Phú Thọ: Loạn phương tiện thủy trên tuyến sông Lô

Rất nhiều bến nổi, điểm tập kết tàu thuyền "ngự trị" trên tuyến sông Lô đoạn chạy qua huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ, đang gây ra nhiều bất cập lớn từ chính hoạt động của mình.

Nhiều bất cập trên tuyến sông Lô

Thời gian gần đây, dư luận "dậy sóng" về tình trạng neo đậu tàu thuyền trọng tải lớn trên tuyến sông Lô, thậm chí ngay sát hệ thống cầu đường bộ sông Lô thuộc địa bàn huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ.

Theo đó, việc tập kết các phương tiện vận tải đường thủy đã và đang gây ra một "mối nguy" lớn về tình hình an toàn giao thông đường thủy cùng các hạng mục kết cấu hạ tầng đường thủy và đường bộ thiết yếu.

Để mục sở thị tình trạng trên, Phóng viên đã có những ghi nhận ngay tại "tâm điểm" của hoạt động neo đậu tàu bè, bến nổi đang hoạt động nơi đây.

Một trong những điểm tập kết trên sông Lô, đoạn chạy qua huyện Đoan Hùng, Phú Thọ.

Theo quan sát của phóng viên, các tàu vận tải hạng nặng được tập kết với mức độ dày đặc, liên tục neo đậu, vận tải hàng hóa trên tuyến sông Lô, huyện Đoan Hùng, thậm chí neo đậu ngay sát chân cầu sông Lô (một công trình giao thông huyết mạch của vùng), và vô tư tập kết ở ngay cạnh hệ thống kè bảo vệ đê điều của tỉnh.

Quang cảnh các phương tiện tập kết dưới chân cầu sông Lô.

Cảnh neo đậu lộn xộn không theo một trật tự sắp xếp nào được diễn ra phổ biến, có nhiều tàu vận tải hạng nặng có dấu hiệu của việc vi phạm trọng tải.

Nhiều tàu vận chuyển vật liệu hàng hóa cảm giác như sắp mớm mặt nước, chỉ cần một tàu nhỏ khác chạy nhanh ngược chiều sẽ tạo ra sóng lớn rất nguy hiểm.

Tàu vận tải lớn đầy ắp hàng hóa, vô tư đi qua hạng mục cầu sông Lô.

Neo đậu ở bất cứ nơi nào có thể.

Theo báo cáo của Đoàn kiểm tra liên ngành của Ban An toàn giao thông tỉnh Phú Thọ cho thấy, hiện tại, trên địa bàn tỉnh có tổng số 162 bến bãi hàng hóa, 15 bến nổi và 53 bến khách ngang sông đang hoạt động.

Trong số 162 bến hàng hóa có 87 bến đã được cấp phép và 75 bến tự phát không phép. Trong 75 bến không phép thì trên sông Lô có 12 bến, sông Hồng có 16 bến… chưa được cấp phép.

Ban An toàn giao thông tỉnh nhận định, tình hình giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh đang diễn ra hết sức phức tạp. Một số tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh bến thủy nội địa chưa có giấy phép hoạt động theo quy định.

Một số bến có giấy phép tuy nhiên hoạt động chưa tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, còn để các phương tiện hết hạn kiểm định, sử dụng thiết bị xếp dỡ không đảm bảo an toàn kỹ thuật theo quy định, khai thác bến thủy nội địa quá thời hạn cho phép, trang bị không đầy đủ thiết bị phòng cháy chữa cháy, khai thác bến thủy không đúng mục đích.

Mặt khác, tình trạng hoạt động bến nổi trên sông Lô phía thượng và hạ lưu cầu Sông Lô (huyện Đoan Hùng) có quá nhiều phương tiện thủy nội địa, máy múc tập trung hoạt động sang mạn hàng hóa, cát sỏi, đậu đỗ cả trong phạm vi hành lang an toàn của cầu, lấn chiếm luồng tuyến, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Tại vị trí gần trụ cầu sông Lô phía thượng và hạ lưu cầu đang có một số phương tiện neo đậu để sửa chữa không đảm bảo an toàn giao thông.

