Phương pháp dạy Lý độc, lạ và hiệu quả của thầy giáo Phạm Trung Dũng

Nói về “vua trắc nghiệm” Phạm Trung Dũng, nhiều học trò vẫn không giấu nổi sự kính trọng và biết ơn. Bởi không chỉ dạy các em những kiến thức Vật lý bổ ích, thầy Dũng còn khơi dậy ngọn lửa đam mê và lòng tự tin cho mỗi học trò.

Hẹn gặp thầy khi kỳ thi THPT quốc gia và thi Đại học vừa kết thúc nhưng chúng tôi vẫn thấy thầy Dũng miệt mài trong những bài giảng cho các học trò. Thầy bảo: “Nhiều phụ huynh và học sinh đã có định hướng sớm nên các em đã theo các lớp học trường kỳ từ giữa năm lớp 11 để các em thêm vững kiến thức và tăng cường thời gian luyện đề từ 8 đến 10 tháng trước khi thi”. Không quản ngại khó khăn, thầy Phạm Trung Dũng vẫn đứng lớp để ôn luyện cho các học trò của mình.

Thầy Phạm Trung Dũng (hàng thứ nhất, thứ tư từ phải sang) cùng học trò

Dành chút thời gian nghỉ giải lao, thầy Dũng chia sẻ với chúng tôi: Vật lý là môn học thầy yêu thích từ thời học THCS. Sau đó, thầy lựa chọn Đại học Sư phạm Hà Nội là nơi ươm mầm giấc mơ của mình. Những năm tháng sinh viên ấy, Phạm Trung Dũng đi dạy thêm rất nhiều. Bởi theo thầy Dũng, công việc gia sư vừa giúp Dũng có thêm thu nhập, củng cố được kiến thức, vừa tích lũy thêm kinh nghiệm giảng dạy. Khi đã xác định giảng dạy là cái nghiệp của mình, thầy tiếp tục học lên chương trình Thạc sỹ cũng tại ngôi trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Từ ngày đầu tiên gắn bó với nghề dạy học, đến nay thầy đã có hơn 16 năm kinh nghiệm luyện thi đại học cho các em học sinh ở cả trong và ngoài thành phố Hà Nội. Nhờ sự chỉ bảo và dìu dắt của thầy, nhiều em đã đạt được ước mơ vào trường Đại học danh tiếng như: Đại học Bách Khoa, Đại học Ngoại Thương, Học viện Ngân Hàng, Đại học Kinh tế Quốc dân…

Trầm ngâm một chút, thầy Dũng tiếp tục chia sẻ với chúng tôi những trăn trở trong giáo dục. Qua lời thầy chúng tôi hiểu trước đây có rất nhiều trung tâm luyện thi mọc lên. Nhưng qua sóng gió thời gian, số lượng trung tâm luyện thi uy tín chất lượng hiện nay chỉ còn được vài địa chỉ. Điều gì đã giúp số ít trung tâm ôn luyện đó có thể “sống và phát triển” đến tận bây giờ? Câu trả lời nằm ở phương pháp giảng dạy và cách thức truyền đạt kiến thức cô đọng và hiệu quả. Một số trung tâm số lượng học sinh mỗi lớp có thể lên đến hàng trăm học sinh. Hiệu quả học tập tại những trung tâm trên sẽ không cao do lớp quá đông, các giáo viên không thể sát sao tới từng học trò mà chủ yếu dựa trên tinh thần tự giác cao độ của các học trò.

Luyện thi đông sẽ không hiệu quả

Mỗi thầy cô đều có một cách truyền tải kiến thức khác nhau nhưng hiếm có người thầy nào lại có phương pháp dạy độc, lạ và hiệu quả như thầy Phạm Trung Dũng. Sự khác lạ đó nằm từ khâu tuyển sinh đến khâu thông báo kết quả. Mối quan hệ tam giác: thầy giáo – học sinh – phụ huynh được thầy Dũng phát huy tối đa.

