Phương án cắm cọc mốc lộ giới các tuyến đường tỉnh theo quy hoạch

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành quyết định về việc phê duyệt phương án cắm cọc mốc lộ giới các tuyến đường tỉnh theo quy hoạch. Tổng kinh phí thực hiện khoảng 7,5 tỷ đồng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo đó, thực hiện cắm mốc lộ giới theo quy hoạch 19 tuyến đường, có tổng chiều dài 339,03km. Cụ thể gồm:

Đường Thăng Long - Xuân Thái - đường Nghi Sơn - Bãi Trành (ĐT.505B), chiều dài L=35,2km;

Đường Xuân Thiên - Ngọc Phụng (ĐT.506E), chiều dài L= 19,05km;

Đường Thiệu Lý - Đông Hoàng (ĐT.515B), chiều dài L= 4km;

Đường Đu - Thọ Vực - thị trấn Triệu Sơn (ĐT.515C), chiều dài 16,8km (đoạn Thọ Vực đi thị trấn Triệu Sơn);

Đường Yên Bái - Ấn Đỗ (ĐT.518), chiều dài L= 22,7km;

Đường Yên Trường - thị trấn Thống Nhất - Xuân Tín (ĐT.518C), chiều dài L= 31,5km;

Đường Cao Thịnh - Quang Trung (ĐT.518D), chiều dài L= 17,6km;

Đường thị trấn Ngọc Lặc - Thiết Ống (ĐT.518E), chiều dài L= 33,4km;

Đường thị trấn Yên Cát - Xuân Khang (ĐT.520C), chiều dài L= 18,92km;

Đường thị trấn Yên Cát - Thanh Quân (ĐT.520D), chiều dài L= 27,10km;

Đường Thanh Xuân - Thanh Lâm - Hóa Quỳ (ĐT.520E), chiều dài L=15,27km;

Đường Hóa Quỳ - Cát Vân (ĐT.520G), chiều dài L= 11km;

Đường Hoạt Giang - Kim Tân - Thạch Quảng (ĐT.523), chiều dài 6,4km (đoạn từ xã Hoạt Giang đi QL.1);

Đường Quán Lào - Sét - Dốc Lê (ĐT.528), chiều dài L= 8km;

Đường Sông Lò - Nam Động (ĐT.530C), chiều dài L= 15,94km;

Đường Trí Nang - Giao Thiện - Lương Sơn (ĐT.530D), chiều dài L=16km;

Đường giao thông từ QL.47 đến đường HCM, chiều dài L=5,8km;

Đường giao thông xã Pù Nhi đi xã Mường Chanh, chiều dài L= 34,5km;

Tuyến đường cơ động trong căn cứ hậu phương của tỉnh, chiều dài L= 15,9km.

Quy cách cắm mốc lộ giới theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2019/BGTVT và các quy định hiện hành.

Khoảng cách giữa các mốc lộ giới theo chiều dọc tuyến: Đối với phạm vi trong khu dân cư khoảng cách trung bình 100m/cọc (nếu vướng nhà dân có thể áp dụng phương án dịch cọc theo chiều dọc hoặc ghi chú vị trí cọc); ngoài khu dân cư khoảng cách trung bình (200 - 500)m/cọc tùy theo địa hình.

UBND tỉnh yêu cầu UBND các địa phương có tuyến đường đi qua phối hợp với Sở Giao thông vận tải để tổ chức công bố, công khai hồ sơ thiết kế phương án cắm cọc mốc lộ giới sau khi được phê duyệt qua địa bàn địa phương; chỉ đạo UBND các xã có tuyến đường đi qua phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức cắm cọc mốc lộ giới ngoài thực địa; tiếp nhận cọc mốc lộ giới để quản lý theo quy định.

Đồng thời chỉ đạo UBND các xã có tuyến đường đi qua thực hiện quản lý, bảo vệ phạm vi hành lang an toàn đường bộ đã được cắm mốc lộ giới; phối hợp với đơn vị quản lý đường bộ thường xuyên kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi lấn chiếm và sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ để lập biên bản xử lý theo thẩm quyền.

Tăng cường quản lý việc sử dụng đất trong và ngoài hành lang an toàn đường bộ, đặc biệt là việc giao đất, cấp Giấy phép xây dựng dọc theo tuyến đường; cập nhật, trình thẩm định, phê duyệt điều chỉnh lại kế hoạch sử dụng đất (nếu có sự thay đổi so với kế hoạch đất đã được phê duyệt); thực hiện các nội dung khác theo quy định tại Điều 41 Nghị định số 11/2010/NĐ-CP của Chính phủ.

Tuân thủ các quy định về bảo vệ hành lang an toàn đường bộ khi tham mưu, đề xuất phê duyệt quy hoạch, xây dựng các công trình, các khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư, khu thương mại dịch vụ dọc theo tuyến đường.

Các sở, ngành, địa phương có trách nhiệm tuân thủ các quy định về bảo vệ hành lang an toàn đường bộ khi tham mưu, đề xuất phê duyệt quy hoạch, xây dựng các công trình, các khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư, khu thương mại dịch vụ dọc theo các tuyến đường quy hoạch.

TS (Nguồn: UBND tỉnh)

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/phuong-an-cam-coc-moc-lo-gioi-cac-tuyen-duong-tinh-theo-quy-hoach/201622.htm