Phú Yên sẽ trở thành trung tâm cây dược liệu cả nước vào năm 2050

Chiều 22/3, Sở NN&PTNT tổ chức hội nghị công bố và triển khai Đề án 'Phát triển cây dược liệu trên đất lâm nghiệp tỉnh Phú Yên giai đoạn 2023-2030, định hướng đến năm 2050' (Đề án).

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: NHẬT HUY

Đại diện Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), các địa phương phát triển mạnh cây dược liệu trên đất lâm nghiệp; các trung tâm nghiên cứu cây dược liệu trong khu vực và cả nước; các địa phương có tiềm năng, thế mạnh, phát triển trên địa bàn tỉnh Phú Yên tham dự hội nghị.

Mục tiêu phát triển bền vững nguồn tài nguyên dược liệu ở Phú Yên trong điều kiện phát triển lâm nghiệp nhằm phát huy hiệu quả mọi tiềm năng về điều kiện tự nhiên và xã hội để phát triển các vùng trồng dược liệu chuyên canh gắn với bảo tồn và khai thác hợp lý nguồn dược liệu tự nhiên, nhất là các cây dược liệu quý hiếm, đặc hữu trên địa bàn như sa nhân, ba kích, địa liền, bình vôi, thiên niên kiện, thổ phục linh, sâm cau, chè vằng, lá khôi, hà thủ ô, hoàng đằng, trà mã dọ, cam thảo đá bia... khuyến khích mở rộng các vùng chuyên canh tiềm năng tại các huyện Tuy An, Sơn Hòa và Đồng Xuân; bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường sinh thái.

Bên cạnh đó, đề án tập trung ưu tiên phát triển dược liệu trong môi trường dưới tán rừng và trên đất lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường, gắn sản xuất nguyên liệu với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng vùng trồng dược liệu gắn với công nghiệp chế biến, cơ cấu sản phẩm đa dạng bảo đảm an toàn và chất lượng. Đồng thời kết hợp phát triển đa dạng các mặt hàng, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và sử dụng tự túc của người dân miền núi.

Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Đinh Ngọc Dạn mong rằng Đề án sẽ hỗ trợ cho người dân trong thời gian tới. Ảnh: NHẬT HUY

Đến năm 2030, phát triển vùng nguyên liệu trồng dược liệu (nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng) tập trung tại các tiểu vùng có điều kiện sinh thái phù hợp lên khoảng 20.000ha, thu hút khoảng 10.000 hộ gia đình tham gia gây trồng và phát triển dược liệu được tạo thêm việc làm, tăng thu nhập từ dược liệu đạt tối thiểu 15% trong kinh tế hộ gia đình. Đề án định hướng đến năm 2050 phát triển ngành hàng dược liệu của tỉnh trở thành ngành hàng mang thương hiệu mạnh, có giá trị sản xuất cao, tạo nguồn thu quan trọng cho các địa phương và đưa Phú Yên trở thành trung tâm sản xuất dược liệu (nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng) của vùng duyên hải Nam Trung Bộ.

Để thực hiện mục tiêu, Đề án đề ra các giải pháp trong đó nổi bật là tạo ra cơ chế chính sách phát triển cây dược liệu; đẩy mạnh việc tuyên truyền để người dân hiểu được giá trị cây dược liệu trên đất lâm nghiệp.

Nguồn vốn để thực hiện Đề án là 1.147,3 tỉ đồng, trong đó vốn Nhà nước là 184,6 tỉ đồng, còn lại là nguồn lực xã hội hóa.

NHẬT HUY

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/314513/phu-yen-se-tro-thanh-trung-tam-cay-duoc-lieu-ca-nuoc-vao-nam-2050.html