Phú Yên: Người nuôi trồng thủy sản điêu đứng sau lũ dữ

Nhiều người dân ở thị xã Sông Cầu (tỉnh Phú Yên) phải bán đổ bán tháo hàng vạn con tôm, ốc hương… bị chết vì nhiễm nước ngọt từ đợt lũ vừa qua, mong vớt vát được đồng nào hay đồng đó. Phút chốc trắng tay, nhiều hộ dân đang đứng ngồi không yên vì nợ nần ngân hàng với số tiền lớn.

Người dân xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu, Phú Yên bán đổ, bán tháo tôm hùm chết. Ảnh: Nhiệt Băng

Khóc ròng vì hàng tỉ đồng trôi theo lũ

Một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề sau lũ là xã Xuân Cảnh. Theo thống kê, địa phương có hơn 360 hộ dân nuôi tôm hùm, ốc hương… hứng chịu thiệt hại. Mưa lũ đã khiến 5 đìa tôm thẻ chân trắng (3.685.000 con) bị chết do ngập, bể bờ và nhiễm nước ngọt. Ngoài ra, hơn 300.000 con tôm sú và 19 đìa ốc hương, 7 đìa ba ba bị nước ngọt từ vùng đất cao đổ về xâm nhập, gây chết. Ghi nhận tại thôn Hòa Lợi, xã Xuân Cảnh, 330 hộ nuôi tôm hùm các loại bị chết (trong đó, hơn 18.000 con tôm sao, gần 350.000 con tôm xanh và hơn 260.000 tôm sỏi) khiến người dân điêu đứng.

Đứng thẩn thờ bên bãi tôm chết đang cân bán cho thương lái, ông Tô Văn Anh (trú thôn Hòa Lợi, xã Xuân Cảnh) rầu rĩ: “Nước lũ xuống quá nhanh, chỉ trong tích tắc, hàng nghìn con tôm hùm của gia đình tôi đã “trôi” theo lũ, thiệt hại vài trăm triệu đồng. Nuôi tôm như đánh bạc với trời. Giờ tôi phải bán đổ bán tháo lượng tôm chết với giá rẻ bèo, vớt vát được đồng nào hay đồng đó”.

Nếu bình thường giá tôm hùm dao động từ 1 - 1,5 triệu đồng/kg (tùy loại) thì sau lũ, người dân phải bán tôm chết với giá chỉ vài trăm nghìn đồng/kg.

Theo ông Anh, con tôm rất nhạy cảm với nước ngọt nên rủi ro rất cao. Khi bị nước ngọt lấn át, người nuôi tôm rất bị động và khó di chuyển lồng nuôi đi nơi khác tránh kịp. “Nhiều hộ phải vay ngân hàng với số tiền lớn để nuôi trồng thủy sản, giờ thiệt hại nặng nề nên đang đối mặt với muôn vàn khó khăn. Chúng tôi rất cần các cấp, các ngành hỗ trợ lại giống để tiếp tục phát triển kinh tế từ nuôi trồng thủy sản” - ông Anh cho hay.

Kiến nghị ngân hàng giãn nợ vay giúp dân

Thị xã Sông Cầu là vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm của tỉnh Phú Yên. Số lồng và diện tích vùng nuôi trồng thủy sản liên tục tăng theo từng năm, trong đó tập trung chủ yếu ở đầm Cù Mông.

Dù mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng hoạt động nuôi trồng các loại thủy sản tại địa phương luôn đối mặt với nhiều rủi ro. Hết nguồn nước ô nhiễm khiến tôm chết rải rác, đợt lũ vừa qua, vùng nuôi bị nhiễm nước ngọt.

Phó chủ tịch thị xã Sông Cầu Lương Công Tuấn cho biết, đợt lũ vừa qua đã gây thiệt hại rất lớn về người, cơ cở hạ tầng và tài sản của nhân. Giá trị thiệt hại về tài sản ước tính 80,5 tỉ đồng, trong đó thiệt hại về nuôi trồng thủy sản chiếm chủ yếu (hơn 69,2 tỉ đồng).

Trước tình hình này, UBND thị xã Sông Cầu đã đề nghị Trung ương và UBND tỉnh hỗ trợ lương thực, thực phẩm nhằm ổn định đời sống nhân dân bị thiệt hại, đồng thời hỗ trợ về giống thủy sản, giống lúa và giống gia súc, gia cầm để nhân dân sớm ổn định sản xuất, nhất là sản xuất vụ Đông Xuân.

“Trước mắt, thị xã Sông Cầu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo ngân hàng giãn nợ, khoanh nợ và tiếp tục cho vay lại đối với các hộ nuôi trồng thủy sản, hộ nuôi gia súc, gia cầm (đây là những hộ bị mất trắng tôm hùm, bò, heo, gia cầm do lũ)” - ông Tuấn cho hay.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Phú Yên, đơn vị sẽ thống kê cụ thể số hộ nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng do mưa lũ, đồng thời lập phương án hỗ trợ vốn, con giống cho bà con trong thời gian sớm nhất.

Được biết, năm 2016, tỉnh Phú Yên đã xây dựng đề án tái cơ cấu ngành thủy sản. Theo đó, đề án này tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu thị trường, trong đó tập trung nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú, tôm hùm, cá biển. Bên cạnh đó, Phú Yên đang đầu tư các công trình hạ tầng đầu mối phục vụ vùng nuôi trồng tập trung và kết hợp dịch vụ thú y thủy sản, giám sát môi trường nuôi.

272

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/phu-yen-nguoi-nuoi-trong-thuy-san-dieu-dung-sau-lu-du-612603.bld