Ngoài ra, dọc hai bên bờ sông Chảy, hầu hết các bến bãi tập kết cát sỏi đều tự phát, chủ yếu là các đối tượng tự thuê đất nông nghiệp của dân để mở bến bãi, gây tình trạng lộn xộn, mất an toàn giao thông.

Cũng theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, trong tổng số 162 bến đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, chỉ có 67 bến đã được đầu tư xây dựng hệ thống nhà làm việc, kho bãi xây dựng kiên cố theo quy định, còn lại 95 bến đều mới chỉ xây dựng tạm, hệ thống nhà làm việc, kho bãi chưa được đầu tư xây dựng.

Nhiều bến chưa chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về đất đai: Tự ý lấn chiếm hành lang đê, hành lang giao thông đường bộ, bờ vở sông để sử dụng làm bãi tập kết vật liệu kinh doanh bến bãi; sử dụng đất vượt mốc giới được giao, xây dựng các công trình khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép trong lòng sông, bãi sông…

Hiện tại 162 bến hàng hóa có sử dụng vùng đất, chỉ có 31 bến được UBND tỉnh, 33 bến được UBND huyện cấp đất, 50 bến thuê đất của UBND xã, phường, còn lại 34 bến tự ý thuê đất của dân và 14 bến kinh doanh trên đất thổ cư...

"Trảm" nhiều nhưng vẫn cho "mọc" bến mới?

Trong kết luận vào 22/7/2016 của Đoàn kiểm tra liên ngành (Ban An toàn giao thông tỉnh Phú Thọ) đã yêu cầu: Tạm đình chỉ hoạt động tổng cộng 14 bến thủy nội địa, đình chỉ 12 phương tiện (không đăng ký, đăng kiểm hoặc đăng kiểm đã hết hạn kiểm định), lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 17 trường hợp trong đó có (9 tổ chức là các Doanh nghiệp và 8 cá nhân là chủ bến, chủ các hộ kinh doanh), tổng số tiền xử phạt là 75.500.000 đồng.

Tuy nhiên, ngày 29/8/2016, dựa trên đề xuất của doanh nghiệp, Sở GTVT tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định số 690/QĐ-SGTVT quyết định cấp phép cho công ty TNHH Nam Phong hoạt động bến nổi từ km 61+180 đến km62+130 bên bờ trái sông Lô thuộc địa bàn xã Đại Nghĩa (huyện Đoan Hùng) với mục đích bốc xếp, trung chuyển hàng hóa.

Đáng chú ý, khu vực cấp phép cho Công ty Nam Phong nằm đối diện ngay với Cảng nội địa Đoan Hùng và nằm trong khu vực hai kè trị thủy khiến cho lòng sông Lô bị thu hẹp, giao thông qua khu vực này càng thêm hỗn loạn và mất an toàn nghiêm trọng.

Có một "điều lạ" là tại khu vực này, trước kia có 4 biển báo cấm các phương tiện đường thủy neo đậu để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy qua khu vực này.

Tuy nhiên, dường như để hợp thức hóa cho việc cấp phép bến nổi cho doanh nghiệp, Sở GTVT tỉnh Phú Thọ và một số ngành chức năng liên quan đã tổ chức nhổ bỏ 4 biển cấm neo đậu nêu trên.

Bến nổi Nam Phong 2 với những phương tiện vận tải đầy ắp hàng hóa.

Để lý giải về vấn đề trên, theo ông Nguyễn Tiến Hùng, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Phú Thọ cho hay: Việc thu hồi 4 biển báo cấm phương tiện neo đậu (C1.4) tại khu vực từ km 59+600 đến km62 +130 bến bờ trái sông Lô thuộc địa bàn xã Đại Nghĩa với lý do: các biển báo cấm đỗ này trước đây được lắp đặt với mục đích cấm các phương tiện thủy nội địa neo đậu để hút cát.