Đầu tiên, về việc tuyển sinh, khác với những trung tâm khác, học sinh thích là sẽ được học. Nhưng với lớp nhóm của thầy Dũng, phụ huynh phải đến xin học cho con thì học sinh đó mới được học. Thầy Dũng tận tâm nhưng cũng hết sức nghiêm khắc. Thầy chỉ dạy cho những trò thực sự cần và khát khao có được kiến thức phục vụ cho kỳ thi. Nếu không mong muốn được đi học và coi trọng việc học thì học trò sẽ không thể tập trung cao độ trong mỗi tiết học. Nếu học trò nào đi muộn 15 phút hoặc nghỉ học không có sự đồng ý của cha mẹ, thầy sẽ nhắn tin cho phụ huynh. Mọi thông tin về thành tích, điểm số của học sinh sẽ được gửi về cho phụ huynh qua sổ liên lạc là thư điện tử. Do đó, dù ở nhà, cha mẹ cũng quản lý được việc học thêm và kết quả của các em.

Trong trường hợp, học sinh không làm bài tập về nhà, thầy Dũng sẽ bắt ở lại lớp làm cho kỳ xong mới được nghỉ. Thầy quan niệm: việc học, đặc biệt là học môn Vật lý mà không nhiệt tình và nghiêm túc thì sẽ không thể đạt hiệu quả cao. Vì bản chất của bộ môn này bao gồm nhiều công thức phức tạp, các công thức lại liên quan đến nhau như chuỗi mắt xích. Chỉ cần học trò không vững mắt xích nào là sẽ yếu cả một “dây chuyền” kiến thức.

Để đạt được hiệu quả cao trong học Lý cũng như học các môn tự nhiên khác, thầy Dũng muốn các em phải có một trí nhớ tốt. Đó là lý do vì sao khi nhận học sinh, thầy Dũng thường có một bài sát hạch đầu vào. Nhưng bài kiểm tra đó không phải làm trên giấy mà bằng hình thức vấn đáp. Điều quan trọng thầy không vấn đáp kiến thức mà là tố chất và phản xạ của mỗi học trò. Các câu hỏi học trò chỉ là những vấn đề bình thường trong cuộc sống hàng ngày để xem các em có nhớ tốt không, tưởng tượng được không, phản xạ nhanh nhẹn không? Trong quá trình giảng dạy, thầy thường nhìn vào mắt học trò để nắm bắt sự tự tin nắm bắt kiến thức, sự thỏa mãn khi làm được bài hay là sự chưa hiểu rõ ví dụ trong học tập. Vì đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, nhìn vào đôi mắt là nhìn vào cả một thế giới nội của học trò.

Số lượng học trò trong lớp của thầy Dũng được khống chế dưới 30 em/lớp

Khi đã nhận học trò, thầy Dũng sẽ có trách nhiệm bồi bổ kiến thức, rèn luyện đạo đức và hướng dẫn các em cách làm bài thi nhanh, hiệu quả và chính xác nhất. Thầy phân chia các em ra thành lớp cùng trình độ. Mỗi lớp có tối đa 30 học trò. Hình thức phân lớp này giống với mô hình lớp chất lượng cao của một số trường Đại học như: Đại học Quốc gia, Đại học Bách Khoa, Đại học Sư phạm… Dạy đại trà đông học sinh sẽ khiến các em không chủ động được việc học và không thể giải đáp khó khăn, thắc mắc của từng trò trong quá trình học. Vì vậy, thầy Phạm Trung Dũng cho rằng dạy học theo mô hình lớp chất lượng cao sẽ hiệu quả hơn cho các em ôn thi đại học. Một mặt, các em sẽ có sự tập trung nhất định trong giờ học. Mặt khác, thầy sẽ quan tâm sát sao hơn tới các em, biết em nào yếu, hổng kiến thức chỗ nào để kịp thời bù đắp.

