Phong trào khuyến học, khuyến tài thực sự đi vào chiều sâu, chất lượng

BHG - Cách đây 27 năm, ngày 2.10.1996, Hội Khuyến khích và Hỗ trợ giáo dục Việt Nam (Hội Khuyến học Việt Nam) được thành lập theo Quyết định số 122/QĐ-TTg ngày 29/2/1996 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Hội Khuyến học (HKH) Việt Nam là tổ chức xã hội, tập hợp các lực lượng xã hội và công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước và nước ngoài tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, khuyến học, khuyến tài (KHKT), góp phần xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập khu vực và quốc tế.

Ngày 13.4.2007, Bộ Chính trị khóa X ban hành Chỉ thị số 11-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác KHKT, xây dựng xã hội học tập”. Chỉ thị nhằm vận động nhân dân tích cực học tập nâng cao dân trí, nghề nghiệp, chuyên môn nhằm tăng năng lực sản xuất, chất lượng công việc, chất lượng cuộc sống. Gắn việc phát triển phong trào KHKT với xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, học đi đôi với hành, với phong trào làm kinh tế giỏi, xóa đói, giảm nghèo và xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

Lãnh đạo phường Nguyễn Trãi trao quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn của Trường THCS Lê Lợi (thành phố Hà Giang). Ảnh: QH

Ngày 10.5.2019, Ban Bí thư ban hành Kết luận số 49-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X yêu cầu: “Nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp cho công nhân, người lao động trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ, lao động năng động, sáng tạo trong điều kiện nền kinh tế số hiện nay. Khuyến khích các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, cơ sở giáo dục nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề và kỹ năng sống cho người lao động.

Tại Đại hội XIII, Đảng ta xác định mục tiêu phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Quan điểm của Đảng gắn việc phát triển phong trào KHKT, xây dựng xã hội học tập với xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở; với xây dựng đời sống văn hóa mới. Đại hội XIII cũng xác định rõ: Chú trọng hơn giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tốt đẹp của người Việt Nam; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Gắn giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống với giáo dục thể chất, nâng cao tầm vóc con người Việt Nam; tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên; đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Trên địa bàn tỉnh ta, công tác KHKT đã thu hút được sự tham gia của toàn xã hội. Chủ tịch HKH tỉnh Sèn Chỉn Ly cho biết: Với phương châm “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, công tác KHKT đã được cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vào cuộc, tạo chuyển biến sâu sắc từ nhận thức đến hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Các cấp HKH đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong việc phối hợp với các tổ chức, cá nhân triển khai hiệu quả các hoạt động hỗ trợ giáo dục trong và ngoài nhà trường; tăng cường vận động gây Quỹ Khuyến học nhằm hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo và khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân tiêu biểu.

Những năm qua, HKH tỉnh đã chủ động xây dựng tổ chức Hội theo hướng vừa phát triển số lượng, vừa nâng cao chất lượng, hướng mạnh về cơ sở và phối hợp với các lực lượng cùng hoạt động hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh có 4.051 Hội, Chi hội, Ban Khuyến học với tổng số trên 336 nghìn người. Cùng với đó, tổ chức chặt chẽ việc triển khai thực hiện mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” và xây dựng mô hình “Công dân học tập” trên toàn tỉnh. Qua đó, xuất hiện nhiều dòng họ, gia đình học tập tiêu biểu với 1.820 dòng họ đạt danh hiệu “Dòng họ học tập”; 148.810 gia đình đạt danh hiệu “Gia đình học tập”; 1.812 cộng đồng đạt “Cộng đồng học tập”.

Thời gian tới, các cấp HKH toàn tỉnh tiếp tục duy trì và phát triển mạnh mẽ phong trào học tập suốt đời; xây dựng gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập đi vào chiều sâu. Chú trọng tuyên truyền, vận động, kiểm tra, giám sát, đánh giá, công nhận các danh hiệu học tập. Động viên, khuyến khích, tôn vinh và nhân rộng các mô hình. Bám sát tình hình của từng địa phương, đơn vị để cụ thể hóa tiêu chí xây dựng các mô hình sát với thực tế, có những hình thức, phương pháp thực hiện phù hợp để khơi dậy lòng hiếu học trong mọi tầng lớp nhân dân; hướng tới mục tiêu xây dựng xã hội học tập, góp phần nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài phục vụ sự nghiệp phát triển quê hương - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Sèn Chỉn Ly cho biết thêm.

TIẾN CHIẾN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202310/phong-trao-khuyen-hoc-khuyen-tai-thuc-su-di-vao-chieu-sau-chat-luong-0b73d87/