Phú Lương 'chắp cánh' cho nông sản thế mạnh

Huyện Phú Lương tập trung hỗ trợ phát triển các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, OCOP, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp của huyện và thu nhập cho người dân.

Công ty cổ phần Sản phẩm thiên nhiên DK có vùng nguyên liệu hơn 5ha cây dây Thìa Canh sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ tại xã Yên Ninh (Phú Lương).

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Phú Lương lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020-2025, nhấn mạnh mục tiêu, định hướng tiếp tục lấy nông nghiệp là nền tảng cho phát triển kinh tế. Cụ thể hóa mục tiêu này, huyện tập trung triển khai nhiều giải pháp, trong đó có Đề án phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm chè và các sản phẩm thế mạnh của huyện giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Huyện xác định cùng với chè búp khô, các sản phẩm thế mạnh của địa phương gồm: Gạo nếp vải; thịt lợn, thịt gà và trứng gà; gỗ và sản phẩm từ gỗ; đồng thời đẩy mạnh xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP.

Với lúa nếp vải, trong 3 năm (2021-2023), huyện Phú Lương đã tổ chức được 12 lớp tập huấn kỹ thuật về thâm canh lúa, phòng trừ sâu bệnh tại các xã Ôn Lương, Phủ Lý, Hợp Thành, Yên Đổ, Yên Trạch; hỗ trợ bao bì, tem nhãn, phân bón, hỗ trợ dàn máy xay sát gạo, máy làm cốm cho các hợp tác xã (HTX)… Từ nguồn vốn hỗ trợ của huyện, diện tích lúa nếp vải ngày càng được mở rộng, năm 2021 có 130ha, năm 2022 đạt 170ha và năm 2023 phat triển thành 180ha. Diện tích lúa nếp vải được cấp chứng nhận VietGAP đến năm 2023 đạt 76ha. Toàn huyện có 4 tổ hợp tác, 2 HTX hoạt động sản xuất, chế biến gạo nếp vải. Chị Ma Thúy Lan, cán bộ nông nghiệp xã, thành viên HTX nếp vải Ôn Lương, cho biết: Từ sự hỗ trợ của Nhà nước và nỗ lực của các thành viên, HTX đã tạo ra nhiều sản phẩm nổi tiếng như gạo nếp vải đặc sản, cốm, cơm cháy, bánh chưng…, được người tiêu dùng ưa chuộng. Thị trường tiêu thụ các sản phẩm từ lúa, gạo nếp vải cũng ngày càng rộng.

Đối với sản phẩm thế mạnh khác là thịt lợn, thịt gà và trứng gà, huyện Phú Lương đã quy hoạch vùng, tạo điều kiện cho người dân phát triển, mở rộng quy mô chăn nuôi, hỗ trợ người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, phun thuốc tiêu độc khử trùng, tiêm vắc-xin phòng trừ dịch bệnh… Tính đến cuối năm 2023, tổng đàn lợn trên địa bàn huyện Phú Lương ước đạt trên 45,3 nghìn con, đàn gia cầm, thủy cầm ước đạt trên 1,5 triệu con. Năm 2023, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt hơn 15,4 nghìn tấn.

Hiện nay, huyện Phú Lương có 177 trạng trại tập trung (theo Luật Chăn nuôi), chiếm 47% tổng đàn. Quy mô sản xuất trang trại tập trung trên toàn huyện chiếm 48,2% tổng đàn. Chăn nuôi lợn, gà toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm chiếm 46,09% so với tổng đàn. Chị Nguyễn Thị Ly, Tổ phó Tổ hợp tác chăn nuôi gia cầm xóm Hiệp Hòa, xã Phủ Lý (Phú Lương), cho biết: Sau khi thành lập tổ hợp tác, các cấp chính quyền đã quan tâm hỗ trợ chúng tôi con giống, vật tư nông nghiệp, thuốc thú y, tổ chức nhiều chương trình tập huấn, học tập kinh nghiệm. Các thành viên trong tổ cũng tích cực hỗ trợ nhau phát triển sản xuất… Vì vậy, từ 5 thành viên khi thành lập năm 2020, đến nay, tổ đã có 7 thành viên với tổng đàn gia cầm xuất chuồng trên 45 nghìn con/năm, đạt doanh thu gần 6 tỷ đồng.

Nhằm nâng cao chất lượng của các sản phẩm thế mạnh, huyện đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP. Toàn huyện đã có 28 sản phẩm OCOP, trong đó có 11 sản phẩm OCOP 4 sao, 17 sản phẩm OCOP 3 sao. Tổng số chủ thể có sản phẩm OCOP là 17 (gồm 15 HTX; 1 công ty cổ phần; 1 hộ kinh doanh). Anh Hoàng Khắc Cần, Giám đốc Công ty cổ phần Sản phẩm thiên nhiên DK, xã Yên Ninh, chia sẻ: Công ty chúng tôi có 2 sản phẩm OCOP 4 sao. Xây dựng sản phẩm OCOP không chỉ giúp chúng tôi quảng bá sản phẩm thuận lợi mà còn chuẩn hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.

Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn huyện Phú Lương, sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm chè và các sản phẩm thế mạnh huyện giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, huyện đã đạt được những kết quả tích cực. Phát triển các sản phẩm thế mạnh, đặc biệt là OCOP, đã tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, liên kết theo chuỗi trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo ra nhiều việc làm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế vùng nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân.

Tổ hợp tác chăn nuôi gia cầm an toàn xóm Hiệp Hòa, xã Phủ Lý (Phú Lương) đạt doanh thu gần 6 tỷ đồng/năm. Trong ảnh: Gia trại chăn nuôi gà của gia đình chị Tống Thị Nguyệt, thành viên Tổ hợp tác.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Lương, cho biết: So với trước đây, các sản phẩm thế mạnh, OCOP của huyện đã được nâng cao chất lượng, thương hiệu cũng như sức tiêu thụ. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục hỗ trợ, tập trung phát triển sản phẩm nông nghiệp thế mạnh với các giải pháp: quy hoạch, thực hiện hiệu quả quy hoạch đất đai hình thành vùng sản xuất tập trung; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ và khuyến nông; phát triển kinh tế tập thể, liên kết chuỗi; xây dựng thương hiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực; phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp…

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/tin-moi/202403/phu-luong-chap-canh-cho-nong-san-the-manh-73302b7/