Phú Thọ phấn đấu trở thành tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du, miền núi Bắc Bộ

Nhiệm kỳ vừa qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ đã phát huy truyền thống đoàn kết, chủ động, sáng tạo khắc phục khó khăn, quyết tâm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đề ra và đã đạt được những kết quả quan trọng.

Một góc TP Việt Trì.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân năm năm đạt 5,87%, trong đó, công nghiệp - xây dựng tăng 7,25%, nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 5,09%, dịch vụ tăng 4,93%. Quy mô của nền kinh tế theo giá hiện hành đạt 40.400 tỷ đồng (đứng đầu trong các tỉnh vùng Tây Bắc), tăng 84%; GRDP bình quân đầu người đạt 29,5 triệu đồng (đứng thứ 3 trong các tỉnh vùng Tây Bắc), tăng 77,4% so năm 2010. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tiến bộ, phù hợp định hướng phát triển của tỉnh; tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng là 36,5%, dịch vụ 38%, nông, lâm nghiệp 25,5%. Tốc độ thu ngân sách bình quân tăng 16%/năm. Kim ngạch xuất khẩu tăng 19,9%/năm.

Thực hiện ba khâu đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, đến nay, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 69,06 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 10,2%/năm và tăng gấp hai lần so với giai đoạn 2006 - 2010; trong đó, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước chiếm 48,6%; dân cư và tư nhân 44,6%; đầu tư trực tiếp nước ngoài 6,8%. Toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp gần 1.000 km quốc lộ, tỉnh lộ và huyện lộ; hoàn thành bảy cầu lớn gồm cầu Kim Xuyên, Sông Lô, Ngọc Tháp, Hoàng Cương, Hạc Trì, Đoan Hùng, Đồng Quang; hạ tầng đô thị, nông nghiệp, nông thôn được tăng cường đầu tư, hiện nay đã cơ bản hoàn thành hạ tầng Khu công nghiệp Thụy Vân và một số cụm công nghiệp; thu hút đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp Phú Hà, Cẩm Khê, Trung Hà; tích cực hoàn thiện, nâng cao tiêu chí đô thị loại I của thành phố Việt Trì, xây dựng thị xã Phú Thọ để trở thành thành phố; tập trung đầu tư các công trình thuộc Khu di tích lịch sử Đền Hùng, quảng trường Hùng Vương, công viên Văn Lang, Trường đại học Hùng Vương, các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, trường lớp học...

Trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, các cơ sở giáo dục đào tạo, dạy nghề trên địa bàn được củng cố, nâng cấp và xây mới; tỷ lệ kiên cố hóa trường học đạt 85,6% (bình quân vùng Tây Bắc là 73%); mở rộng cơ cấu ngành, nghề đào tạo, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập; kinh phí đầu tư từ ngân sách cho các cơ sở đào tạo, dạy nghề tăng 64,3%, quy mô đào tạo tăng 35,5% so nhiệm kỳ trước; tổng số nhân lực đào tạo mới đạt 179,2 nghìn người.

Hoạt động du lịch có bước phát triển, kết cấu hạ tầng du lịch được tăng cường đầu tư; tổng nguồn vốn huy động phát triển du lịch tăng gấp 3,5 lần so với giai đoạn 2006 - 2010, đưa vào khai thác một số dự án du lịch thế mạnh tại các khu du lịch trọng điểm của tỉnh. Lượng khách đến tham quan, du lịch và thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương hằng năm đạt từ sáu đến bảy triệu lượt; doanh thu du lịch tăng 17,9%/năm, gấp 2,25 lần so với năm 2010.

Sản xuất nông, lâm nghiệp duy trì tăng trưởng khá, tích cực chỉ đạo xây dựng mô hình chăn nuôi tập trung, hiện đại, sản xuất rau quả an toàn, dồn đổi ruộng đất tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn với phát triển nông nghiệp cận đô thị; bình quân giá trị sản phẩm trên một ha đất canh tác và nuôi trồng thủy sản đạt 82,4 triệu đồng, tăng gấp 1,6 lần; sản lượng lương thực tăng 3,4% so với năm 2010, bảo đảm an ninh lương thực. Chương trình xây dựng nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo, đến hết năm 2015, có một huyện đạt chuẩn, 57 xã (23%) đạt và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới.

