Phong tục lì xì

Phong tục lì xì (mừng tuổi) trong những ngày tết cổ truyền là nét đẹp văn hóa từ bao đời nay.

Không biết tự bao giờ, việc lì xì (mừng tuổi) đầu năm trở thành thông lệ và lưu truyền đến ngày nay. Những chiếc phong bao màu đỏ trở thành biểu tượng cho lời chúc trao gửi dịp đầu năm mới.

Con, cháu mừng tuổi cho ông bà vào ngày tết.

Con, cháu mừng tuổi cho ông bà vào ngày tết.

“Qua thời khắc giao thừa thì người lớn trong nhà sẽ bắt đầu gửi những phong bao lì xì cho con cháu trong gia đình để bày tỏ yêu thương, quan tâm và mong con cháu nhận được thật nhiều điều tốt đẹp khi bước sang năm mới. Dù không nhiều tiền nhưng những phong bao lì xì này mang giá trị tinh thần rất lớn”, ông Ngô Xuân Liêm, ngụ huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) cho biết.

Tiền mừng tuổi đầu năm mang đến niềm vui cho các bạn trẻ.

Tiền mừng tuổi đầu năm mang đến niềm vui cho các bạn trẻ.

“Lì xì thời 4.0”, “lì xì online” là khái niệm mới xuất hiện bên cạnh lì xì truyền thống, đây là một nét mới, một sự thay đổi trong suy nghĩ của các bạn trẻ.

Bạn Dương Hoàng Yến, ngụ xã Phi Thông, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) chia sẻ: “Tôi và các bạn thường dùng nhiều ví điện tử như Momo, Zalo Pay, Mobile Banking… để chuyển tiền lì xì cho nhau, các ứng dụng này còn có phần ghi lời nhắn nên gửi luôn lời chúc vào đó. Tôi thấy tiện dụng, không cần chuẩn bị mua bao lì xì mà chỉ cần vài thao tác đơn giản trên điện thoại là được, nhất là đối với những người ở xa nhau thì lì xì online là lựa chọn hàng đầu”.

Để giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của phong tục mừng tuổi dịp đầu năm, mỗi người không nên đặt nặng vấn đề về vật chất để tránh bản thân cảm thấy áp lực vì ý nghĩa thực sự của lì xì là trao gửi yêu thương, trao đi những lời chúc may mắn, động viên và khích lệ tinh thần lẫn nhau khi bước sang năm mới.

Bài và ảnh: TƯỜNG VI

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/van-hoa-the-thao/phong-tuc-li-xi-19053.html