Nga ở Syria, để bà có vẻ “mạnh mẽ” hơn trong mắt các cử tri.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/phuong-tay-chong-nga-trong-tu-cach-ke-yeu-3320787/