Phụ huynh khó thoát những khoản đóng góp "tự nguyện"

(HQ Online)- Năm học mới này những khoản đóng góp "tự nguyện" vẫn tiếp tục diễn ra ở nhiều cấp học.

Nhiều phụ huynh phải vất vả chạy tiền đóng học cho con. Ảnh: ST.

Tự nguyện hay bắt buộc?

Hiện trong nhiều khoản đóng góp ở các trường có nhiều khoản thu tự nguyện, tuy nhiên những khoản thu này có thực sự là tự nguyện đối với mỗi học sinh? Theo tìm hiểu của phóng viên ở một số trường tại Hà Nội, nhiều khoản thu được cho là tự nguyện nhưng phụ huynh khó có thể không thực hiện.

Nhiều phụ huynh có con học trường N.G.T "ngã ngửa" với những khoản thu đầu năm mà nhà trường vừa thông báo. Một phụ huynh cho phóng viên hay, theo thông báo của nhà trường, các khoản tiền dự kiến phải đóng nộp của một học sinh lớp 6 gồm: Học phí 80.000 đồng/ tháng; Quỹ phụ huynh lớp 1.000.000 đồng; Tiền mua điều hòa 1.000.000 đồng/học sinh; các khoản thu đóng thêm khác là 1.000.000 đồng. Tiếp đến là chi phí học tiếng Anh do Trung tâm Language Link Việt Nam giảng dạy cả hai kỳ học là 6 triệu đồng/học sinh; mua tài liệu từ Language Link 460.000 đồng/học sinh; tiền hỗ trợ học tiếng Hàn theo dự án là 340.000 đồng/tháng; chi phí học thêm buổi chiều 3 môn Văn + Toán + Anh hết 1.040.000 đồng/tháng (nếu bán trú); chi phí câu lạc bộ và tự học là 360.000 đồng/tháng. Bên cạnh đó là những khoản như: Chi phí ăn bán trú, khăn ướt, nước khoáng 700.000 đồng/tháng; chi phí trông trưa 150.000 đồng/tháng...

Có con học lớp 1, Trường Tiểu học H.L, chị Phạm T. H. cho biết, ngoài những khoản thu đầu năm như: Học phí, tiền ăn bán trú… gia đình còn nhận được thông báo đóng góp tiền mua rèm cửa, lắp đặt ti vi… Theo chị H. ,phụ huynh phải đóng những khoản tiền như: Tài liệu học tiếng Anh 30.000 đồng/học kỳ; cờ và phù hiệu 5.000 đồng/học sinh; quản lý ngoài giờ 160.000 đồng/tháng; quỹ lớp 400.000 đồng/học kỳ; photo 100.000 đồng/học kỳ. Đặc biệt, những khoản tự nguyện sẽ do Ban phụ huynh thu như: Tiền mua ti vi + công trình măng non + rèm cửa 520.000 đồng/học sinh. “Nhìn chung cơ sở vật chất để phục vụ cho công tác giảng dạy nhà trường không mua sắm, hầu như đều do phụ huynh đóng góp vào để mua cho các con học”, chị H. cho biết.

Theo chị H., trong buổi họp phụ huynh nhà trường có phát cho giáo viên một phiếu để hỏi ý kiến có đồng ý với các khoản thu tự nguyện đó hay không. “Nhà trường đề ra các khoản thu tự nguyện và có hỏi ý kiến phụ huynh nhưng không phụ huynh nào là không đồng ý. Vì nếu không đồng ý, giáo viên sẽ gây khó khăn cho con mình, ảnh hưởng đến việc học tập của cháu ở trường”, chị H. khẳng định.

Tương tự, chị Trần T. L. có con đang học lớp 4 trường Tiểu học X.L chia sẻ: Ngay từ đầu năm học, giáo viên chủ nhiệm đã thông báo đóng các khoản học kỳ 1 và một số khoản cả năm trong đó có rất nhiều khoản thu tự nguyện như: Mua rèm cửa, sửa chữa và bảo dưỡng điều hòa… với số tiền hơn 2 triệu đồng. “Nói là tự nguyện nhưng tất cả phụ huynh đều phải đồng ý với khoản thu tự nguyện đó. Bên cạnh đó, để cho các con đi học phụ huynh phải sắm đầy đủ cơ sở vật như: Rèm cửa, điều hòa, nước uống… không hiểu là nhà trường đầu tư, mua sắm những gì để phục vụ cho công tác giảng dạy”, chị Lan cho biết.

Phụ huynh không lên tiếng vì sợ ảnh hưởng tới con

Trước thềm năm học mới, Sở Giáo dục- Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội đã có nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng lạm thu như: Công bố số điện thoại đường dây nóng; nhắc nhở các trường thực hiện những khoản thu theo đúng quy định của thành phố Hà Nội. “Bước vào năm học mới, Sở GD-ĐT sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra việc thực hiện thu chi của các trường. Thực tế, học phí dù tăng và có hỗ trợ của ngân sách Nhà nước thì thu vẫn không đủ bù chi trong các trường công lập. Vì thế, có nơi sẽ bám vào lý do này để thu thêm, Sở sẽ chấn chỉnh ngay từ đầu năm học”, ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD- ĐT Hà Nội khẳng định.

Ông Quang cũng cho biết, việc tăng học phí năm học 2016-2017 cũng là cơ sở để các trường có thêm ngân sách đầu tư cho cơ sở vật chất từ đó sẽ giảm bớt tình trạng lạm thu.

Ngoài ra, chiếu theo quy định của Thông tư 55 của Bộ GD-ĐT về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh quy định, một số khoản thu xây dựng các công trình măng non, mua một số vật dụng, trang thiết bị máy móc dạy học... đều không được phép vận động thu của phụ huynh. Tuy nhiên, nhiều trường đang cố tình hợp thức hóa các khoản thu tự nguyện theo Thông tư 55 khiến nhiều phụ huynh phải vất vả chạy tiền đóng học cho con.

Hiện nhiều phụ huynh không dám lên tiếng phản ánh việc các trường thu nhiều khoản tự nguyện trái quy định. Chị Nguyễn Thị Thu Hiền (Thanh Trì- Hà Nội) có con học một trường tiểu học, cho biết: “Khi phụ huynh có phản ánh hay thắc mắc về những khoản thu đầu năm thì giáo viên sẽ có những ác cảm với người đó. Phụ huynh cũng lo sợ giáo viên sẽ trút những ác cảm của bản thân lên đầu con mình và khi đó sẽ tạo tâm lý lo sợ, không thoải mái cho các cháu từ đó ảnh hưởng đến việc học tập ở trường. Nên dù có bức xúc với những khoản thu ngoài quy định của nhà trường nhưng phụ huynh cũng không dám lên tiếng”.

Chị Hiền cũng cho biết thêm: Đã có phụ huynh phản ánh việc thu trái quy định lên cấp trên và giáo viên cũng đã bị kỷ luật. Nhưng từ đó, giáo viên luôn ác cảm với con của phụ huynh này làm ảnh hưởng đến việc tập của cháu”.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/phu-huynh-kho-thoat-nhung-khoan-dong-gop-tu-nguyen.aspx