Phụ nữ cần làm gì để giỏi việc nước, đảm việc nhà?

Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, phụ nữ Việt Nam ngày càng khẳng định được vai trò và có đóng góp to lớn cho xã hội. Thế nhưng dù thành công ở bất cứ lĩnh vực, ngành nghề nào thì trong gia đình, vai trò làm vợ, làm mẹ, giữ 'lửa' hôn nhân, chăm sóc các thành viên của các chị... là điều không thể thay thế. 'Một vai hai việc', làm thế nào để giỏi? Báo Quân đội nhân dân giới thiệu một số ý kiến chia sẻ về nội dung này.

Trung tá, PGS, TS NGUYỄN THỊ BÍCH HƯỜNG, Chủ nhiệm Bộ môn Hóa học, Khoa Khoa học cơ bản (Học viện Hậu cần):

Giữ “lửa” gia đình và “lửa” nhiệt huyết công việc

Năm 2011, tôi vào Quân đội và làm giảng viên Bộ môn Hóa học tại Học viện Hậu cần. Đây có lẽ là thời điểm tôi gặp nhiều khó khăn nhất vì vừa mới nhận công tác, số lượng công việc nhiều, luận án đang dang dở, chưa kể con nhỏ lúc ốm đau, chồng đi công tác. Có những thời điểm tôi tưởng chừng như mình không thể vượt qua. Thế rồi bên cạnh sự giúp đỡ của gia đình, người thân, đồng chí, đồng đội, tôi đã cố gắng sắp xếp mọi việc một cách khoa học nhất.

Cuối năm 2012, tôi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ở tuổi 30 và vinh dự trở thành một trong những nữ tiến sĩ trẻ trong Quân đội. Năm 2018, tôi vinh dự được bổ nhiệm chức danh phó giáo sư ở tuổi 36. Gia đình tôi hiện nay lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười. Hai con của tôi cũng đã tự lập được phần nào. Vì thế, vợ chồng tôi cũng có nhiều thời gian cho công việc hơn. Vừa qua, con trai lớn đang học lớp 9 của chúng tôi đoạt giải nhất cuộc thi học sinh giỏi toán cấp quận.

Tôi thiết nghĩ, muốn làm tốt “một vai hai việc”, mỗi người phụ nữ cần chịu thương chịu khó, vị tha, khéo sắp xếp công việc và hãy là người giữ “lửa” trong gia đình; đồng thời hãy thắp lên “ngọn lửa” nhiệt huyết, say mê công việc. Nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, tôi muốn nhắn gửi tới các mẹ, các chị em trong và ngoài Quân đội lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

QUÝ LÊ (ghi)

----------

Cô giáo NGUYỄN THỊ NỤ, giáo viên Trường THPT Chuyên Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn:

Gia đình là nguồn động lực to lớn cho công việc

Tôi may mắn được làm đúng công việc mà mình yêu thích và tính đến nay đã 30 năm đứng trên bục giảng, dạy môn Địa lý. Quá trình công tác, tôi luôn cố gắng để mang tri thức và cả cảm hứng, năng lượng tích cực đến các thế hệ học trò.

Cô giáo Nguyễn Thị Nụ (Trường THPT Chuyên Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn) và các em đoạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Địa lý năm học 2022-2023. Ảnh do nhân vật cung cấp

Niềm vui của tôi là sự trưởng thành, tiến bộ của các em học sinh. Năm học 2021-2022, tôi có 3 em học sinh đoạt giải cấp quốc gia môn Địa lý (1 giải nhất, 1 giải ba và 1 giải khuyến khích); tiếp đó, năm học 2022-2023, có một em đoạt giải ba, một em đoạt giải khuyến khích. Năm học 2021-2022, lần đầu tiên tỉnh Bắc Kạn có học sinh đoạt giải nhất cấp quốc gia. Đó là vinh dự lớn không chỉ đối với riêng tôi.

Công việc của tôi thường xuyên bận rộn, ban ngày ở trường, tối về soạn bài, chấm bài và học hỏi thêm kiến thức mới. Nhất là khi nước rút chuẩn bị cho mỗi kỳ thi học sinh giỏi quốc gia là thời gian tôi dành toàn tâm, toàn lực cho việc ôn thi đội tuyển.

Gia đình luôn là nơi bình yên, là nguồn động lực lớn nhất của tôi. Tôi sinh được hai cháu song sinh (một trai, một gái). Ban đầu cũng gặp không ít khó khăn trong việc cân đối thời gian dành cho gia đình và công việc, nhưng sau đó, tôi đã cố gắng sắp xếp thời gian khoa học, đồng thời nhận được sự hỗ trợ của các thành viên trong gia đình về công việc trong nhà. Tôi cũng thường xuyên kết nối, trò chuyện để gia đình được gắn kết và thấu hiểu lẫn nhau. Đến nay, hai con tôi đều học xong các trường chuyên nghiệp, lập gia đình và tôi đã có cháu. Mỗi khi trở về nhà, tôi đều thấy những thanh âm hạnh phúc.

