Phỏng vấn huy chương

Phóng viên (PV): Thưa anh, có bao giờ anh tự hỏi bản thân mình là gì mà sao nhiều người thích đoạt được như vậy?

Minh họa: Lê Tâm

Huy chương: Dễ hiểu quá mà. Tôi là một vật tuy nhỏ bé, nhiều khi cũng chưa chắc bằng vàng, nhưng là bằng chứng hiển nhiên đánh dấu một sự ghi nhận hiển nhiên trong một sự kiện nào đó.

PV: Đặc biệt là thể thao?

Huy chương: Tất nhiên. Đặc biệt là thể thao, khi các quốc gia tranh tài.

Minh họa: Lê Tâm

PV: Vậy chắc anh có theo dõi ASIAD vừa qua tổ chức tại Trung Quốc?

Huy chương: Không những theo dõi mà còn theo dõi chăm chú, không những chăm chú mà còn đau buồn.

PV: Vì sao anh buồn?

Huy chương: Nhà báo biết thừa mà còn hỏi. Trong đại hội thể thao lớn nhất châu lục này, đoàn Việt Nam nói thẳng ra đuối hơn những gì chúng ta lo lắng trước khai mạc ASIAD 19.

PV: Đúng vậy. Nhưng anh ơi, trong các cuộc tranh đua, thắng thua là chuyện thường mà.

Huy chương: Không thể nói thế được, vì quá nhiều lý do.

Thứ nhất, chúng ta vừa mới tự hào là đứng đầu ở SEA Games tổ chức ở Campuchia.

Thứ hai, chúng ta cử đi một đoàn tới hơn 500 vận động viên đã dành ra nhiều năm luyện tập, có nghĩa Nhà nước đã đầu tư rất lớn về tài chính, nhân lực.

PV: Vâng.

Huy chương: Chưa kể thứ ba, cả dư luận quần chúng và báo chí trước đó đều có vẻ rất lạc quan, tin chắc vào nhiều bộ môn sẽ chiến thắng, không bạc thì là vàng.

PV: Nhưng cuối cùng thì hỡi ôi.

Huy chương: Đúng. Hỡi ôi. Chắc chắn chúng ta đã thua trên rất nhiều mặt trận, và điều cay đắng là thua gần như hầu hết các quốc gia Đông Nam Á, mà thể thao Việt Nam vừa chiến thắng vẻ vang ở Campuchia.

PV: Rõ ràng đây là một thất bại hiển nhiên chả còn gì bào chữa?

Huy chương: Tôi đồng ý là không thể bào chữa. Nhân đây có thể phân tích nguyên nhân.

PV: Nguyên nhân thứ nhất là chúng ta đã quá tự tin vào SEA Games.

Huy chương: Chính xác. Nói rất thẳng là nhìn chung với thể thao, SEA Games chưa là gì với Châu Á, chưa là gì với Châu Âu và càng chưa là gì với thế giới.

PV: Thứ hai là công tác tuyển dụng, huấn luyện có vấn đề.

Huy chương: Rõ ràng. Thể thao, đặc biệt là thể thao thành tích cao, là khoa học, là tổ chức, là rèn luyện rất nghiêm ngặt. Mà Việt Nam đã không làm được như thế.

PV: Nhân thất bại này, có lẽ đã tới lúc các cấp quản lý cần rà soát, thanh tra toàn bộ ngành thể thao, một lĩnh vực mà xưa nay có vẻ như không phải điểm nóng.

Huy chương: Rất cần. Chẳng hạn như vừa rồi, có người phanh phui về vấn đề dinh dưỡng của vận động viên, đăng một tấm hình bữa cơm 800 ngàn đồng dọn ra khiến bà con bàng hoàng.

PV: Do đâu bàng hoàng?

Huy chương: Do chỉ cần bất cứ một bà nội trợ thông thường nào cũng nhận ra mình sẽ nấu được bữa cơm như thế với khoảng 400 tới 500 ngàn là cùng, tin tôi đi.

PV: Thú thực là tôi cũng xem bức ảnh ấy rồi. Tôi cũng biết giá một ký thịt heo hay một ký đậu phụ là bao nhiêu, nên tôi tin chứ.

Huy chương: Thi đấu thể thao suy cho cùng là thi đấu thể lực. Thể lực có được từ dinh dưỡng và luyện tập. Dinh dưỡng kém thì thua ngay từ trước khi xuất phát.

PV: Hoàn toàn đồng ý với anh. Đây cũng chẳng phải lần đầu tiên, những vấn đề tính minh bạch trong tài chính thể thao được đặt ra. Và có lẽ chả hay gì hơn, nhân thất bại này nhà nước cần thanh tra toàn diện lĩnh vực thể thao.

Huy chương: Tất nhiên thế. Nếu như đầu tư vào đâu đó cần có hiệu quả rõ ràng thì đầu tư thể thao được người ta trốn tránh bằng “may rủi”, nhưng khi hơn 500 con người ra nước ngoài thất bại thì không còn may rủi nữa, mà phải nhìn thẳng vào các vấn đề thực chất.

Lê Thị Liên Hoan

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nhan-dam/phong-van-huy-chuong-i710110/