Phụ huynh Nhật lo lắng khi số hóa sách giáo khoa

GD&TĐ - Việc số hóa sách giáo khoa trong trường tiểu học, THCS và THPT sẽ được thực hiện đại trà từ năm 2020 – theo kế hoạch của Bộ Giáo dục Nhật Bản. Xung quanh kế hoạch này vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn…

Tạo thêm hứng thú cho học sinh

Chức năng âm thanh và hình ảnh sẽ giúp học sinh học phát âm tiếng Anh hiệu quả hơn, các môn học khác cũng sẽ được truyền đạt dưới góc nhìn sinh động và hấp dẫn hơn. Tuy nhiên cũng có những mối lo ngại về chi phí thực hiện, tác động đến sức khỏe của học sinh do thời gian sử dụng tăng và phụ thuộc của học sinh vào các thiết bị số.

Trong một tiết học ngoại ngữ lớp 5 ở Trường Tiểu học Ogu, quận Arakawa, Tokyo, học sinh gõ vào phím A, B, C trên thiết bị cầm tay. Nếu có học sinh nào gõ sai trật tự bảng chữ cái, một thông báo lỗi sẽ xuất hiện trên màn hình. Thiết bị này cũng phát âm những từ tiếng Anh mà học sinh gõ vào máy.

Quận Arakawa phát máy tính bảng tới toàn bộ 34 trường tiểu học và THCS trong quận từ năm 2013. Phần mềm gồm bản thử nghiệm dạy Tiếng Anh và Toán; ngoài ra là công cụ hỗ trợ giảng dạy cho giáo viên. Theo Phòng GD Arakawa thì “đã giúp trẻ hứng thú học hơn, nhưng vẫn thiếu phần mềm dành cho các môn xã hội và khoa học”.

Trường Tiểu học thực nghiệm của Đại học Tsukuba, quận Bunkyo, Tokyo, đã thử nghiệm từ năm 2014 với thiết bị dạy học số liên quan tới chương trình tiếng Nhật dành cho lớp 3 đến lớp 6. Yuki Aoyama, một giáo viên của trường, ca ngợi công nghệ giúp “dễ giải thích hơn cấu trúc ngữ pháp” nhưng nhấn mạnh “trình độ không thể cải thiện nếu chỉ dựa hoàn toàn vào sách giáo khoa số. Năng lực của thầy giáo rất quan trọng”.

Lo ngại cho sức khỏe

Hiện tại, sách giáo khoa giấy được nhà nước cấp miễn phí cho học sinh tiểu học và THCS, nhưng với sách giáo khoa số thì khác. Nhiều địa phương hoặc phụ huynh có thể phải trang trải cho loại hình số hóa này. Vì vậy với những khu vực nghèo hơn và với những gia đình thu nhập thấp hơn – đây sẽ là một thách thức.

Phòng GD quận Saga phát máy tính bảng cho khoảng 6.500 học sinh tại 36 trường THPT trong quận năm 2014. Quận này hỗ trợ khoảng 30.000 yên (khoảng 294 USD) trong giá mua và học sinh trả 50.000 yên còn lại. Quận cũng đầu tư khoảng 1 tỉ yên hàng năm mua phần mềm và cải thiện hạ tầng viễn thông tại các trường.

Ngược lại, chính quyền quận Arakawa thuê khoảng 10.000 máy tính bảng với chi phí khoảng 500 triệu yên/năm, học sinh không phải đóng góp gì.

Một số chuyên gia giáo dục lo ngại rằng việc sử dụng sách giáo khoa số sẽ khiến học sinh phụ thuộc hơn vào các thiết bị điện tử và gây giảm thị lực. Trong một khảo sát do Bộ Giáo dục thực hiện tháng 5 năm ngoái, trong số 2.800 phụ huynh được hỏi, khoảng 380 người – tương đương 14% - lo ngại ảnh hưởng tới sức khỏe.

Trong một nghiên cứu riêng tháng 12/2014 của Phòng GD quận Saga, 65% giáo viên không thể sử dụng hiệu quả các thiết bị này. Cụ thể là giáo viên mất quá nhiều thời gian để chuẩn bị máy móc, nội dung giảng dạy cũng như vận hành máy trong giờ học.

Nhiều giáo viên tại một trường trung học tư nhân tại Hachioji, Tây Tokyo - nơi có kế hoạch đưa máy tính bảng vào lớp học từ năm học tới – không giấu được sự lo ngại liệu thiết bị số “có dẫn tới tăng học lực không”.

Những điểm chính trong kế hoạch của Bộ Giáo dục Nhật Bản:

- Sách giáo khoa sẽ vẫn là tài liệu giảng dạy chính, nhưng từ năm 2020 sách giáo khoa số được sử dụng dạy một số nội dung chuyên biệt.

- Nội dung sách giáo khoa giấy và số sẽ thống nhất. Hình ảnh và âm thanh chỉ được coi là hỗ trợ giảng dạy và không phải là cơ sở đánh giá kiến thức.

- Việc triển khai sách giáo khoa được thực hiện dần sau những nghiên cứu về hiệu quả giáo dục và tác động tới sức khỏe.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/phu-huynh-nhat-lo-lang-khi-so-hoa-sach-giao-khoa-2077899-b.html