Phú Lương đẩy mạnh phát triển HTX giúp xóa đói giảm nghèo

Công tác xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên đang có những thành công đầy tích cực, trong đó các HTX, tổ hợp tác góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu lao động, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Toàn huyện Phú Lương có 66 HTX, trong đó có 59 HTX nông nghiệp, một số HTX dịch vụ nông, lâm nghiệp hoạt động có hiệu quả, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người dân tại địa phương. Huyện cũng có 40 tổ hợp tác sản xuất, chủ yếu là các tổ hợp tác sản xuất chè.

Phát huy hiệu quả thế mạnh địa phương

Với hơn 4.300ha chè, huyện Phú Lương được coi là vựa chè trọng điểm của tỉnh Thái Nguyên. Tuy nhiên, khi phát triển kinh tế nông nghiệp theo hình thức cá thể và hộ gia đình, địa phương lại chưa thực sự phát huy được hết tiềm năng. Nguyên nhân là do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, sản phẩm làm ra có chất lượng không đồng đều, chưa xây dựng được thương hiệu nên nông sản chủ yếu chỉ được tiêu thụ tại các chợ phiên trên địa bàn.

Các thành viên HTX chè an toàn Khe Cốc đang thu hoạch chè.

Trước thực trạng đó, huyện Phú Lương đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp, góp phần khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Từ những chính sách hỗ trợ tích cực của huyện, hoạt động của các HTX trên địa bàn đã và đang ngày càng phát huy hiệu quả.

Điển hình là nghề trồng chè tại Khe Cốc, xã Tức Tranh đã có từ gần 60 năm trước, nhưng trước đây các hộ chủ yếu trồng, chế biến theo hình thức “mạnh ai nấy làm”. Sản phẩm chế biến xong chỉ có thể đem ra chợ địa phương để tiêu thụ, nên giá trị kinh tế không cao, đời sống người làm chè gặp nhiều khó khăn.

Với quyết tâm theo đuổi chiến lược chè sạch, nâng cao giá trị kinh tế, giúp người dân xóa đói giảm nghèo, năm 2018, ông Tô Văn Khiêm cùng với một số hộ trong xóm thành lập HTX chè an toàn Khe Cốc và chọn phương thức sản xuất chè theo hướng hữu cơ.

Khi tham gia chuyển đổi sang sản xuất chè hữu cơ, các thành viên được đào tạo hướng dẫn kỹ thuật, chuyển đổi sản xuất, như: sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo hướng sinh học. Tiến hành ủ phân chuồng hoai mục để phục vụ cho việc bón chè sau khi thu hoạch. Qua đó, cây chè sinh trưởng ổn định năng suất bình quân 125 tạ/ha, chất lượng sản phẩm cũng được nâng lên.

Hiện nay, HTX có hơn 20ha chè hữu cơ, toàn bộ là chè trung du được trồng trên đồi thấp. Mỗi năm, HTX sản xuất được hàng chục tấn chè búp khô với chất lượng cao và đạt tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu, giá trị sản phẩm chè cũng được nâng lên từ 30-50% so với trước đây.

“Sau 5 năm tham gia sản xuất chè hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam, sản lượng chè có giảm đôi chút nhưng bù lại chất lượng chè tăng gấp đôi. Do đó, giá chè cũng tăng gấp đôi nên bà con HTX rất yên tâm sản xuất. Trong thời gian tới, HTX phấn đầu mở rộng diện tích chè hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam lên 55 ha”, ông Khiêm cho hay.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh

Để phát triển HTX, huyện đã có nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất, tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao năng lực quản lý HTX cho cán bộ và thành viên; đẩy mạnh cơ giới hóa gắn với an toàn lao động; rút ngắn thủ tục đổi mới, thành lập HTX... Nhờ đó, các mô hình HTX ngày càng được nhân rộng.

Sự phát triển mạnh mẽ của các HTX cũng một phần nhờ các chính sách hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật, kết nối tiêu thụ sản phẩm... Chẳng hạn, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh triển khai các dự án sử dụng nguồn vốn vay từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, hỗ trợ nông dân trên địa bàn huyện Phú Lương.

