Phùng Phẩm - Họa sĩ dành cả đời đi tìm những hạt vàng lóng lánh trong nghệ thuật

Phùng Phẩm là nghệ sĩ có nhiều điều để nhắc đến ở cả ở phương diện hội họa và đời sống cá nhân. Bên cạnh nghị lực can trường, vượt qua những khúc mắc của đời sống, ông còn là người có tinh thần đổi mới, cách tân trong nghệ thuật từ rất sớm. Suốt cuộc đời mình, ông say mê tìm kiếm những hạt vàng lóng lánh được chắt lọc từ những thử nghiệm tìm tòi trong nghệ thuật.

Họa sĩ Phùng Phẩm sinh năm 1932, năm nay 91 tuổi. Cuộc đời ông đã đi qua những cuộc bể dâu trong cải cách ruộng đất, cải cách công thương với nhiều tâm tư, khổ đau. Và phải rất cố gắng cùng sự nhẫn nại, Phùng Phẩm mới vượt lên trên những khó khăn ấy để học tập, sáng tác. Trước đó, ông là thiếu niên tham gia cách mạng từ khá sớm, năm 13 tuổi. Nhờ đó, năm 1952, ông được cử đi học ở Khu Học Xá bên Trung Quốc, để sau này trở thành lớp cán bộ tương lai phục vụ cho đất nước. Tại đây, ông được học vẽ cùng thầy Nguyễn Khang với những buổi học tuy ngắn ngủi nhưng đã khích lệ trong ông tình yêu dành cho hội họa. Trở về Việt Nam, ông thi đỗ vào khóa I của hệ Trung cấp mỹ thuật - Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam. Và tiếp tục thi đỗ vào khóa 9 trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam nhưng sau 2 năm học tập tại đây thì bị dừng giữa chừng.

Để tồn tại, Phùng Phẩm nhận việc tại xưởng phim hoạt hình, làm công ăn lương. Ông nhẫn nại làm công việc ấy đến cả chục năm, đồng thời lầm lũi theo đuổi trò chơi riêng tại nhà là vẽ. Phải nói, Phùng Phẩm là người có tư tưởng đổi mới từ rất sớm. Trong bối cảnh, hầu hết các họa sĩ đều vẽ theo phong cách hiện thực XHCN, ông đã có thử nghiệm theo lối vẽ mới. Từ những năm 1970, ông đã những bức in khắc gỗ rất đẹp, chỉ hai màu đen trắng thuần túy, giản dị, được cất lên bởi những giai điệu của đường nét. Những bức như “Vô đề”, “Ác mộng” là những thử nghiệm sớm bằng ngôn ngữ đồ họa hiện đại, táo bạo, khác xa mỹ cảm dân gian truyền thống.

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tiếp nhận 2 tác phẩm trở về từ châu Âu của họa sĩ Phùng Phẩm (người thứ 5 từ trái sang)

Và đến năm 1986, thời kỳ mở cửa đã giúp cho Phùng Phẩm bùng nổ với những ý tưởng đã có sẵn từ trước đó trong nghệ thuật khắc gỗ. Ông sáng tác đa dạng chủ đề từ đập lúa, giã gạo, quăng lưới, sảy gạo… Đặc biệt, Phùng Phẩm dành cái nhìn trìu mến và yêu thương ở đề tài phụ nữ, tình mẫu tử. Ông diễn tả phụ nữ nông thôn khỏe khoắn với thân hình chắc nịch, phụ nữ thành phố đài các kiêu sa với mái tóc cắt tỉa gọn gàng, dịu dàng bên hoa. Trong tranh là hơi hướng của Picaso, khắc gỗ Nhật Bản, hoa văn trang phục miền núi, trống đồng Đông Sơn nhưng đã được thẩm thấu và chắt lọc qua trí óc, bàn tay khéo léo của ông, tạo nên những bức tranh ca ngợi quê hương, thấm đẫm tinh thần dân tộc mà vẫn rất khác lạ, riêng biệt.

Tuy nhiên, bảng màu, đường nét, mảng dẹt đen trắng và kích thước của tranh khắc gỗ không làm thỏa mãn họa sĩ trong sáng tác. Trong khi đó, ông có nhiều ý tưởng muốn diễn đạt trong không gian rộng lớn hơn, khoáng đạt hơn. Và sơn mài là chất liệu đáp ứng được nguyện vọng này của Phùng Phẩm. Theo nhà nghiên cứu –phê bình mỹ thuật Bùi Như Hương, trên tranh sơn mài, vẫn là các chủ đề và hình tượng sẵn có trong kho tư liệu của ông, được triển khai thành các khối lập thể ba chiều, các khối trụ, khối tròn, khối nón, hình chóp, cô đúc hơn, căng hơn, sắc góc hơn, thường là phóng to, cận cảnh, trực diện. Hình người bởi vậy mà thô to, vạm vỡ như phù điêu, như tượng. Mảng dẹt tuy vẫn còn, song, khối nổi dần lên nhờ kỹ thuật làm mờ, tạo sáng tối như thường thấy ở hội họa. Một số tác phẩm cho cảm giác như những khối tượng đồng, ba chiều, đồ sộ, theo ngôn ngữ hiện đại, có sức mạnh và có tiếng vọng từ bên trong. Bức sơn mài “Chống hạn”, năm 1990, đã mang về cho họa sĩ Phùng Phẩm huy chương Vàng tại triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 1990.