Qua trao đổi ông Hùng cũng cho biết thêm: Hiện tại khu vực này các cơ quan có thẩm quyền đang triển khai hướng dẫn các chủ bến nổi hoàn thiện hệ thống báo hiệu đường thủy để được cấp phép hoạt động với mục đích trung chuyển hàng hóa và sắp tới còn cho mở thêm nhiều bến mới...

Quyết định cấp mới bến nổi trong khi hoạt động của các bến thủy còn quá nhiều bất cập (dấu X thể hiện những sai phạm trong hoạt động của các đơn vị, cá nhân liên quan đến hoạt động đường thủy trên địa bàn tỉnh Phú Thọ).

Chưa dừng lại ở đó, theo điều tra của phóng viên thì bên cạnh các đơn vị, cá nhân khai thác cát đã được UBND tỉnh cấp phép, vẫn có nhiều chủ thể khai thác cát trái phép vi phạm pháp luật, khai thác bừa bãi theo kiểu “tận diệt” đã làm xói lở đất đai, vườn tược, sạt lở bờ sông nghiêm trọng, gây ô nhiễm môi trường, làm thất thoát tài nguyên, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự An toàn giao thông đường thủy.

Nhiều đối tượng còn viện cớ tự thuê đất nông nghiệp để mở bến bãi, thực chất là khai thác cát, gây sạt lở bờ sông, uy hiếp đến nhiều công trình đê, kè và nhà cửa, ruộng vườn của hàng trăm hộ dân.

Một số bến chưa phù hợp nằm quá gần cảng gây mất trật tự an toàn giao thông và cạnh tranh nhu cầu bốc xếp với cảng. Một số bến nằm trong hành lang bảo vệ đê…

Ngày 27/7/2016, Công ty CP quản lý bảo trì Đường thủy nội địa đã có văn bản gửi Ban quản lý dự án đường thủy nội địa, báo cáo về một số hành vi xâm hại công trình kết cấu hạ tầng giao thông Đường thủy nội địa trên sông Lô, đoạn từ km 34+000 đến km 63+500 sông Lô như: Neo đậu phương tiện trong hành lang bảo vệ kè khu vực cụm kè Sóc Đăng và tập kết, neo đậu phương tiện trong luồng, hành lang luồng, hành lang bảo vệ cầu Đoan Hùng- sông Lô từ km 63+100 đến km63+500. Tuy nhiên đến nay dường như vẫn chưa được cải thiện nhiều.

Bãi tập kết tàu thuyền quá gần hành lang bảo vệ cầu sông Lô.

Việc quy hoạch giao thông đường thủy, có nơi tản mạn, có nơi đông đặc, các phương tiện vận tải đường thủy xâm lấn các hạng mục bảo vệ cầu đường, đê kè, cùng sự "mở mang" thêm bến mới... Vô hình chung đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình an toàn giao thông đường thủy, an toàn đê kè, lưu thông dòng chảy trên sông Lô...Kéo theo đó là sự bất ổn, lãng phí do cạnh tranh không lành mạnh nguồn hàng giữa bến nổi và cảng nội địa khác...

Được biết, năm 2016 là năm tỉnh Phú Thọ mở cuộc vận động xây dựng phong trào "Văn hóa giao thông với bình yên sông nước".

Tuy nhiên, trước những thực trạng trên, thiết nghĩ các cơ quan chức năng liên quan sớm vào cuộc để ổn định tình hình, trả lại cảnh quan, an toàn giao thông cũng như lập lại trật tự luồng lạch trên tuyến sông Lô nói riêng cũng như hệ thống giao thông Đường thủy nội địa trên toàn tỉnh Phú Thọ.

Pháp Luật Plus sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề trên.

Đặng Tiến

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/phu-tho-loan-phuong-tien-thuy-tren-tuyen-song-lo-d25022.html