Phú Yên ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông để tạo đột phá

Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ tạo đột phá xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại. Trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông.

Ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông

Ngày 31/12, UBND tỉnh Phú Yên cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong đó, Phú Yên sẽ cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả. Tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch, thân thiện, nâng dần vị trí xếp hạng các chỉ số của tỉnh lên thuộc nhóm tốt của cả nước.

Theo phê duyệt quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, Phú Yên sẽ huy động, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm mọi nguồn lực, nhất là đất đai, tạo đột phá xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại.

Trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông với tuyến đường ven biển, các trục giao thông chính gắn kết với các trung tâm, các đầu mối giao thương lớn của vùng và cả nước.

Đầu tư các nút giao thông kết nối với cao tốc Bắc - Nam, tuyến kết nối cảng biển; Tuyến quốc lộ kết nối trực tiếp với tỉnh Khánh Hòa, Bình Định và các tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Gia Lai) tạo liên kết phát triển vùng.

Cao tốc Bắc - Nam sẽ giúp kết nối Phú Yên với khu vực và cả nước.

Cao tốc Bắc - Nam sẽ giúp kết nối Phú Yên với khu vực và cả nước.

Khu kinh tế Nam Phú Yên với hạt nhân là phát triển cảng nước sâu Bãi Gốc và Khu công nghiệp Hòa Tâm nhằm phát huy lợi thế nằm gần đường hàng hải quốc tế để thu hút đầu tư phát triển các dự án luyện kim, lọc, hóa dầu, năng lượng sạch.

Cũng theo quy hoạch này, phương án tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội theo nguyên tắc: “Một vành đai phụ trợ - Hai hành lang phát triển - Ba khu vực trọng điểm phát triển”.

Trong đó, vành đai phụ trợ (gắn với trục quốc lộ 19C) là vùng phát triển song song dọc theo tuyến giao thông quốc lộ 19C kết nối với tỉnh Bình Định và tỉnh Đắk Lắk, là vùng có tiềm năng phát triển lớn về văn hóa, lịch sử và an ninh quốc phòng.

Hai hành lang động lực phát triển gồm hành lang ven biển Bắc - Nam (gắn với trục quốc lộ 1, cao tốc Bắc - Nam, đường ven biển của tỉnh) sẽ là khu vực có tiềm năng phát triển lớn nhất về đô thị, công nghiệp, du lịch và nuôi trồng thủy, hải sản.

Tập trung du lịch ở phía Bắc, công nghiệp ở phía Nam, thành phố Tuy Hòa là trung tâm phát triển tổng hợp của hành lang.

Hành lang Đông - Tây (gắn với trục quốc lộ 25 và quốc lộ 29) sẽ phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh, hình thành vùng chuyên canh lớn; Bảo tồn đa dạng sinh học; Phát triển du lịch sinh thái, dịch vụ logistics.

Ba khu vực trọng điểm phát triển, trong đó khu vực trọng điểm phía Bắc sẽ phát triển du lịch, kinh tế biển.

Khu vực trọng điểm phía Nam sẽ phát triển công nghiệp luyện kim, lọc, hóa dầu, hóa dược, các ngành năng lượng sạch, sản xuất sản phẩm gắn với công nghệ số, công nghiệp chế biến chế tạo, cảng biển, du lịch.

Khu vực trọng điểm phía Tây sẽ phát triển thương mại dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao, các vùng nguyên liệu gắn với các nhà máy chế biến và phát triển du lịch.

Đường sắt kết nối Tây Nguyên, Lào, Campuchia

Theo quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, Phú Yên sẽ huy động các nguồn lực để ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ, hiện đại với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

Kết nối đồng bộ hệ thống giao thông với các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp, khu công nghệ cao và cảng hàng không, cảng biển.

Tập trung đầu tư hoàn thiện đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông để kết nối toàn bộ các địa phương trong vùng, đầu tư hoàn thiện hệ thống đường tỉnh, huyện và hệ thống giao thông nông thôn.

Tháp Nghinh Phong, điểm nhấn du lịch của thành phố Tuy Hòa, Phú Yên.

Tháp Nghinh Phong, điểm nhấn du lịch của thành phố Tuy Hòa, Phú Yên.

Theo đó, phương án phát triển và kết nối mạng lưới giao thông quốc gia, Phú Yên sẽ đầu tư nâng cấp, mở rộng đảm bảo theo tiêu chuẩn các tuyến quốc lộ, cao tốc, đường sắt, đường thủy.

Đầu tư, nâng cấp cảng hàng không Tuy Hòa đạt tiêu chuẩn cảng hàng không quốc nội 4C phục vụ 3 triệu hành khách/năm; Báo cáo cấp có thẩm quyền phương án đầu tư nâng cấp, mở rộng, bảo đảm phục vụ 5 triệu hành khách/năm khi có nhu cầu.

Về hạ tầng cảng biển, cảng biển Phú Yên thuộc nhóm cảng biển loại 3 bao gồm: Khu bến Vũng Rô và Khu bến Bãi Gốc - Đông Hòa. Thực hiện theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cải tạo, nâng cấp ga Tuy Hòa; Ga Phú Hiệp (thị xã Đông Hòa). Báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, đầu tư xây dựng tuyến đường sắt kết nối Phú Yên với các tỉnh Tây Nguyên cũng như các tỉnh của Campuchia và Lào khi đảm bảo đủ điều kiện theo quy định và huy động được nguồn lực.

Quy hoạch tỉnh Phú Yên vừa được phê duyệt xác định, phấn đấu đến năm 2030, Phú Yên trở thành tỉnh phát triển theo hướng hiện đại và bền vững. Kinh tế phát triển dựa trên lợi thế biển với các trụ cột: Công nghiệp (luyện kim, lọc, hóa dầu, năng lượng...); Du lịch dịch vụ chất lượng cao; Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Vận tải biển và logistics.

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt khoảng 8,5-9%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng150-156 triệu đồng.

Quang Đạt

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/phu-yen-uu-tien-phat-trien-ha-tang-giao-thong-de-tao-dot-pha-192231231135619671.htm