DUY TRÍ (ghi)

----------

Chị VĂN NGÔ THỤY DIỄM, Phó trưởng Phòng Tổ chức-Hành chính, Công ty Cổ phần May xuất khẩu Long An:

Không ngừng vươn lên và hạnh phúc trọn vẹn

Là người làm công tác tổ chức-hành chính, tôi đã tìm hiểu, học hỏi và chủ động tham mưu cho ban giám đốc về công tác cán bộ, chế độ lương, chính sách, khen thưởng, kỷ luật, bữa ăn, chế độ phụ cấp cho người lao động; đồng thời tham mưu cải cách hành chính, áp dụng công nghệ thông tin vào công tác chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, trên cương vị Bí thư Đoàn cơ sở, các hoạt động Tổ tư vấn, giải đáp pháp luật lao động, chế độ bảo hiểm, Tổ phát thanh nội bộ và các hoạt động "Tặng áo lành-trao yêu thương", "Tiếp bước em đến trường" của thanh niên công ty do tôi phụ trách cũng hoạt động hiệu quả.

Tôi đã vinh dự được nhận danh hiệu Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc năm 2020 cùng các bằng khen của Trung ương Đoàn, UBND tỉnh, Tỉnh đoàn, Liên đoàn Lao động tỉnh. Có kết quả tốt trong công việc, nhưng tôi luôn suy nghĩ gia đình là số một. Dù bận rộn đến đâu, hằng ngày tôi đều sắp xếp để có thời gian chơi với con, dạy con học; vợ chồng chia sẻ, lắng nghe lẫn nhau; quan tâm, chăm sóc, yêu quý ba mẹ. Tôi nghĩ rằng, chị em phụ nữ hiện đại cần không ngừng học hỏi vươn lên và vừa có thành công, vừa có cuộc sống gia đình hạnh phúc mới là trọn vẹn.

BIỆN CƯỜNG (ghi)

----------

Thiếu tá, Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I LẠI THANH THÙY, Chủ nhiệm Khoa Tiêu hóa-Bệnh máu, Bệnh viện Quân y 17 (Cục Hậu cần, Quân khu 5):

Luôn nỗ lực, cố gắng hết mình

Là chủ nhiệm, bí thư chi bộ khoa, tôi luôn tích cực học tập nâng cao trình độ, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Quá trình phân công công việc, tôi luôn tạo điều kiện để cán bộ, nhân viên trong khoa được cọ xát, rèn luyện, tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới của ngành y.

Mỗi lần giao ban, hội ý, rút kinh nghiệm định kỳ hay sau những ca mổ khó, tôi luôn nêu cao tinh thần dân chủ, lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp của cấp dưới, đồng thời nghiêm túc phê bình, thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm, hạn chế của các bác sĩ, điều dưỡng viên, y tá, cả về y đức lẫn y thuật, để mỗi người tìm cách khắc phục.

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chỉ phê bình việc chứ không phê bình người”, mối quan hệ đoàn kết, gắn bó trong chi bộ, trong khoa chúng tôi luôn được củng cố, tăng cường. Trong những thời điểm khó khăn, ngặt nghèo nhất, mọi người vẫn luôn sẵn sàng sẻ chia, hỗ trợ nhau để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Từ năm 2020-2023, Khoa Tiêu hóa-Bệnh máu liên tục đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng. Ngày Thầy thuốc Việt Nam hay những khi lễ, tết, sinh nhật, tổng kết cuối năm luôn là kỷ niệm đẹp và khó quên với các thầy thuốc trong khoa.

Chồng tôi là bộ đội xa nhà, hai con còn thơ bé. Để việc chung không làm ảnh hưởng đến việc riêng, hằng tuần, tôi đều tự xây dựng các chương trình, kế hoạch chi tiết cho bản thân và quyết tâm thực hiện thật tốt. Mỗi tối, tôi đều dành khoảng một giờ trò chuyện, hướng dẫn các con học bài, soạn sách vở, đồ dùng học tập của ngày hôm sau. Tôi dạy các con tính tự lập, chăm chỉ, lễ phép, biết sẻ chia, giúp đỡ mẹ và mọi người.

Ngày nghỉ cuối tuần, tôi thường đưa con lên đơn vị thăm chồng, để con hiểu hơn về công việc, cuộc sống của bố và cũng là lúc vợ chồng gần gũi, hàn huyên, tâm sự. Bí quyết để có gia đình hạnh phúc của tôi không có gì nhiều, đó là sự thông cảm, sẻ chia, cùng nhau cố gắng thì khó khăn nào rồi cũng qua.

VIỆT HÙNG (ghi)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/phu-nu-can-lam-gi-de-gioi-viec-nuoc-dam-viec-nha-767800