Phục hồi sản xuất công nghiệp: Doanh nghiệp cần hỗ trợ tiếp cận vốn vay

Vốn là đầu vào quan trọng cho sản xuất công nghiệp, nên khi cơ hội tiếp cận vốn đối với DN chưa tích cực, khả năng phục hồi và phát triển sẽ bị hạn chế.

Sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm đã cho thấy những tín hiệu tích cực, khi chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt phát triển công nghiệp khi tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 5,2 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

51,5% DN gặp khó trong tiếp cận vốn vay

Khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân, thuộc Hội đồng tư vấn cải cách Thủ tục hành chính của Thủ tướng đối với 2.734 DN cho thấy, đánh giá của DN về triển vọng kinh tế vĩ mô đã tích cực hơn, niềm tin của DN đã dần trở lại, nhưng cần phải nuôi dưỡng trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp.

Mặc dù kỳ vọng của cộng đồng DN đã tươi sáng hơn trong năm 2024, nhưng đa số DN vẫn cho rằng, khó khăn và thách thức DN vẫn nằm ở đơn hàng chiếm 59,2% số DN được khảo sát; khó khăn trong tiếp cận vốn vay chiếm tới 51,5% số DN, còn lại là nhữngvướng mắc về thủ tục hành chính 45,3%; thông tin thị trường 27,7%…

Ngành chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt phát triển công nghiệp

Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân Phạm Thị Ngọc Thủy thông tin, vốn là đầu vào quan trọng cho sản xuất, kinh doanh, nên khi cơ hội tiếp cận vốn đối với DN chưa tích cực, khả năng phục hồi và phát triển sẽ bị hạn chế.

“Đánh giá của DN về khả năng tiếp cận vốn trong năm 2024 có cải thiện về nhận định. Tuy nhiên đa số các kiến nghị tập trung vào việc giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của DN, khả năng tiếp cận vốn vay, tiếp cận thị trường và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh”, bà Thủy lưu ý.

Ở góc độ các DN sản xuất công nghiệp, ông Đoàn Mạnh Hải, Giám đốc Công ty chế tạo cơ khí Mạnh Hải (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, các khoản vay tại các ngân hàng tư nhân lãi suất vẫn cao. Năm 2023 DN vừa không có đơn hàng vừa phải trả lãi suất cao, phải quay vòng thanh toán với ngân hàng để tránh nợ xấu. Từ cuối năm 2023 đến nay, đơn hàng đã tăng lên nhưng DN lại cạn nguồn vốn, hết tài sản thế chấp để vay thêm nên khó khăn về vốn lại tái diễn.

“DN kiến nghị các ngân hàng nên có nguồn vốn cho vay sản xuất với lãi suất thấp cùng điều kiện vay không quá khó khăn. Ngân hàng nên nhìn vào khả năng trả nợ trong tương lai, hoặc đánh giá hiệu quả mô hình kinh doanh để giúp các DN nhỏ có vốn sản xuất”, ông Hải bày tỏ.

Còn ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam (VAMI) lại đề cập, vấn đề cải cách thủ tục hành chính đã được Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt nhưng phải làm mạnh hơn nữa ở các cấp địa phương. Bởi nhiều hoạt động hành chính, tiến độ giải ngân nguồn vốn chưa hiệu quả, khiến các DN mất nhiều cơ hội đầu tư phát triển như các thủ tục liên quan đến đất đai, hạ tầng và nguồn vốn.

Chậm thủ tục và thiếu vốn làm mất cơ hội phục hồi của các DN sản xuất công nghiệp

Trợ lực về cơ chế và nguồn vốn cần thực chất

Theo các chuyên gia kinh tế, để có thể tạo ra sự bứt phá trong hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của các DN, đặc biệt là các DN sản xuất công nghiệp, chế biến chế tạo năm nay cần có thêm trợ lực từ phía các cơ quan quản lý.

Ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội DN Ngành công nghiệp hỗ trợ (HANSIBA) bày tỏ, các DN công nghiệp hỗ trợ (CNHT) những năm qua chịu ảnh hưởng rất lớn từ đại dịch Covid-19 khiến đứt gãy chuỗi sản xuất, thanh khoản tài chính nguồn vốn - hoàn vốn với ngân hàng và chi phí cho sản xuất kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn, không ít ngân hàng hạn chế với DN sản xuất công nghiệp - DN ngành CNHT Việt Nam.

Phân tích vấn đề này, ông Hoàng cho rằng, các ngân hàng thương mại (đặc biệt là ngân hàng tư nhân) cũng là DN, nên họ phải bảo toàn vốn kinh doanh và phải có lãi theo yêu cầu của cổ đông đóng góp vốn. Các ngân hàng cũng chọn lĩnh vực có hiệu quả nhanh nhất, ngắn hạn nhất để đầu tư và kinh doanh tiền tệ. Trong khi ngành công nghiệp và CNHT đều là sản phẩm phải đầu tư dài hạn từ 9 - 12 năm mới phát triển ổn định, thành công.

“Cơ chế chính sách hỗ trợ về tài chính cần cụ thể hơn nữa, đóng vai trò là “bà đỡ” để các DN CNHT sẽ có thêm cơ hội tham gia sâu rộng vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Trước hết là chiếm lĩnh được thị phần hàng trăm tỷ USD đang bị bỏ ngỏ, vì phải nhập khẩu linh phụ kiện và sản phẩm hàng năm. Khi các DN CNHT thành công, góp phần quan trọng đưa Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình, trở thành nước công nghiệp tiến tiến, hiện đại”, ông Hoàng khẳng định.

Các DN mong muốn tiếp tục có chính sách hỗ trợ sản xuất công nghiệp

Bộ Công Thương nhận định, mặc dù các kết quả sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm 2024 rất khả quan, nhưng vẫn cần tập trung theo dõi sát tình hình để kịp thời ứng phó vì còn những khó khăn, thách thức tiềm ẩn như lãi suất còn cao, lãi suất cho vay chưa giảm tương ứng với lãi suất huy động; các thị trường xuất khẩu phục hồi nhưng chưa bền vững.

Để tạo trợ lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, Bộ Công Thương sẽ tập trung triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ DN đã được Chính phủ thông qua nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh đó, Bộ này sẽ hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển một số ngành công nghiệp quan trọng như ô tô, thép, sữa, giấy, nhựa... để thống nhất định hướng phát triển ngành trong giai đoạn mới.

Nhiều chuyên gia và đại diện các hiệp hội ngành hàng cũng nêu quan điểm, để có thể lấy lại đà tăng trưởng cao, Chính phủ, các Bộ, ngành, hệ thống ngân hàng và các địa phương tiếp tục có các biện pháp tích cực hơn nữa hỗ trợ sản xuất công nghiệp, nhất là các chính sách giúp DN thuận lợi trong tiếp cận nguồn vốn, duy trì và đẩy mạnh sản xuất. Đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại mở rộng đơn hàng xuất khẩu, khơi thông lượng hàng hóa tồn kho cao.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/phuc-hoi-san-xuat-cong-nghiep-doanh-nghiep-can-ho-tro-tiep-can-von-vay-post1083894.vov