Phú Yên: Kiến trúc di tích lăng Hòa Lợi xây dựng bằng vật liệu đá vôi

Làng biển Hòa Lợi ở thôn Hòa Lợi, xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu, có mặt tiền quay về hướng Nam, nhìn về phía mặt đầm Cù Mông. Làng biển có di tích lăng Ông thôn Hòa Lợi, với kiến trúc độc đáo được xây bằng vật liệu đá vôi, đang là điểm đến thu hút khách du lịch vào dịp lễ hội cầu ngư.

Lăng Hòa Lợi (hay còn gọi là lăng Ông thôn Hòa Lợi, lăng Ông Nam Hải) ở thôn Hòa Lợi, xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu.

Kiến trúc di tích xây bằng đá vôi

Lăng Hòa Lợi (hay còn gọi là lăng Ông thôn Hòa Lợi, lăng Ông Nam Hải) ở thôn Hòa Lợi, xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu có mặt tiền quay về hướng Nam, nhìn về phía mặt đầm Cù Mông. Hiện tại, lăng Hòa Lợi đang lưu giữ 28 bộ ngọc cốt cá Ông, cùng 1 bộ ngọc cốt của Ông Tổ (Ông lụy đầu tiên) chôn sau chính điện và 3 bộ khác đang mai táng chưa lấy cốt.

Di tích lăng Hòa Lợi nằm giữa khu vực đông dân cư, phía trước lăng là bến nước neo đậu tàu thuyền, trên bãi là nơi tập trung các loại ngư cụ của nghề biển. Từ phía đầm Cù Mông nhìn về hướng lăng có thể quan sát được toàn cảnh khu vực di tích lăng Hòa Lợi nằm ẩn mình dưới chòm dừa xanh và bóng cây cổ thụ.

Lăng Hòa Lợi đang được trùng tu để đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Nhìn tổng thể lăng Hòa Lợi, những bộ phận kiến trúc chính của lăng gồm: Cổng, thành bao, bình phong, trụ biểu, nhà võ ca, tiền đường, chính điện, mộ cá Ông. Phần lớn kiến trúc di tích được xây bằng vật liệu đá vôi và hợp chất vôi, cát có pha một số phụ liệu tạo độ bền vững rất cao.

Qua lời các cụ cao niên ở thôn Hòa Lợi, lăng được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVIII hoặc đầu thế kỷ XIX.

Hiện chưa có cơ sở về tài liệu văn tự để xác định cụ thể thời điểm xây dựng lăng, nhưng theo Bảo tàng tỉnh Phú Yên thì di tích lăng Hòa Lợi đã có từ trước năm 1852, thời điểm vua Tự Đức ban sắc phong thần cho đối tượng thờ cúng ở lăng, vì chỉ khi có hoạt động thờ cúng và cơ sở thờ tự mới đủ điều kiện để vua ban sắc phong. Qua lời các cụ cao niên ở thôn Hòa Lợi, lăng được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVIII hoặc đầu thế kỷ XIX.

Tôn tạo di tích gắn với phát triển du lịch

Hòa Lợi là vùng đất có bề dày lịch sử cùng chiều sâu văn hóa, với nhiều địa danh, cảnh quan thiên nhiên nổi tiếng, có lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên xã hội nhân văn. Các yếu tố về cảnh quan thiên nhiên kết hợp với di tích, lễ hội, hoạt động ngư nghiệp của ngư dân đã hội tụ thành lợi thế để Hòa Lợi phát triển du lịch mang đậm dấu ấn văn hóa biển. Điều này được thể hiện rõ nhất từ kiến trúc nhà ở, các thiết chế văn hóa, đến nghề truyền thống như: đóng, sửa chữa ghe thuyền, đan vá lưới, đánh bắt và chế biến thủy sản, các sinh hoạt văn hóa cộng đồng, trong đó đặc sắc nhất là tín ngưỡng thờ cúng cá Ông.

Lăng Hòa Lợi lưu giữ 28 bộ ngọc cốt cá Ông, cùng 1 bộ ngọc cốt của Ông Tổ.

