Phú Mỹ, biên khu anh dũng

Trên biên giới Tây Nam của Tổ quốc, con sông Giang Thành chảy quanh co có đoạn trùng lên đường biên giới. Trước đây cả khu vực này là rừng dừa nước, đầm lầy và rừng tràm. Ngày nay, thay vào đó là những vuông tôm, thửa ruộng của nhân dân xã Phú Mỹ anh hùng. Mặc dù đời sống chủ yếu làm nông, biên khu xa vắng và heo hút nhưng đời sống bình yên, thong thả. Cả vùng biên Phú Mỹ, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang gối lên những trang sử hào hùng, mỗi tháng 3 về lại được ôn lại với nhiều tri ân.

Đài tưởng niệm liệt sĩ Đồn Biên phòng Phú Mỹ hiện nay. Ảnh: Nguyễn Bích

Năm 1975, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang tăng cường cho tỉnh Long Châu Hà đưa lực lượng về Hà Tiên thành lập 3 đồn: Giang Thành, Xà Xía và Ba Hòn, đều đóng ở những khu vực trọng yếu của tuyến biên giới Tây Nam. Một năm sau đó, huyện Hà Tiên mới được thành lập và Tỉnh Rạch Giá cũng ra đời nay là tỉnh Kiên Giang.

Đồn Công an nhân dân vũ trang 829 chính thức được thành lập năm 1976, đóng chân ở ấp Trà Phô, xã Phú Mỹ, giữa lúc chiến sự căng thẳng ở biên giới Tây Nam cũng chính là Đồn Biên phòng Phú Mỹ ngày nay. Cán bộ, chiến sĩ Đồn 829 lúc đó đã hiệp đồng tác chiến với lực lượng địa phương, ghi nhiều chiến công cầm cự tới lui với giặc từ bên kia biên giới tràn sang, mặc dù đồn mới chỉ thành lập được hơn 1 năm.

Cho đến năm 1978, tình hình biên giới căng thẳng và ác liệt hơn, cán bộ, chiến sĩ Đồn 829 đã dũng cảm chiến đấu, cùng với du kích xã giành giật với địch từng bờ đê, thửa ruộng, hàng cây, quyết không để địch giày xéo lên đất quê hương, đặc biệt là bảo vệ đồn, trạm, nhân dân biên giới. Sau đó, địch tăng cường quân đánh vào Rạch Cát, Mương Khai ở khu vực Trà Phô, Trà Phọt, Giồng Kè. Cuộc chiến xảy ra rất ác liệt. Ban Chỉ huy Đồn đã thành lập đội cảm tử quyết chiến đấu đến hơi thở, giọt máu cuối cùng. Đội cảm tử lúc đó do đồng chí Nguyễn Minh Phương và đồng chí Hồ Đăng Khầm chỉ huy cùng tất cả 30 cán bộ, chiến sĩ xung phong vào đội cảm tử.

Ngày 17-5-1978, quân địch đã củng cố lực lượng chi viện 4 tiểu đoàn chiếm cứ điểm của ta. Đồn 829 đã mất liên lạc với cấp trên nên 30 cán bộ, chiến sĩ đã kết thành khối hừng hực lửa căm thù thề sống chết với địch, không rút lui. Đến 12 giờ ngày 17-5, hết đạn dược, anh em dương lê chờ địch đến gần đánh giáp lá cà cho đến 12 giờ 15 phút cùng ngày, toàn bộ 30 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh.

Ngày 8-3-1979, Chủ tịch nước đã tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất cho Đồn 829 về thành tích chiến đấu chống Pôn Pốt - Iêng sa ri. Tháng 12-1979, Đồn 829 đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Hình ảnh của lực lượng Công an nhân dân vũ trang “Bám trụ kiên cường, lập công xuất sắc” để bảo vệ biên cương Tổ quốc trong trận chiến đấu ngày 17-5-1978 trở thành bất tử ở Phú Mỹ.