Sản xuất công nghiệp - xây dựng duy trì ổn định, cơ cấu ngành và thành phần kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo và tăng tỷ trọng kinh tế ngoài quốc doanh, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Đã hoàn thành đưa vào sản xuất một số sản phẩm công nghiệp mới, có giá trị gia tăng cao, đóng góp lớn vào thu ngân sách nhà nước. Các ngành dịch vụ phát triển đa dạng, phong phú, thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia. Trình độ công nghệ, chất lượng dịch vụ, hạ tầng thương mại từng bước phát triển theo hướng hiệu quả, chuyên nghiệp; một số trung tâm thương mại, siêu thị quy mô lớn được đầu tư xây dựng, đưa vào hoạt động; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng bình quân 16,1%/năm. Dịch vụ thương mại, vận tải, kho bãi, tín dụng ngân hàng, bưu chính viễn thông phát triển nhanh. Hoạt động xuất, nhập khẩu diễn ra sôi động, tích cực mở rộng thị trường; kim ngạch xuất khẩu năm 2015 ước đạt 844 triệu USD, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2010 (chiếm hơn 50% trong vùng Tây Bắc).

Công tác quản lý nhà nước về hoạt động tiền tệ, tín dụng và ngân hàng được tăng cường. Nguồn vốn huy động tăng bình quân 20%/năm, dư nợ cho vay tăng bình quân 11%/năm; nợ xấu giảm xuống còn dưới 3%. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ đã bám sát vào các mục tiêu, chương trình kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó, ưu tiên ứng dụng, đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. Công tác quản lý tài nguyên và môi trường được tăng cường, công tác giao đất, cho thuê đất được thực hiện theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đẩy mạnh công tác lập hồ sơ địa chính cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đạt 92,4% tổng diện tích cần cấp).

Văn hóa - xã hội được coi trọng, chất lượng giáo dục từng bước được nâng cao, sớm hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi; duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và kết quả phổ cập giáo dục trung học cơ sở; số trường chuẩn quốc gia đạt 573 trong số 915 trường (tăng 232 trường so với năm 2010, đạt 62,6%, bình quân toàn vùng Tây Bắc là 27,5%). Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng, cơ bản đạt được tiến độ thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về y tế. Hệ thống y tế các tuyến được củng cố, phát triển và hoàn thiện, nhân lực y tế chất lượng cao được quan tâm đào tạo, thu hút; chất lượng khám, chữa bệnh có tiến bộ, ứng dụng nhiều kỹ thuật mới, hiện đại trong chẩn đoán, điều trị; các chỉ số sức khỏe người dân và chỉ tiêu về số bác sĩ, giường bệnh trên chục nghìn dân, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế cơ bản đạt và vượt so mục tiêu chung cả nước; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 1,27%; tỷ lệ trẻ em dưới năm tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 14,6%.

Xây dựng và bảo vệ thành công hai di sản văn hóa phi vật thể “Hát Xoan Phú Thọ” và “Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” được UNESCO công nhận và vinh danh, góp phần khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa và tạo sự lan tỏa của không gian văn hóa vùng đất Tổ. Công tác giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội; công tác dân tộc, tôn giáo đạt kết quả quan trọng. Hằng năm giải quyết việc làm cho 22,16 nghìn lao động, xuất khẩu lao động 2,5 nghìn người; tỷ lệ hộ nghèo còn 7,89% (bình quân toàn vùng Tây Bắc là 15,5%), giảm 12,43% so với năm 2010, thoát nghèo bình quân 8,6 nghìn hộ/năm; đã hỗ trợ hơn 15 nghìn hộ nghèo, người có công với cách mạng gặp khó khăn về nhà ở. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, chính trị - xã hội ổn định, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Hoạt động của HĐND, UBND và công tác đối ngoại có nhiều đổi mới thiết thực. Công tác dân vận có nhiều chuyển biến tích cực. Vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng được nâng lên.

Công tác xây dựng Đảng được chú trọng trên cả ba lĩnh vực chính trị, tư tưởng và tổ chức, bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất cao trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị. Đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, nhất là trong việc đấu tranh chống các quan điểm sai trái, lệch lạc, chống âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch. Chú trọng công tác xây dựng, củng cố tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên. Đảng bộ tỉnh đã thường xuyên chú trọng tới công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp, coi đây là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng, với nhiều giải pháp đột phá, quyết liệt; gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ. Đồng thời, có nhiều giải pháp chấn chỉnh và củng cố các tổ chức cơ sở đảng và đảng viên yếu kém. Đến nay, 100% số khu dân cư có chi bộ đảng; tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh hằng năm đạt hơn 75,8%, không còn cơ sở đảng yếu kém; tăng cường công tác kiểm tra việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kiểm tra cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng khi có dấu hiệu vi phạm Điều lệ Đảng, vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đối với Đảng. Việc thực hiện Chỉ thị 03 về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với việc thực hiện Nghị quyết T.Ư4 (khóa XI) về xây dựng Đảng ngày càng đi vào chiều sâu, tạo được những chuyển biến quan trọng cả về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân.

