Phụ nữ Mường La thi đua phát triển kinh tế

Hỗ trợ hội viên tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất, xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế tiêu biểu, giúp hội viên nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo. Đó là cách làm của Hội LHPN huyện Mường La đã giúp nhiều hộ hội viên chủ động sản xuất, kinh doanh.

Hội viên phụ nữ bản Cang Phiêng, xã Pi Toong, huyện Mường La chăn nuôi gia súc nhốt chuồng.

Hội LHPN Mường La có 16 cơ sở hội, với hơn 18.000 hội viên. Bà Phạm Thị Thu Hường, Chủ tịch Hội LHPN huyện, cho biết: Hội đã chỉ đạo các cấp hội tuyên truyền, vận động hội viên tham gia phong trào “Phụ nữ thi đua phát triển kinh tế”; tạo điều kiện cho hội viên được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi; thực hiện tiết kiệm, gây quỹ hội cho hội viên vay. Quan tâm hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ để có kế hoạch giúp đỡ phù hợp, như hỗ trợ cây giống, con giống, vật tư nông nghiệp, ngày công lao động, giới thiệu việc làm...

Hiện nay, Hội LHPN huyện nhận ủy thác trên 107 tỷ đồng từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh huyện, cho trên 2.530 hộ vay. Ngoài ra, 23 hội viên nghèo, cận nghèo của xã Ngọc Chiến và Nậm Giôn được vay hơn 500 triệu đồng từ Dự án “Hỗ trợ vốn quay vòng phát triển kinh tế và phòng chống thiên tai cho phụ nữ khó khăn” (thuộc Quỹ cộng đồng phòng tránh thiên tai). Đầu năm 2022, Hội đã ký thỏa thuận với Ngân hàng Liên Việt Post Bank chi nhánh tỉnh Sơn La về phối hợp tuyên truyền và tạo điều kiện mở rộng nguồn vốn vay cho hội viên phát triển kinh tế.

Thực hiện Đề án 939 về “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, từ năm 2019 đến nay, Hội đã thành lập 2 mô hình nuôi dê tại xã Mường Trai, Nặm Păm, hỗ trợ con giống cho 15 hội viên có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức 6 lớp tập huấn cho 240 hội viên tại các cụm xã về kỹ thuật sản xuất, kỹ năng kinh doanh, kỹ năng bán hàng, quảng bá, xây dựng thương hiệu, quản lý tài chính. Hỗ trợ thành lập các mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ, tạo sự hợp tác, liên kết trong sản xuất, kinh doanh...

Bên cạnh đó, các cấp hội trong huyện xây dựng và nhân rộng mô hình kinh tế phù hợp. Trong đó, ưu tiên, phát triển các sản phẩm chủ lực, có lợi thế, sản phẩm đặc trưng, trồng cây ăn quả trên đất dốc, phát triển đàn gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản vùng lòng hồ. Có nhiều mô hình kinh tế tiêu biểu của hội viên cho thu nhập từ 200-600 triệu đồng/năm, như: Mô hình trồng rau màu và hoa của hội viên Lèo Thị Đẹm, bản Đông Xuông, xã Ngọc Chiến; nuôi bò nhốt chuồng kết hợp trồng cây ăn quả trên đất dốc của hội viên Đèo Thị Hạnh, bản Mường Bú, xã Mường Bú; trồng trọt kết hợp cung ứng giống cây trồng của hội viên Lường Thị Lan, bản Nặm Ún, xã Mường Chùm...

Hội Phụ nữ xã Chiềng Lao có 19 chi hội cơ sở, với 1.720 hội viên. Hội đã hướng dẫn các chi hội xây dựng quỹ hội và triển khai mô hình tiết kiệm với mức đóng 50.000 đồng/hội viên/năm. Đến nay, tổng số quỹ có hơn 400 triệu đồng, đã cho 74 hội viên vay xoay vòng để phát triển sản xuất. Bà Quàng Thị Liên, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, cho biết: Các mô hình trồng cây ăn quả tại bản Phiêng Cại; nuôi cá lồng tại bản Tà Sài; nuôi dê nhốt chuồng tại bản Nhạp đem lại hiệu quả kinh tế, đang được nhiều hội viên áp dụng. Hội còn vận động 4 chi hội bản vùng cao, gồm Phiêng Phả, Đán Én, Huổi Hậu, Pá Sóng, triển khai mô hình chăn nuôi gia súc làm hàng hóa.

Chị Vì Thị Ỏn, hội viên Chi hội phụ nữ bản Ten, xã Pi Toong, chia sẻ: Thông qua nhận ủy thác của Hội Phụ nữ, tôi đã vay 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội để mua bò nuôi nhốt chuồng. Có thời điểm nuôi 18 con bò, mang lại nguồn thu nhập khá, gia đình tôi thoát nghèo. Gia đình còn trồng thêm các loại rau màu ngắn ngày và cây ăn quả, thu nhập bình quân mỗi năm từ 100-150 triệu đồng; có điều kiện chăm lo việc học hành cho các con.

Đồng hành cùng hội viên phát triển sản xuất, Hội LHPN huyện Mường La tiếp tục giúp đỡ hội viên về kiến thức, kinh nghiệm, tiếp cận nguồn vốn, lựa chọn mô hình kinh tế phù hợp để đầu tư phát triển, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, xây dựng gia đình hạnh phúc, đóng góp tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.

Huyền Trăng

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/phu-nu-muong-la-thi-dua-phat-trien-kinh-te-53143