Biên khu Phú Mỹ giờ đây nằm bên kênh Vĩnh Tế nối vào sông Giang Thành đổ ra cửa biển Hà Tiên. Nơi đây có một khu bảo tồn đất ngập nước Phú Mỹ hằng năm sếu đầu đỏ vẫn bay về kiếm mồi trên cánh đồng cỏ bàng. Đối diện bên kia biên giới, Campuchia cũng gìn giữ bảo tồn một khu rừng ngập mặn nhằm cân bằng môi trường và nuôi dưỡng chim di cư, động vật, thực vật hoang dã. Như vậy, cả vùng này hiện có môi trường thiên nhiên phong phú, trong lành. Cộng thêm vào đó, truyền thống anh hùng và câu chuyện cảm tử bảo vệ Tổ quốc bên dòng sông Giang Thành vẫn còn đó. Tiềm năng du lịch văn hóa của Phú Mỹ sẵn có, nhưng chưa khi nào được để mắt tới.

Đại tá Huỳnh Văn Đông, Chính ủy BĐBP Kiên Giang nói: “Chúng tôi rất tự hào về truyền thống anh hùng của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phú Mỹ, mong muốn được tri ân các liệt sĩ bằng cách xây dựng lại Đài tưởng niệm liệt sĩ Đồn Biên phòng Phú Mỹ ngay tại mảnh đất này. Tại biên giới phía Bắc, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Pò Hèn (thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) sống mãi với non sông như một biểu tượng về chủ quyền lãnh thổ thì trên biên giới Tây Nam, Phú Mỹ cũng xứng đáng được vinh danh quy mô và bề thế hơn hiện tại”.

Đại tá Đông cho biết, bằng chính tấm lòng của cán bộ, chiến sĩ BĐBP Kiên Giang và cả nước, đặc biệt là sự chung tay giúp sức của địa phương, Khu tưởng niệm liệt sĩ Phú Mỹ sẽ được xây dựng lại xứng tầm với một di tích lịch sử hào hùng, đồng thời góp sức đưa Phú Mỹ trở thành điểm đến truyền thống, văn hóa đầy tự hào của phương Nam.

Khi Đồn Biên phòng Phú Mỹ chưa được xây dựng lại, Đài tưởng niệm liệt sĩ nằm khiêm nhường cạnh khuôn viên của doanh trại. Các chiến sĩ của đồn thường xuyên quét dọn và thắp nhang, cúng lễ. Cụm tượng đài màu trầm đỏ, ghi tên các liệt sĩ lẫn vào trong bóng cây. Khi Đồn Biên phòng Phú Mỹ được xây dựng lại khang trang hơn, Đài tưởng niệm liệt sĩ Đồn Biên phòng Phú Mỹ vẫn giữ nguyên không còn cân xứng với nhiều công trình xung quanh. Tại đây, vào những ngày lễ trọng, ngày truyền thống thì bộ đội và nhân dân miền Nam tới đây kính lễ, thắp nhang tưởng niệm các liệt sĩ. Khuôn viên trước Đài tưởng niệm vẫn là nơi tụ họp các hội, đoàn thể, nơi học sinh, sinh viên đến học tập truyền thống, rèn luyện tu dưỡng ý chí.

Bên cạnh đó, xã Phú Mỹ đã xây dựng thành công nông thôn mới, xung quanh xóm ấp đều khang trang, sạch đẹp. Vì vậy, công trình Đài tưởng niệm liệt sĩ Đồn Biên phòng Phú Mỹ cần sớm được tu bổ, xây dựng lại càng thúc đẩy vùng biên sớm đổi thay tiến lên, trở thành một khu vực biên giới đẹp về cảnh quan, giàu truyền thống văn hóa, làm vùng đệm ngoại vi cho vùng du lịch kinh tế Hà Tiên theo chiến lược phát triển của tỉnh Kiên Giang.

Thụy Văn

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/phu-my-bien-khu-anh-dung-post437894.html