Phú Thọ thực hiện hiệu quả công tác tạo nguồn cán bộ nữ

Những năm qua, công tác cán bộ nữ được tỉnh Phú Thọ quan tâm, thể hiện trong nhiều nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, chính sách của tỉnh. Nhờ sự quyết tâm, tạo điều kiện của các cấp chính quyền, sự vào cuộc của các sở, ban, ngành, đoàn thể trong công tác cán bộ nữ, tỉnh đã đạt được kết quả đáng khích lệ khi đội ngũ cán bộ nữ ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của tỉnh.

Đội ngũ cán bộ, đảng viên nữ tham gia cấp ủy ba cấp, qua nhiệm kỳ 2015 - 2020 đạt 21,11%, tăng so với nhiệm kỳ trước 1,11%. Tỷ lệ nữ tham gia HĐND ba cấp, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đạt 25,64%, tăng so với nhiệm kỳ trước 1,73%. Tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội khóa XIV đạt 42,28%, tỷ lệ đảng viên nữ ngày càng tăng về số lượng và nâng cao về chất lượng.

Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, quy hoạch và sử dụng cán bộ nữ trong giai đoạn tiếp theo, tỉnh Phú Thọ sẽ tiếp tục tăng cường công tác quán triệt, phổ biến các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các văn bản của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; có chủ trương, phương hướng, mục tiêu cụ thể về cán bộ nữ trong Chiến lược cán bộ của địa phương, đơn vị; tăng cường phát hiện và bồi dưỡng cán bộ nữ, tạo nguồn cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, đơn vị… Đồng thời, Tỉnh ủy yêu cầu tổ chức Hội Phụ nữ cần chủ động, mạnh dạn trong công tác tham mưu đối với Đảng về công tác cán bộ nữ.

* Tây Ninh đầu tư hơn một nghìn tỷ đồng xây dựng nông thôn mới

Năm 2016, tỉnh Tây Ninh đã đầu tư 1.066 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới, trong đó, vốn ngân sách 401 tỷ đồng (chiếm 37,6%), vốn tín dụng 600 tỷ đồng (chiếm 56,3%), vốn huy động từ các doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức kinh tế khác 40 tỷ đồng, chiếm 3,8%; huy động từ cộng đồng dân cư 25 tỷ đồng (chiếm 2,3%).

Nhờ sự đóng góp tích cực từ các tầng lớp xã hội cho xây dựng nông thôn mới, năm 2016, Tây Ninh có thêm sáu xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tính đến cuối năm 2016, đã có 22 trong tổng số 80 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 27,5%. Bên cạnh đó, Tây Ninh cũng dành phần lớn nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, từng bước nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới cho 58 xã còn lại.

Năm 2017, Tây Ninh phấn đấu huy động nguồn vốn khoảng hơn 1.300 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới, trong đó, ưu tiên đầu tư cho tám xã được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới là: Mỏ Công (huyện Tân Biên), Tân Hưng (Tân Châu), Cầu Khởi (Dương Minh Châu), Thái Bình (Châu Thành), Trường Tây (Hòa Thành), Thanh Phước (Gò Dầu), Long Chữ (Bến Cầu) và Gia Lộc (Trảng Bàng).

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/31647302-phu-tho-thuc-hien-hieu-qua-cong-tac-tao-nguon-can-bo-nu.html