Phúc đức tại mẫu

Tản văn của Ma Văn Kháng

Chuyện xưa

Tổng đốc Hà Nội những năm 80 cuối thế kỷ 19 là Hoàng Diệu. Quê ở làng Xuân Đài, nay thuộc huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, Hoàng Diệu là người rất có hiếu nghĩa với cha mẹ. Một hôm mua được một tấm gấm rất đẹp, ông bèn bọc gói cẩn thận rồi nhờ người đem về quê biếu mẹ. Những tưởng mẹ sẽ vui lòng, nào ngờ, ít lâu sau, ông nhận được một bọc gói y nguyên bọc gói ông đã gửi từ mẹ trả lại. Chưa hết! Mở ra, ông còn thấy trên tấm gấm là một chiếc roi dâu. Hiểu ý mẹ, ông liền quỳ xuống chắp tay vọng về phía Nam quê hương, vái lạy mẹ, cầu mẹ lượng thứ và xin ghi lòng tạc dạ lời răn của mẹ.

Chiếc roi dâu! Đó là lời răn dạy nghiêm khắc của cha mẹ với con cái. Chiếc roi dâu dạy dỗ con cái nên người.

Chuyện thời chống Mỹ

Tính đến tháng 7-2020, nước ta đã có 139.275 bà mẹ Việt Nam anh hùng, danh hiệu dành cho những phụ nữ có nhiều cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế.

Trong số các bà mẹ Việt Nam anh hùng kể trên có nhiều tấm gương tiêu biểu, như mẹ Nguyễn Thị Thứ, quê ở xã Tâm Phú, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Trong bài thơ “Đất nước” của thi sĩ Tạ Hữu Yên viết về người mẹ Việt Nam, có hai câu thơ gây xúc động lòng người: “Ba lần tiễn con đi. Hai lần khóc thầm lặng lẽ”. Còn mẹ Thứ thì tiễn 9 người con ruột, 1 người con rể, 2 cháu gái ra chiến trường và cả 12 người đều không trở về.

Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ

Mất mát đau thương đầu tiên của mẹ là chiến sĩ giao liên Lê Tự Xuyên bị giặc Pháp bắn ngay tại đầu làng ngày 18-6-1948. Tiếp đó là các anh: Lê Tự Hàn Anh, hy sinh ngày 5-10-1948. Lê Tự Hàn Em hy sinh ngày 15-10-1948. Lê Tự Lem hy sinh tháng 4-1954. Lê Tự Nự hy sinh tháng 9-1966. Lê Tự Mưởi hy sinh năm 1972. Lê Tự Trinh hy sinh 1972. Lê Tự Thịnh hy sinh 1974. Đau đớn nữa là 9 giờ sáng ngày 30-4-1975, con cả của mẹ, Lê Tự Chuyên, chiến sĩ biệt động hy sinh ngay tại cửa ngõ Sài Gòn chỉ vài giờ trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng… Nỗi đau chồng chất nỗi đau, ngoài sức chịu đựng và nghị lực phi thường của con người.

Chuyện nay

Tết này, anh Lân, giám đốc một doanh nghiệp bận quá, nên chỉ có vợ về thăm mẹ ở quê. Mẹ anh Lân đã tám mươi lăm tuổi. Mắt đã mờ, chân đã chậm, tai đã nghễnh ngãng. Không về thăm mẹ già được, lòng thật áy náy vì Lân biết, mẹ già như trái chín cây, còn mẹ già, còn làng quê, còn nơi chốn đi về.

Nghĩ vậy, nên anh Lân đưa cho vợ một số tiền lớn, lại thân đi mua một lô đồ dùng tiện nghi để đem về cho mẹ. Ba ngày tết qua, vợ anh Lân ở quê lên. Thấy vợ có ý buồn buồn, anh Lân hỏi: Có chuyện gì? Thì vợ lắc đầu và mở túi xách tay ra. Không ngờ, tiền bạc, đồ dùng vật dụng, như cái cối xay sinh tố, cái máy sấy tóc, những bình nước thơm gội đầu, cùng là giày dép, khăn áo len dạ đắt tiền các kiểu... anh Lân gửi tặng mẹ vẫn còn nguyên.

- Sao thế, em?

- Mẹ không có ý giận đâu, mẹ bảo: Mẹ không quen dùng những thứ này. Để trên ấy mà dùng. Mẹ chỉ nhận mỗi một thứ thôi. Đó là cái đài chạy pin. Mẹ nói mẹ lo cho anh lắm!

Trời! Mẹ lo cho anh Lân lắm. Nên từ ngày anh lên làm giám đốc, mẹ bỗng trở thành thính giả nhiệt tình của nhà đài. Mẹ Lân theo dõi hàng ngày tình hình thời sự và mỗi lần nghe tin tức từ một vụ án xử một giám đốc hư hỏng nào đó, bà đều mất ăn mất ngủ, vì lo cho Lân. Có lúc bà còn nhắn lên bảo Lân: Công to việc lớn của con, mẹ chẳng hiểu gì đâu. Nhưng con hãy liệu sức xem có kham nổi không, nếu không thì chối từ đi, kẻo xảy ra sơ suất gì thì con khổ, mẹ cũng chẳng còn mặt mũi nào!

- Thật là một bà mẹ tuyệt vời! Tôi bình luận khi nghe Lân kể. Còn Lân thì rơm rớm nước mắt:

- Thế đấy. Mình là bí thư đảng ủy, giám đốc doanh nghiệp lớn có tới năm ngàn người dưới quyền, có trong tay cả ngàn tỷ đồng, mà vẫn là đứa con bé nhỏ của bà mẹ già yếu, mắt đã mờ, chân đã chậm, tai đã nghễnh ngãng. Thật đúng như thơ Chế Lan Viên: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ. Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con”.

Trầm ngâm một lúc, Lân nói tiếp:

- Thế giới không ít lời nói tốt đẹp nhất dành cho người mẹ. Thánh Alphônsô Ligouri, sáng lập Dòng Chúa cứu thế nói: “Tất cả những gì tôi có, đều do mẹ tôi ban cho”. Việt Nam có câu: “Phúc đức tại mẫu” vừa súc tích vừa sâu sắc, là một chân lý ở mọi nơi, mọi tôn giáo đều công nhận.

M.V.K

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/142001/phuc-duc-tai-mau