Trồng chè sạch không chỉ giúp người dân huyện Phú Lương thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu.

Theo đó, có 4 dự án sử dụng nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX được thực hiện tại HTX nông nghiệp, dịch vụ xây dựng Hợp Thành, xã Hợp Thành; HTX chè an toàn Khe Cốc và HTX chè an toàn Thái Ninh, xã Tức Tranh; HTX dịch vụ, kinh doanh tổng hợp xã Cổ Lũng.

Tiến hành khảo sát thực tế việc thực hiện dự án, Đoàn công tác của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đánh giá, các chủ thể tham gia các dự án đều sử dụng nguồn vốn được hỗ trợ đúng mục đích, góp phần phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.

Bên cạnh đó, việc tham gia vào các HTX của người dân đã và đang mang lại nhiều lợi ích thiết thực, góp phần quan trọng khai thác hiệu quả hơn những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nâng cao thu nhập cho các hộ dân. Hiệu quả của khu vực kinh tế hợp tác, HTX đã góp phần không nhỏ giúp người dân giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống và thu nhập. Ông Phạm Bình Công, Chủ tịch UBND huyện Phú Lương cho biết, phần lớn người dân Phú Lương có sinh kế bằng chè. Chè đã khẳng định là cây xóa đói, giảm nghèo, cây mũi nhọn phát triển kinh tế và bây giờ là cây làm giàu.

Minh chứng rõ nét nhất là trong năm 2022, tổng số hộ thoát nghèo trên địa bàn toàn huyện Phú Lương là 459 hộ, giảm 1,56% so với năm 2021. Toàn huyện còn 1.053 hộ nghèo đa chiều, chiếm 3,83%.

Tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn

Ông Phạm Văn Sỹ - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Thái Nguyên cho biết, cùng với việc tập trung triển khai thực hiện tái cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh còn chú trọng đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, gắn sản xuất với chế biến, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và phát triển sản phẩm OCOP.

Tại huyện Phú Lương, UBND huyện đã ban hành đề án xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2022 – 2025 với nhiều nội dung, giải pháp hỗ trợ thực hiện chương trình xây dựng NTM, thúc đẩy phong trào ngày một phát triển.

Trong đó, triển khai thực hiện Đề án về phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm chè và các sản phẩm thế mạnh huyện Phú Lương, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Trong năm đầu tiên thực hiện, huyện đã tổ chức 138 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật thu hút khoảng gần 5.520 lượt người dân tham dự, triển khai nhiều mô hình trong sản xuất nông nghiệp.

Toàn huyện có 66 HTX, trong đó có 59 HTX nông nghiệp, một số HTX dịch vụ nông, lâm nghiệp hoạt động có hiệu quả, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người dân tại địa phương; có 40 tổ hợp tác sản xuất, chủ yếu là các tổ hợp tác sản xuất chè.

Thu nhập bình quân đầu người đạt 44 triệu đồng/người/năm. Đến hết năm 2022, trên địa bàn huyện Phú Lượng có 12/13 xã đạt chuẩn NTM, 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Giai đoạn 2022-2025, huyện Phú Lương đề ra nhiều mục tiêu: 13/13 xã đạt chuẩn NTM, 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có thêm 34 xóm đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, phấn đấu đạt huyện NTM trong năm 2022.

Tuy nhiên, để các HTX hoạt động hiệu quả, bền vững hơn nữa, trở thành "bà đỡ" cho mục tiêu xây dựng NTM và huyện đạt mục tiêu không còn hộ nghèo thì các HTX mong muốn tiếp tục được chính quyền hỗ trợ để nâng cao chất lượng và quảng bá sản phẩm và tiếp tục được hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu mạnh. Đồng thời có chính sách hỗ trợ về vốn cho các HTX mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Các HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh và hộ gia đình mong muốn tiếp tục được hỗ trợ nguồn vốn theo dự án và tăng mức cho vay để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Hoàng Hà

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/phu-luong-day-manh-phat-trien-htx-giup-xoa-doi-giam-ngheo-1094357.html