“Vua trắc nghiệm” không phải là một hư danh mà mọi người đặt cho thầy Phạm Trung Dũng. Danh hiệu đó xuất phát từ phương pháp dạy nhanh nhớ lâu mà thầy dạy cho học trò. Phương pháp này sẽ giúp học sinh tiếp cận với lối tư duy logic, suy luận chặt chẽ theo phương pháp trắc nghiệm tạo nên những trải nghiệm thú vị để học sinh thấy “học lý không hề khó”. Vật lý vốn có nhiều kiểu bài và công thức, thầy Dũng đã dành thời gian nghiên cứu và hệ thống lại kiến thức một cách dễ hiểu. Thầy chia nhỏ, phân nhóm các dạng bài. Để giúp học trò nhớ lâu các công thức lớn, thầy Dũng phân nhóm các công thức, dạy các em cách nhớ bài lâu, chỉ ra mối quan hệ giữa các nhóm công thức. Vì vậy, chỉ cần nhìn vào một công thức, các em có thể suy ra cả nhóm rất nhiều công thức khác nhau ở các chương khác nhau. Ngoài ra, thầy còn “mách nhỏ” cho các học trò của mình một loạt phương pháp tính nhanh, nhẩm nhanh và cách nhớ bộ số liệu chuẩn một cách hiệu quả. Chính những phương pháp ấy đã giúp các em làm chủ được kiến thức của mình, xóa bỏ nỗi sợ môn Vật lý và tự tin hơn trong mỗi kỳ thi.

Sổ liên lạc và tờ phiếu nộp bài tập về nhà trước mỗi buổi học

Nếu học trò nào chưa hiểu, thầy còn lấy ví dụ thực tiễn chứng minh để các em hiểu bản chất của vấn đề. Điều tối kỵ trong cách dạy của thầy Dũng là “cưỡi ngựa xem hoa”. Học trò nào không nghiêm túc thầy sẵn sàng cho nghỉ. Thầy cũng không bao giờ phụ thuộc vào giáo án trong suốt quá trình giảng dạy. Mọi kiến thức được diễn giải một cách tự nhiên nên tạo thiện cảm cho người tiếp nhận.

Đặc biệt, thầy không chỉ dạy môn Lý, ngoài những giờ học, thầy còn dành thời gian để học trò gắn kết thành một tập thể trao đổi các môn Toán, Hóa với nhau. “Học thầy không tày học bạn”, những buổi trao đổi trực tiếp như vậy sẽ khiến các em vỡ vạc ra nhiều điều. Đôi khi, thầy Dũng còn trở thành người bạn tâm sự của các em để các em chia sẻ những điều khó có thể nói với cha mẹ và bạn bè. Những lúc ấy, thầy lại như một người anh: thân thiện, nhẹ nhàng đưa cho các em những lời khuyên, cách giải quyết kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc khiến các em bận lòng.

Chính vì sự cống hiến hết mình cho nghề và sự tận tâm, nhiệt tình với học sinh nên thầy giáo Phạm Trung Dũng đã trở thành nơi gửi gắm con em đầy tin tưởng của các bậc phụ huynh. Nhiều phụ huynh ở tận Hải Dương, Hưng Yên, Hoài Đức, Đông Anh… cũng không quản ngại đường xa đến nhờ thầy giúp đỡ. Thiết nghĩ, nếu nước Việt ta có nhiều người thầy giáo tận tâm tận lực và có phương pháp dạy hay như thầy Phạm Trung Dũng thì nền giáo dục đất nước sẽ tiến bộ và thành công đến dường nào. Mong sao thầy sẽ có thật nhiều sức khỏe và sức trẻ để tiếp sức nhiều hơn nữa cho ước mơ đại học của các thế hệ học trò.

Kiều Linh – Lê Cường

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/giao-duc/phuong-phap-day-ly-doc-la-va-hieu-qua-cua-thay-giao-pham-trung-dung-114982