Hòa Lợi tựa lưng vào núi, mặt hướng ra đầm Cù Mông, nhà cửa được xây dựng trải rộng ra sát mép nước. Phía sau làng biển có những động cát và đồi núi bao bọc, che chắn với những tên núi như: Hòn Rồng, cồn Muối, núi Đá Trắng, núi Gềnh Bà. Phía trước làng biển có đảo Hòn Nần (còn gọi là Bình Đảo) nằm trong cửa đầm Cù Mông.

Trong thời kỳ giao tranh giữa nhà Tây Sơn và chúa Nguyễn, trên đất liền quân Tây Sơn xây dựng các pháo đài và đặt đại bác canh giữ tại cửa đầm, nay còn lại dấu tích bờ đá. Ngoài đảo Hòn Nần, quân Nguyễn Ánh chốt giữ, tạo thế giằng co quyết liệt. Sau khi lên ngôi, năm 1806 vua Gia Long cho lập miếu Công Thần (miếu Biểu Trung) trên Hòn Nần để thờ các tướng sĩ trận vong, hàng năm có tổ chức cúng tế theo nghi thức tỉnh tế do các quan tỉnh chủ trì, ngày nay còn dấu tích ngôi miếu trên đảo.

Do có vị trí và điều kiện tự nhiên thuận lợi, vùng đất Hòa Lợi sớm thu hút sự tập trung dân cư, hình thành làng ngay từ thời kỳ đầu khi người Việt vào khai phá vùng đất Phú Yên ở cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII. Tên gọi Hòa Lợi được sử dụng từ sau năm 1975 đến nay. Về hoạt động kinh tế, từ xưa đến nay, người dân Hòa Lợi chỉ tập trung làm nghề biển.

Từ xưa đến nay, người dân Hòa Lợi chỉ tập trung làm nghề biển.

Ông Dương Văn Sinh – người quản lý lăng Hòa Lợi chia sẻ: Tâm điểm thu hút du khách đến tham quan lăng Hòa Lợi là lễ hội cầu ngư - một hoạt động văn hóa cộng đồng quan trọng nhất diễn ra tại di tích lăng Hòa Lợi. Lễ hội được tổ chức vào mùng 3 tháng 3 âm lịch hàng năm. Phần hội trong lễ cầu ngư ở lăng Hòa Lợi kéo dài từ 1 đến 3 ngày tùy vào điều kiện của ngư dân và vạn lạch mỗi năm, có trò diễn dân gian, hát tuồng, hát bội để nghệ thuật sân khấu truyền thống có điều kiện được duy trì, bảo tồn và phát huy.

Ông Dương Văn Sinh cho biết: Lễ hội cầu ngư là một sinh hoạt văn hóa cộng đồng rất đặc sắc của các làng biển Phú Yên nói chung và ở Hòa Lợi nói riêng. Lễ hội cầu ngư ở Hòa Lợi phản ánh nét đẹp truyền thống, thuần phong mỹ tục của người dân địa phương, qua đó tình nghĩa xóm làng thắt chặt, tinh thần gắn kết cộng đồng được củng cố trao truyền. Cùng đó, ngư dân thể hiện ước nguyện một năm mới mua thuận gió hòa, gia đạo bình an, thịnh vượng, khỏe mạnh, người đi biển gặp nhiều may mắn, bình an trở về sau những chuyến vươn khơi.

Thuyền rồng để tổ chức đua thuyền trong lễ hội cầu ngư.

Chia sẻ thêm về định hướng bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch của lăng Hòa Lợi, ông Lý Văn Lợi – Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Cảnh cho biết: Lăng Hòa Lợi được UBND tỉnh Phú Yên công nhận là di tích văn hóa cấp tỉnh. Vì vậy, địa phương đã tiến hành cắm mốc bảo vệ vùng di tích, mỗi năm đều có kế hoạch tôn tạo, trùng tu di tích để tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch mỗi khi có dịp thăm quan các thắng cảnh ở Xuân Cảnh và lễ hội cầu ngư tại lăng Hòa Lợi.

Mỹ Bình

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/phu-yen-kien-truc-di-tich-lang-hoa-loi-xay-dung-bang-vat-lieu-da-voi-369086.html