Phụ nữ vùng cao miệt mài làm nghề, gìn giữ nét đẹp nghề truyền thống

Với niềm trăn trở phải bảo tồn và lưu giữ giá trị truyền thống văn hóa đồng bào mình, nhiều phụ nữ vùng cao Nghệ An vẫn từng ngày miệt mài đan lát, dệt thổ cẩm… nhằm gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống.

Không chỉ gìn giữ, bảo tồn nghề truyền thống mà những người phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi Nghệ An còn kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Nằm lọt thỏm giữa đại ngàn, bản Diềm (xã Châu Khê, huyện Con Cuông, Nghệ An) nơi tập trung đồng bào Thái và Đan Lai sinh sống.

Từ bàn tay khéo léo, những người phụ nữ dân tộc ở bản Diềm đã làm ra những sản phẩm chất lượng, đẹp mắt. Sản phẩm đan lát được nhiều người yêu thích và đang dần khẳng định chỗ đứng trên thị trường.

Nghề đan lát có từ xa xưa, là nghề truyền thống của đồng bào Thái nơi đây. Mây tre đan làng Diềm đã vượt ra khỏi "lũy tre làng" vươn ra chinh phục thị trường thế giới.

Các sản phẩm truyền thống mỹ nghệ làng Diềm cũng có mặt tại các Hội chợ thương mại lớn, cuộc triển lãm… và được nhiều người biết đến.

Bà Lang Thị Hoa - Giám đốc HTX mây tre đan bản Diềm chia sẻ: "Thu nhập của các thành viên trong HTX cao và ổn định hơn, giúp chị em gắn bó hơn với nghề...".

Không chỉ có nền văn hóa lâu đời, dân tộc Thái ở bản Phẩy Thái Minh, xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ, còn gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống, tạo ra nhiều sản phẩm thu hút du khách.

Đối với người Thái ở bản Phẩy Thái Minh, dệt thổ cẩm chính là nghề truyền thống đã ăn sâu trong máu. Dù cho công việc này đòi hỏi nhiều công đoạn phức tạp, tiêu tốn thời gian, họ vẫn sẵn lòng làm một cách chỉn chu nhất.

Dưới bàn tay khéo léo, phụ nữ dân tộc Thái đã dệt nên nhiều hoa văn đẹp. Nghề dệt thổ cẩm được phụ nữ Thái truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Những đường nét, họa tiết. hoa văn sinh động trên các sản phẩm thể hiện sự khéo léo, kỳ công, tỉ mỉ chứa đựng sự kiên trì, tinh tế, mang vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ Thái.

Nghề dệt thổ cẩm vừa giữ được những nét đẹp của văn hóa truyền thống vừa là nguồn thu nhập của những người phụ nữ dân tộc Thái trong phát triển kinh tế gia đình.

Cùng với sự phát triển của hoạt động du lịch cộng đồng tại huyện miền núi Con Cuông, các mặt hàng dệt thổ cẩm từ bàn tay khéo léo của phụ nữ Thái dần trở thành sản phẩm thương mại gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Với tâm nguyện muốn lưu giữ cho đời sau, những người thợ đang làm "sống dậy" nghề dệt thổ cẩm. Sản phẩm dệt thổ cẩm của những chị em phụ nữ nơi đây đã có mặt ở nhiều cửa hàng lưu niệm, các điểm du lịch.

Nghệ An là một tỉnh có thế mạnh về phát triển các làng nghề, nhất là nghề thủ công. Địa phương này có 172 làng nghề, trong đó có nhiều làng nghề với những sản phẩm đặc trưng, có giá trị xuất khẩu như mây tre đan, dệt thổ cẩm… Theo đánh giá của các chuyên gia, dư địa của các sản phẩm làng nghề đang rất rộng mở, nhất là khi công nghệ thông tin phát triển, các sàn thương mại điện tử bùng nổ đã tạo cơ hội cho các sản phẩm làng nghề mở rộng thị trường, đưa thương hiệu các sản phẩm làng nghề tiến xa hơn.

Hoàng Trinh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/phu-nu-vung-cao-miet-mai-lam-nghe-gin-giu-net-dep-nghe-truyen-thong-169240307204215563.htm