Phục tráng và phát triển giống dứa bản địa tại Hữu LũngTin khácĐảm bảo ai ở các khu điều trị và cách ly tập trung cũng đều được đón tếtPhim tài liệu 'Lạng Sơn - 190 năm xây dựng và phát triển' được giới thiệu rộng rãi trên các trang thông tin điện tử

Thời gian qua, đề tài khoa học 'Nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, phục tráng và phát triển giống dứa bản địa tại huyện Hữu Lũng' đã được triển khai. Qua đó, đề tài là cơ sở khoa học để góp phần phục tráng, phát triển giống dứa bản địa của huyện, giúp nâng cao năng suất, chất lượng mang lại giá trị thiết thực cho nông dân.

Dứa Na Hoa huyện Hữu Lũng là giống dứa nhập ngoại từ năm 1969 với đặc trưng quả nhỏ, mắt sâu nhưng hương vị thơm ngon, vị ngọt đậm, được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, hời gian qua, do xuất hiện nhiều giống dứa mới và tập quán chăm sóc của người dân khiến giống dứa Na Hoa dần mai một. Cùng với đó, người dân cũng ít chú trọng đến cây trồng này khiến mỗi năm diện tích và sản lượng giảm sút. Nhận thấy mặc dù diện tích, sản lượng giảm nhưng nguồn gen giống dứa này còn được lưu giữ khá đa dạng, nhiều cá thể còn giữ nguyên được bản chất giống, vì vậy Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu cho UBND tỉnh tuyển chọn đơn vị triển khai đề tài “Nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, phục tráng và phát triển giống dứa bản địa tại huyện Hữu Lũng”. Qua tuyển chọn, nhóm nghiên cứu do Thạc sỹ Đào Thị Liên, Viện Nghiên cứu Rau quả (Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội) làm trưởng nhóm là đơn vị thực hiện đề tài trong 36 tháng (từ 12/2018 đến 11/2021).

Lãnh đạo, cán bộ Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra tiến độ thực hiện đề tài tại huyện Hữu Lũng

Lãnh đạo, cán bộ Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra tiến độ thực hiện đề tài tại huyện Hữu Lũng

Thạc sỹ Đào Thị Liên cho biết: Trong quá trình nghiên cứu, thực hiện đề tài, chúng tôi nhận thấy, người trồng dứa ở Hữu Lũng chủ yếu sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống; chưa bón phân đầy đủ, khoa học; mật độ trồng không đảm bảo; hình thức nhân giống chưa đảm bảo, các biện pháp xử lý ra hoa, nồng độ hóa chất được tiến hành theo kinh nghiệm riêng của từng hộ… dẫn đến vườn dứa sinh trưởng kém, năng suất, chất lượng không ổn định.

Triển khai đề tài, nhóm nghiên cứu đã thí nghiệm nhân giống; xử lý thời gian ra hoa; xây dựng vườn lưu giữ giống gốc; thí nghiệm xử lý trước bảo quản, nhiệt độ bảo quản quả dứa; xây dựng mô hình sản xuất dứa theo hướng VietGAP… Kết quả, nhóm nghiên cứu đã sử dụng hóa chất ethrel (0,4%) để kích chồi, nhân giống thành công. Phương pháp này rút ngắn thời gian thu chồi từ 10 đến 14 ngày so với kỹ thuật xử lý ra chồi bằng cơ giới và sớm hơn 5 đến 5,8 tháng so với đối chứng tự nhiên. Xử lý ra hoa ở 5 thời điểm khác nhau nên thời gian từ khi trồng đến thu hoạch ngắn hơn để tự nhiên khoảng 1,7 đến 3,6 tháng, cho thu hoạch quả rải vụ (cả xanh và chín) kéo dài từ tháng 3 đến tháng 7; Sau khi tiến hành các biện pháp kỹ thuật, quả thu được có kích thước lớn hơn, ngọt đậm, ít chua; năng suất thực thu đạt 41,2 đến 44,8 tấn/ha tăng từ 4 đến 12,3% so với để tự nhiên. Phương pháp xử lý chống thối quả dứa sau thu hoạch là ngâm trong dung dịch axít sorbic nồng độ 0,05% thời gian 2 phút, nhiệt độ 10 độ C có khả năng bảo quản trong thời gian 25 ngày với tỷ lệ thối hỏng khoảng 2%.

Sau khi thử nghiện thành công các phương pháp nhằm phục tráng, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nhóm nghiên cứu đã xây dựng mô hình vườn nhân giống tại xã Minh Sơn với quy mô rộng 1.000 m2, 5.000 cây mẹ, công suất nhân được 10.000 cây con/năm. Cùng đó là xây dựng mô hình thâm canh dứa áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật theo hướng VietGAP tại 3 xã: Nhật Tiến, Minh Sơn, Minh Hòa với 10 hộ tham gia sản xuất trên diện tích 10 ha. Áp dụng biện pháp kỹ thuật tổng hợp vào mô hình thâm canh rải vụ thu hoạch dứa tại Hữu Lũng cho năng suất tăng từ 24,6 đến 27,2%, lãi thuần tăng cao hơn 42,1 đến 74,6% so với mô hình đối chứng.

Ông Hoàng Văn Thắng, xã Minh Hòa, huyện Hữu Lũng cho biết: Gia đình tôi tham gia đề tài phục tráng, phát triển giống dứa bản địa huyện Hữu Lũng với diện tích gần 1 ha. Sau 1 vụ canh tác theo hướng dẫn của các nhà khoa học, năng suất đạt hơn 43 tấn/ha, tăng hơn 24% so với khi chưa áp dụng, mang lại doanh thu đạt khoảng 280 triệu đồng, trừ các chi phí cho lợi nhuận 180 triệu đồng.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn tiến hành thiết kế bao bì, tem nhãn; in và cấp phát 20.000 tem nhãn, 1.200 thùng cac-tong đựng quả, cấp phát cho 10 hộ tham gia xây dựng mô hình thâm canh dứa phục vụ quảng bá giới thiệu và phát triển thương hiệu cho sản phẩm dứa Hữu Lũng; xây dựng 1 bộ tài liệu và tổ chức tập huấn cho 80 học viên về kỹ thuật thâm canh cây dứa… Với những giá trị thiết thực mang lại, tháng 11/2021, đề tài đã được Hội đồng khoa học tỉnh nghiệm thu.

Với việc phục tráng nguồn gen bản địa, áp dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh cây dứa nhằm nâng cao năng suất, sản lượng, đảm bảo an toàn theo hướng VietGAP cũng như phát triển thị trường tiêu thụ… Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ là cơ sở khoa học quý giá để các cấp, ngành liên quan và người dân Hữu Lũng triển khai và phát triển thành công hơn nữa việc thâm canh giống dứa bản địa của huyện.

HOÀNG VƯƠNG

TRIỆU THÀNH

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/khoa-hoc-tin-hoc/476605-phuc-trang-va-phat-trien-giong-dua-ban-dia-tai-huu-lung.html