Trong nhiệm kỳ tới, Phú Thọ xác định bốn khâu đột phá để kinh tế phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu xây dựng Phú Thọ trở thành một trong những tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du, miền núi phía bắc là: Đầu tư kết cấu hạ tầng then chốt, cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực và du lịch.

Trong đó, tập trung xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội. Triển khai thực hiện hiệu quả khâu đột phá về đầu tư kết cấu hạ tầng then chốt, trong đó, tập trung huy động nguồn lực đầu tư đồng bộ, hiện đại hạ tầng các khu công nghiệp Phú Hà, Cẩm Khê, Phù Ninh, Trung Hà; phát triển giao thông vận tải đường bộ kết nối các trung tâm kinh tế của tỉnh với mạng lưới giao thông quốc gia như: đường Hồ Chí Minh, Âu Cơ, cao tốc Nội Bài - Lào Cai, quốc lộ 32, 70B, cầu Văn Lang; tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng để xây dựng thành phố Việt Trì cơ bản trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam; nâng cấp thị xã Phú Thọ lên thành phố...

Phát triển công nghiệp có trọng điểm, chú trọng thu hút và phát triển các ngành có thế mạnh, sản phẩm mới có hàm lượng khoa học, giá trị gia tăng cao, công nghệ thân thiện môi trường; phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng khoa học và công nghệ cao, nông nghiệp xanh, tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn; tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích gắn với xây dựng nông thôn mới. Tập trung thu hút đầu tư hạ tầng dịch vụ, du lịch; tăng cường liên kết phát triển tua, tuyến du lịch và phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, có lợi thế của tỉnh (du lịch tâm linh hướng về cội nguồn, sinh thái - nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí); phấn đấu từng bước trở thành địa bàn trọng điểm du lịch của vùng và đủ điều kiện để Phú Thọ đăng cai Năm du lịch Quốc gia vào năm 2020.

Chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài; đào tạo lao động có trình độ kỹ thuật cao, có kỹ năng nghề nghiệp theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân; thực hiện hiệu quả các chính sách lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; giải quyết tốt các vấn đề việc làm, giảm nghèo theo hướng bền vững. Chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử và các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, phục vụ giáo dục truyền thống và gắn với phát triển kinh tế, du lịch; hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Hát Xoan Phú Thọ ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp.

Nâng cao năng lực lãnh đạo, tính tiên phong, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng; giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, trước hết trong cấp ủy và đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Tiếp tục chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, gắn với thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị. Tiếp tục đổi mới, tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp và chi bộ.

MỤC TIÊU, PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN CỦA TỈNH PHÚ THỌ GIAI ĐOẠN 2015- 2020

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng bình quân 7,5%/năm; trong đó: Công nghiệp - xây dựng tăng 9,5%/năm; dịch vụ tăng 7,5%/năm; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,5%/năm.

- GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 52,5 triệu đồng (tương đương 2.400 USD).

- Cơ cấu kinh tế năm 2020: Công nghiệp - xây dựng 41,5%, dịch vụ 38,5%; nông, lâm nghiệp, thủy sản 20%. Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 12%/năm, đến năm 2020 đạt hơn 1.300 triệu USD.

- Thu ngân sách nhà nước từ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tăng bình quân 10%/năm trở lên.

- Tỷ lệ đường giao thông nông thôn được kiên cố hóa đạt 70%.

- Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,5%/năm; phấn đấu đưa huyện Tân Sơn thoát nghèo.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo và truyền nghề đạt 70%, trong đó đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 28%. Lao động có việc làm tăng thêm, đạt 77,5 nghìn người; xuất khẩu lao động 2,5 nghìn người/năm trở lên.

- Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 82% số dân; có 11 bác sĩ, 32,4 giường bệnh trên 10 nghìn dân; 100% số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế.

- Tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên hằng năm đạt hơn 90%; trong đó, tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh đạt 50%; giảm số cơ sở đảng yếu kém xuống dưới 1%.

- Kết nạp hơn 2.500 đảng viên mới/năm; trong đó đảng viên mới trong doanh nghiệp đạt hơn 300 đảng viên/năm.

Ngọc Long

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/xahoi/tin-tuc/item/27498002-phu-tho-phan-dau-tro-thanh-tinh-phat-trien-hang-dau-cua-vung-trung-du-mien-nui-bac-bo.html