Phụ nữ bị suy giãn tĩnh mạch cao gấp 3 lần nam giới

Suy giãn tĩnh mạch chi dưới (giãn tĩnh mạch chân) là tình trạng máu ở hệ thống tĩnh mạch bị ứ lại ở chân, không đi lên tĩnh mạch chủ để trở về tim như bình thường. Tình trạng này làm tăng áp lực thủy tĩnh trong lòng tĩnh mạch khiến tĩnh mạch giãn ra.

Điều trị bệnh suy giãn tĩnh mạch bằng phương pháp y học cổ truyền tại Bệnh viện Đồng Nai-2

Bệnh có thể dẫn đến các biến chứng khó chữa như: chàm da, loét chân không lành, chảy máu, giãn lớn các tĩnh mạch nông, viêm tĩnh mạch nông huyết khối, huyết khối tĩnh mạch sâu...

Những yếu tố nguy cơ gây bệnh

TS-BS Võ Tuấn Anh, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực - tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh suy giãn tĩnh mạch, trong đó có những yếu tố không thể thay đổi được như giới tính, tuổi.

Thống kê ở người trưởng thành, khoảng 73% nữ giới và 56% nam giới bị suy giãn tĩnh mạch chân. Nữ giới có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn gấp 3 lần nam giới do ảnh hưởng của nội tiết tố nữ, quá trình thai nghén gây chèn ép cản trở máu tĩnh mạch. Phụ nữ càng có nhiều con thì nguy cơ bị suy giãn tĩnh mạch càng cao.

Một số ngành nghề, công việc như: bán hàng, thợ dệt, may, chế biến thủy, hải sản, giáo viên đòi hỏi phải đứng lâu có tỷ lệ người mắc bệnh cao hơn. Người béo phì, ít vận động hoặc làm việc mang vác nặng cũng dễ bị suy giãn tĩnh mạch.

Để phòng bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới, người dân cần tránh đứng lâu, ngồi lâu mà không vận động. Khi ngồi/đứng 1 giờ cần vận động chân rồi ngồi làm việc tiếp. Ngoài ra, cần khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm, điều trị bệnh sớm nếu có…

Về tuổi, bệnh nhân càng lớn tuổi thì hệ thống van tĩnh mạch càng bị suy và càng có nguy cơ mắc bệnh.

Chị P.N.T. (37 tuổi, ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) vừa đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai thăm khám và điều trị do bị suy giãn tĩnh mạch chân. Chị T. cho hay, chị phát hiện bị bệnh từ năm 2019 với các dấu hiệu như: đau chân, tê chân, đêm nằm ngủ cảm thấy nhức mỏi làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Nguyên nhân được chị T. đưa ra là khoảng thời gian trước khi bị bệnh, do tính chất công việc văn phòng nên chị ngồi nhiều, lười vận động và đi lại. Do vậy, máu ở chân không lưu thông được dẫn đến suy giãn tĩnh mạch. Tuy nhiên, qua thăm khám, bác sĩ cho hay bệnh đang còn ở mức độ vừa, chưa cần thiết phải phẫu thuật.

Trong khi đó, chị N.T.H. (ngụ xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu) có thâm niên 12 năm làm công nhân tại một công ty giày da trên địa bàn huyện cũng bị suy giãn tĩnh mạch. Chị H. tâm sự, do tính chất công việc nên những công nhân như chị thường xuyên phải đứng, không có điều kiện để di chuyển. Lâu dần, 2 chân tê mỏi, nổi nhiều gân xanh, đi lại khó khăn.

Cần khám và điều trị sớm

Theo TS-BS Võ Tuấn Anh, bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới đang có dấu hiệu gia tăng và ngày càng trẻ hóa. Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng của bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới thường mờ nhạt và thoáng qua. Người bệnh thường có biểu hiện đau chân, nặng chân, mỏi chân, phù nhẹ khi đứng lâu, ngồi nhiều, chuột rút vào buổi tối, cảm giác bị châm kim, dị cảm như kiến bò vùng cẳng chân về đêm. Nhiều mạch máu nhỏ li ti ở cổ chân và bàn chân. Những triệu chứng này thường không rõ ràng hoặc mất đi khi nghỉ ngơi, các tĩnh mạch ở chi chưa giãn nhiều, lúc giãn, lúc không nên người bệnh ít chú ý và dễ bỏ qua.

Giai đoạn tiến triển, bệnh sẽ gây phù chân, có thể phù ở mắt cá hay bàn chân. Vùng cẳng chân xuất hiện thay đổi màu sắc da đen hơn, sậm hơn do máu ứ ở tĩnh mạch lâu ngày. Các tĩnh mạch trương phồng lên gây cảm giác nặng, đau nhức chân, máu thoát ra ngoài mạch gây phù chân. Hiện tượng này không mất đi khi nghỉ ngơi, nặng hơn có thể thấy các búi tĩnh mạch trương phồng nổi rõ trên da một cách thường xuyên, các mảng bầm máu trên da.

Ở giai đoạn nặng hơn, bệnh gây viêm tĩnh mạch nông huyết khối, biến chứng là thuyên tắc tĩnh mạch sâu đoạn gần, đoạn xa và thuyên tắc phổi; chảy máu nặng do giãn vỡ tĩnh mạch, nhiễm khuẩn vết loét không lành ở vùng cẳng chân.

Nhờ sự tiến bộ của y học và hệ thống siêu âm mà hiện nay, việc phát hiện trường hợp mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới không khó. Tuy vậy, để điều trị dứt điểm bệnh suy giãn tĩnh mạch, người bệnh khi có các triệu chứng kể trên cần đến cơ sở y tế để được khám bởi bác sĩ chuyên khoa, không nên điều trị tại nhà. Bởi có những người bị phù chân nhưng không phải bị suy giãn tĩnh mạch chi dưới mà là dấu hiệu của bệnh tim, xơ gan, suy thận.

Tùy vào từng mức độ của bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định các phương án điều trị phù hợp. Nếu ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể mang vớ áp lực cao để tạo áp lực liên tục lên vùng cẳng chân và vùng đùi giúp việc dẫn lưu máu của tĩnh mạch tốt hơn. Hoặc có thể uống các loại thuốc điều trị.

Khi bệnh đã nặng, bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân làm phẫu thuật. Phương pháp phẫu thuật phổ biến nhất hiện nay là dùng các nguồn năng lượng đặc biệt như laser, sóng cao tần, luồn 1 dây vào bên trong tĩnh mạch rồi dùng những năng lượng kể trên đốt cháy tĩnh mạch bị suy giãn khiến tĩnh mạch teo nhỏ lại, không còn ứ máu. Phương pháp này chỉ cần gây tê tại chỗ, gây tê tủy sống, chích một cây kim nhỏ ở vùng cẳng chân để luồn dây lên và đốt laser tĩnh mạch. Đây cũng là phương pháp ít xâm lấn, có thể chữa dứt điểm suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới.

Hiện nay, có nhiều bệnh viện điều trị được bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới như Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, Bệnh viện Đồng Nai-2…

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202312/phu-nu-bi-suy-gian-tinh-mach-cao-gap-3-lan-nam-gioi-3235d24/