Phú Lương quản lý giống cây lâm nghiệp theo chuỗi

Những năm gần đây, nghề ươm giống cây lâm nghiệp trên địa bàn huyện Phú Lương phát triển mạnh. Nhằm đảm bảo chất lượng cây giống trước khi đến tay người dân, cơ quan chức năng của huyện đã tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát.

Những năm gần đây, nghề ươm giống cây lâm nghiệp trên địa bàn huyện Phú Lương phát triển mạnh. Nhằm đảm bảo chất lượng cây giống trước khi đến tay người dân, cơ quan chức năng của huyện đã tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp trên địa bàn.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm Phú Lương kiểm tra một cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp tại xã Động Đạt.

Huyện Phú Lương hiện có 27 hợp tác xã, hộ cá thể tham gia sản xuất giống cây lâm nghiệp (tăng 12 tổ chức, hộ cá thể so với đầu năm 2023). Mỗi năm, các cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp trên địa bàn cung ứng ra thị trường trên 12,4 triệu cây giống, chủ yếu là keo, quế, mỡ, hồi, bạch đàn...

Các vườn ươm trên địa bàn không chỉ đáp ứng được 100% giống cây trồng rừng mới, trồng rừng thay thế tại huyện (mỗi năm khoảng 500ha, tương ứng khoảng 8 triệu cây giống), mà còn cung ứng cho nhiều địa phương trong tỉnh và các tỉnh Bắc Kạn, Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng, Yên Bái…

Ông Trần Văn Quý, chủ cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp ở xã Động Đạt, cho biết: Trên diện tích hơn 800m², mỗi năm, gia đình tôi cung ứng ra thị trường 1,2 đến 1,5 triệu cây giống lâm nghiệp, trong đó, trên 80% số giống là cây keo. Các lô cây giống của gia đình tôi đều có sổ nhật ký theo dõi, tạo thuận lợi cho lực lượng chức năng quản lý, giám sát và cấp giấy chứng nhận nguồn gốc giống. Chúng tôi tiến hành đảo bầu theo đúng quy trình để cây giống đạt chất lượng về kích cỡ, tiêu chuẩn, đảm bảo tỷ lệ sống cao. Bên cạnh cung cấp giống cho người dân trong huyện, chúng tôi còn cung cấp giống cho nhiều tỉnh phía Bắc, như: Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái…

Ngoài các hộ sản xuất quy mô gia đình, trên địa bàn huyện đã hình thành 3 hợp tác xã chuyên sản xuất giống cây lâm nghiệp. Hiện nay, mỗi năm, 3 hợp tác xã cung cấp ra thị trường gần 5 triệu cây giống. Ngoài giống keo gieo hạt, các hợp tác xã, cơ sở sản xuất còn cung cấp ra thị trường các giống keo nuôi cấy mô với nhiều ưu điểm, như: Cây phát triển 1 thân, không chẻ ngọn như keo thường, rễ cọc chắc chắn nên hạn chế gãy đổ, cây không bị rỗng ruột nên sẽ có ưu thế hơn khi trồng rừng gỗ lớn.

Theo lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lương, trong những năm qua, công tác quản lý giống theo chuỗi hành trình từ khâu công nhận giống, nguồn gốc giống, vật liệu nhân giống đến cây con trồng rừng khá chặt chẽ. Các chủ vườn ươm trên địa bàn đều chấp hành tốt quy định của Nhà nước trong việc gieo ươm giống cây lâm nghiệp, tuân thủ quy trình sản xuất giống, yêu cầu kỹ thuật nên chất lượng giống được đảm bảo, không xảy ra vi phạm trong sản xuất giống cây lâm nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Thuận, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Phú Lương, thông tin: Hằng năm, chúng tôi thành lập đoàn công tác trực tiếp đến từng cơ sở để kiểm tra, cũng như yêu cầu các cơ sở chứng minh xuất xứ nguồn giống hợp quy, hợp chuẩn về sản xuất cây giống. Bên cạnh đó, chúng tôi chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiến hành cấp cây giống, phân bón cho bà con theo đúng tiến độ, thời vụ trồng rừng; đồng thời cử cán bộ xuống cơ sở để hướng dẫn người dân thực hiện các khâu: Xử lý thực bì, lấp hố, trồng và chăm sóc rừng theo đúng quy trình kỹ thuật. Nhờ kiểm soát tốt chất lượng giống cây lâm nghiệp và nâng cao kỹ thuật trồng rừng, khoảng 5 năm trở lại đây, tỷ lệ cây sống đạt trung bình từ 85%; tỷ lệ che phủ rừng của huyện đạt 41,5%...

Cùng với đẩy mạnh công tác quản lý giống cây lâm nghiệp, huyện Phú Lương cũng đang tích cực khuyến khích người dân trồng rừng gỗ lớn, tạo vùng nguyên liệu ổn định, xây dựng chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC), đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành chế biến gỗ. UBND huyện cũng chỉ đạo các phòng, ban, các xã, thị trấn hướng dẫn bà con chuẩn bị tốt điều kiện cần thiết, bảo đảm tiến độ trồng rừng 2024...

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202401/phu-luongquan-ly-giong-cay-lam-nghiep-theo-chuoi-f4d23c3/