"Nghệ thuật của Phùng Phẩm, từ tranh in khắc gỗ cho đến tranh sơn mài có một âm hưởng riêng, sức sống riêng, kỳ lạ. Có sự kế thừa từ Đông sang Tây, từ truyền thống Việt Nam sang ngôn ngữ hiện đại thế giới. Các câu chuyện, chủ đề, con người đi từ lịch sử văn hóa Việt Nam, hay là những câu chuyện bản nguyên, muôn thuở của loài người được họa sĩ gửi gắm trên tranh, tôn vinh trong vẻ đẹp bền lâu, vĩnh hằng của nghệ thuật. Phải chăng đó cũng chính là ý nghĩa cao quý của cuộc đời nghệ sĩ", nhà nghiên cứu-phê bình mỹ thuật Bùi Như Hương đánh giá.

Họa sĩ Đỗ Đức ấn tượng với các tác phẩm của Phùng Phẩm. Bởi theo ông, ai đã từng xem tranh Phùng Phẩm chỉ cần một lần thôi, thì lần sau đứng từ xa đã nhận ra ông, bất kỳ ông thể hiện trên chất liệu nào, khắc gỗ hay sơn mài, là bởi họa sĩ đã dùng yếu tố trang trí làm chủ đạo cho toàn bộ tranh của mình. Ông cẩn trọng từ nét đến hình, các khoảng trống và lối dùng màu. Ông đã theo suốt nó, mải mê không chán, như theo đuổi duy nhất một người tình, điều làm nên một Phùng Phẩm độc đáo.

Ở tuổi 90, Phùng Phẩm vẫn miệt mài lao động nghệ thuật, với ông vẽ là hơi thở, là cuộc sống, là niềm vui ý nghĩa cho từng ngày. Đi qua những trăn trở của đời sống, những nghĩ suy trong nghệ thuật, ông nghiệm ra một điều: “Làm nghệ thuật khó như một người nghèo đi đào vàng. Nay đào chưa thấy, mai cũng chưa thấy. Có khi đi hết cả cuộc đời cũng chưa chắc đã thấy. Chỉ có lòng quyết tâm, lòng ham muốn, say mê, mong ra mới có thể tìm thấy nó. Nghệ thuật ấy mới là nghệ thuật đích thực”.

Vào ngày 10/10/2023, triển lãm cá nhân lần thứ tư của họa sĩ Phùng Phẩm sẽ diễn ra tại Thăng Long gallery, số 41 Hàng Gai, Hà Nội. Triển lãm giới thiệu tới công chúng yêu nghệ thuật các tác phẩm sơn mài của họa sĩ Phùng Phẩm thuộc bộ sưu tập của Thang Long Art Gallery, trong đó có những tác phẩm hầu như chưa từng được trưng bày rộng rãi trước đây. Trước đó, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từng tiếp nhận 2 tác phẩm nghệ thuật từ châu Âu trở về của họa sĩ Phùng Phẩm là “Kiêu hãnh” và “Những nụ hôn tình yêu”.

Họa sĩ Phùng Phẩm từng giành giải A triển lãm nghệ thuật đồ họa 1975-1985 tại Hà Nội, huy chương Vàng triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 1990 tại Hà Nội, Huy chương vì sự nghiệp mỹ thuật Việt Nam.

2003: Triển lãm cá nhân tại nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội.

2006: Triển lãm cá nhân “At the height of summer” tại Jee stone gallery, Hongkong.

2008: Triển lãm cá nhân tại nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội.

2023: Triển lãm cá nhân tại Thăng Long gallery, Hà Nội.

Một số tác phẩm tại triển lãm cá nhân lần thứ tư của họa sĩ Phùng Phẩm tại Thăng Long gallery:

"Giã gạo 2", sơn mài trên gỗ, 2011

"Ngày chủ nhật", sơn mài trên gỗ, 2010

"Bên hoa huệ", sơn khắc, 2008

"Ngày mùa", sơn mài trên gỗ, 2009

, sơ

"Tự hào 2", sơn khắc, 2008

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/phung-pham-hoa-si-danh-ca-doi-di-tim-nhung-hat-vang-long-lanh-trong-nghe-thuat-post554115.antd